Tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Tại buổi làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị MTTQ Việt Nam tăng cường hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Sáng 21/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng VPCP Mai Tiến Dũng đã có buổi làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tiến độ thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 6/4/2016 của VPCP.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, thực hiện Thông báo số 64/TB-VPCP, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai các nội dung của kết luận.

Tính đến ngày 31/8, 10 đầu công việc đã và đang triển khai thực hiện liên quan đến việc phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch…

Về lĩnh vực giám sát, đối với lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã khẩn trương phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khảo sát, đánh giá các mô hình tốt về khám chữa bệnh, cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh phong, tâm thần… của các tôn giáo. Đến tháng 8/2016, hai bên đã họp nghe báo cáo kết quả khảo sát tại tỉnh Nam Định, Vĩnh Phúc, thống nhất kế hoạch khảo sát đánh giá các mô hình tốt về khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo tại các tỉnh miền Trung, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.

Ban Thường trực đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục triển khai giám sát, theo dõi các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện các kiến nghị thông qua giám sát việc nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương theo dõi về thực hiện kiến nghị thông qua giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam, Bộ Y tế, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật thực hiện các kiến nghị thông qua giám sát việc chấp hành phát luật của các cơ sở y tế tư nhân…

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Nội vụ, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục triển khai chương trình xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, Chương trình được triển khai, khảo sát điều tra xã hội học tại 10 tỉnh, thành phố. Tuy số phiếu không nhiều nhưng kết quả xác định chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đã đưa ra các chỉ số đánh giá việc tiếp cận dịch vụ hành chính, về thủ tục hành chính, sự phục vụ của công chức, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và đánh giá về toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính khá chính xác và đáng tin cậy.

Qua khảo sát cho thấy người dân cơ bản hài lòng về quá trình giải quyết thủ tục hành chính đối với 6 thủ tục dịch vụ hành chính. Trong đó, thủ tục cấp Giấy đăng ký kết hôn nhận được sự hài lòng cao nhất; thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhận được sự hài lòng ít nhất… Kết quả khảo sát đã góp phần thúc đẩy các cơ quan chức năng có những quyết sách và chấn chỉnh kịp thời nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức.

Hiện nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thống nhất với Bộ Nội vụ ban hành kế hoạch khảo sát, đánh giá việc xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tháng 9, 10 và tổ chức Hội nghị sơ kết vào cuối năm 2016.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, kết quả phát triển kinh tế-xã hội của cả nước trong 9 tháng năm 2016 có sự đóng góp lớn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp, trong đó, MTTQ các cấp đã hoạt động tích cực, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Vai trò giám sát của MTTQ rõ ràng, sát sao, tập trung vào các chuyên đề, luật, pháp lệnh, cơ chế chính sách; công tác phản biện xã hội cũng đã đạt được kết quả rõ rệt. Đồng thời, MTTQ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong việc vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Về thực hiện Thông báo số 64/TB-VPCP, VPCP và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là sự chủ động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong việc phối hợp với các Bộ, VPCP trong triển khai 10 nội dung công việc. Hiện nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan thuộc Chính phủ đang phối hợp triển khai 10 chương trình giám sát với sự tham gia của 15 tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam và 11 bộ, ban, ngành của Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục quyết liệt trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tăng cường giám sát ở cơ ở để góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đặc biệt trong công tác giám sát, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTQT Việt Nam đặc biệt quan tâm đến giám sát các lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có giám sát việc thực hiện chế độ chính sách khi Nhà nước thực hiện chế độ chi trả, bồi thường với người dân ở 4 tỉnh miền Trung liên quan đến sự cố nhà máy Fomosa tại Hà Tĩnh; tăng cường giám sát môi trường trong các cụm, khu công nghiệp về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát thực tiễn để xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tại một số tỉnh, thành phố.

Gia Huy

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/tang-cuong-cac-hoat-dong-giam-sat-phan-bien-xa-hoi/287096.vgp