Tăng cường các giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch

(ĐCSVN) – Tổn thất sau thu hoạch hiện đang là vấn đề được ngành nông nghiệp hết sức quan tâm. Theo thống kê, hiện nay tổn thất sau thu hoạch đối với thủy sản lên đến 20%, với lúa là từ 11-13%- những con số thực sự đáng lo ngại. Chính vì thế, để giảm tổn thất sau thu hoạch, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Hàng tỉ USD bị tổn thất sau thu hoạch Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (NLTS&NM) cho biết, hiện nay tổn thất về sản lượng trong và sau thu hoạch đối với nông, thủy sản là khá lớn. Cụ thể, đối với lúa là 11-13%, ngô 13-15%, tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy bảo quản và xay xát, chế biến. Ngoài tổn thất về sản lượng còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng nông sản, như aflatoxin đối với ngô, achrotoxin A đối với cà phê làm giá hạt thương phẩm bị giảm từ 10-20%, rau quả và thủy sản đánh bắt bị tổn thất trên 20% cả về sản lượng và chất lượng… Theo ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến NLTS&NM (Bộ NNPTNT) với lúa gạo, mặt hàng xuất khẩu thế mạnh nhưng ở hầu hết các hộ nông dân sản xuất lúa gạo hiện nay chỉ phơi trên sân, trên đường hoặc bán lúa tươi cho thương lái ngay khi thu hoạch. Thêm vào đó, khâu bảo quản chưa đáp ứng được yêu cầu do đó dẫn tới tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch tới 11 - 12%. Nguyên nhân dẫn đến những tổn thất sau thu hoạch đó là do nhận thức về tầm quan trọng của giảm tổn thất sau thu hoạch hiện còn chưa cao và chưa được quan tâm đúng mức. Thêm vào đó, cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, chưa tạo điều kiện để đẩy mạnh việc ứng dụng máy móc, thiết bị ở các khâu trong và sau thu hoạch... Chính vì vậy, khó tránh khỏi những tổn thất lớn sau thu hoạch. Đối với thủy sản, tổn thất sau thu hoach cũng không phải là nhỏ, mặc dù mỗi năm thu hoạch, đánh bắt hàng triệu tấn thủy - hải sản, nhưng công tác bảo quản sau đánh bắt còn yếu, hệ thống kho lạnh trữ đông rất thiếu, đã ảnh hưởng đến chất và lượng sản phẩm, dẫn đến tổn thất lên đến 20%, tỉ lệ tổn thất này, quy ra tiền, đã có hàng tỉ USD bị rơi vãi. Để hàng tỉ USD không còn bị rơi vãi Có thể nói việc khắc phục thực trạng tổn thất sau thu hoạch như hiện nay không phải là việc làm một sớm một chiều. Theo Bộ NNPTNT, nếu nghị quyết 48/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản thực hiện thành công, sẽ góp phần thu hồi giá trị tổn thất sau thu hoạch hàng tỉ USD. Nghị quyết 48/NQ-CP đã đưa ra mục tiêu hạn chế tối đa tổn thất trong và sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả của sản xuất, ổn định đời sống, thu nhập của nông dân và chủ động ứng phó với những diễn biến của thị trường đối với các nông sản chủ yếu, trước mắt là lương thực (lúa, ngô), cà phê, rau quả và thủy sản trong thoai gian tới. Cụ thể: Đối với lúa gạo, giảm mức tổn thất từ 11-13% hiện nay xuống còn 5-6% vào năm 2020. Đối với ngô, giảm mức tổn thất 13-15% hiện nay xuống còn 8-9% vào năm 2020. Hạn chế tối đa mức độ nhiểm độc tố aflatoxin, cải thiện giá bán thương phẩm khoảng 10%. Đối với cà phê, hạn chế tối đa mức độ nhiễm độc tố achrotoxin A, cải thiện giá bán cà phê nhân khoảng 10%. Đối với thủy sản, rau quả, giảm mức độ tổn thất (cả về số lượng và chất lượng) từ 20% hiện nay xuống dưới 10% vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, một nhóm các giải pháp đồng bộ đã được Nghị quyết đưa ra, trong đó đáng chú ý là các giải pháp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất. Cụ thể, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được hổ trợ 100% tiền giống lúa, ngô khi áp dụng thử nghiệm lần đầu các giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao và tỉ lệ rơi rụng thấp… Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được vay vốn với mức vốn vay 100% giá trị hàng hóa, hổ trợ 100% lãi suất trong vòng 2 năm đầu, từ năm thứ 3 hổ trợ 50% lãi suất vốn vay để mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất trong nước có tỉ lệ nội địa hóa trên 60%. Bên cạnh đó, các loại thuế, lệ phí đối với các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch sẽ được miễn như: dịch vụ tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; bảo vệ thực vật; thu hoạch; sấy, bảo quản nông sản. Ngoài ra, sẽ tăng kinh phí khuyến nông hàng năm cho lĩnh vực giảm tổn thất sau thu hoạch. Tại Hội nghị, thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cũng cho rằng, cần nhận thức giảm tổn thất sau thu hoạch bao gồm cả những khâu trước thu hoạch, kể cả vấn đề chọn giống và chỉ có tổ chức lại sản xuất, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn cùng với xây dựng nông thôn mới mới có điều kiện giảm tổn thất sau thu hoạch được triệt để. Được biết, từ bây giờ, Bộ NNPTNT sẽ là cơ quan chủ trì tiếp thu các ý kiến đóng góp, xử lý thông tin để tới năm 2010 chính thức thực hiện Nghị quyết 48.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=371115&co_id=30066