Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại, giảm nguy cơ dịch bệnh

Yên Bái là một trong bốn tỉnh trọng điểm của miền Bắc có vi rút dại lưu hành nhiều năm nay (Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ). Thế nhưng, công tác phòng, chống dịch bệnh dại ở Yên Bái đang gặp rất nhiều khó khăn do: Đại bộ phận người dân vẫn chưa chấp hành việc nuôi, nhốt chó theo qui định, một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ về đường lây truyền của bệnh dại từ súc vật sang người. Do đó tình trạng giết mổ chó ốm, chó nghi dại, chó chết để ăn vẫn còn khá phổ biến, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó nuôi rất thấp, chưa đủ hiệu lực phòng bệnh... Nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại ở Yên Bái là rất cao.

Theo thống kê của Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái, từ năm 1999 đến nay toàn tỉnh có 65 trường hợp tử vong do bệnh dại gây ra, trong đó năm 2011 đã có 6 người tử vong tập trung chủ yếu ở 2 huyện Lục Yên và Yên Bình. Có thể nói, 2 huyện này là "trung tâm" bệnh dại của tỉnh bởi năm nào ở đây cũng có người tử vong do bệnh dại. Nguyên nhân chính là do khi bị chó, mèo dại cắn hay có tiếp xúc với vi rút dại nhưng người bệnh không đi tiêm phòng dại; một số ít do đến tiêm quá muộn hoặc tiêm không đủ liều, bỏ mũi tiêm hoặc khi bị chó, mèo dại cắn nạn nhân đã điều trị bằng thuốc của một số ông lang, bà mế. Nguy hiểm hơn, có những bệnh nhân sau khi tiêm vắc xin phòng dại, còn uống các loại thuốc không theo quy định của bác sĩ dẫn đến vắc xin mất tác dụng... Để phòng, chống bệnh dại, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Y tế tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại nhằm huy động sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân; chỉ đạo y tế tuyến huyện duy trì, củng cố mạng lưới phòng chống và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người trên địa bàn; đưa công tác phòng, chống bệnh dại là nhiệm vụ ưu tiên. Trung tâm tiếp tục củng cố, tăng cường giám sát, báo cáo dịch bệnh nói chung và bệnh dại trên người, trên súc vật nói riêng; trao đổi thông tin thường xuyên với cơ quan thú y về tình hình bệnh dại ở người và ở động vật để có biện pháp phòng, chống kịp thời. Bên cạnh đó, Trung tâm cần nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác phòng, chống bệnh dại từ huyện đến thôn, bản bằng cách mở thêm lớp tập huấn về chuyên môn và kỹ năng truyền thông phòng chống, qui trình xử lý ổ dịch dại trên đàn súc vật; đẩy mạnh công tác truyền thông; phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tập trung chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch truyền thông trực tiếp dưới nhiều hình thức như: thảo luận nhóm, thăm hộ gia đình, tại các cuộc họp thôn bản, tại các trường học, mỗi thôn bản ít nhất 1 lần/năm; cung cấp tài liệu truyền thông và hỗ trợ truyền thông cho cán bộ y tế các tuyến cũng như sẵn sàng vắc-xin, huyết thanh phòng bệnh dại phục vụ đối tượng điều trị dự phòng và phòng bệnh chủ động. Đồng thời trung tâm đã củng cố 3 phòng khám và tiêm vắc xin phòng bệnh dại đạt tiêu chuẩn tại: Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và hai Trung tâm Y tế huyện Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ; thực hiện an toàn tiêm chủng; đáp ứng đủ nhu cầu về vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại cho người đến điều trị dự phòng tại phòng khám. Trung tâm thường xuyên trao đổi thông tin về bệnh dại với cơ quan thú y, kịp thời nắm bắt tình trạng các ổ dịch dại, tình trạng tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi để có biện pháp hỗ trợ tuyên truyền phòng, chống bệnh dại ở người./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=471289&co_id=30085