Tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn Voọc chà vá chân xám quý hiếm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam: Trước nguy cơ đàn Voọc chà vá chân xám tại Hòn Dồ (thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) bị xâm hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đang tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam triển khai các biện pháp nhằm bảo tồn đàn Voọc chà vá chân xám quý hiếm này.

Một cá thể Voọc chà vá chân xám. Ảnh: Đăng Lâm

Voọc vá chân xám hay Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) là loài đặc hữu của Việt Nam, được xếp hạng bảo vệ ở mức cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và Thế giới, thuộc nhóm IB (Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) của danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ và thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Là loài phân bố hẹp, tại Việt Nam loài này chỉ phân bố tại khu vực miền Trung, ở các tỉnh: Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định… Quảng Nam được xem là giới hạn phía Bắc cuối cùng có phân bố loài Voọc chà vá chân xám.

Tại Quảng Nam, loài này có phân bố về phía Trung và Nam của tỉnh như tại các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Nam Giang, Phước Sơn… , số lượng quần thể không nhiều, quần thể số lượng lớn nhất tập trung tại khu vực rừng Hòn Mỏ, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn (thuộc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi), số lượng quần thể khoảng hơn 200 cá thể.

Đàn Voọc chà vá chân xám tại Hòn Dồ, thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành đã được phát hiện và được Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam theo dõi từ những năm 2000. Do tác động của cộng đồng địa phương tại đây như xâm lấn rừng để lấy đất sản xuất (lấy đất trồng rừng) nên sinh cảnh sống của loài này bị tác động mạnh, ảnh hưởng đến số lượng cá thể trong các quần thể Voọc chà vá chân xám.

Qua khảo sát và đánh giá, hiện nay đàn Voọc này có khoảng 16 - 20 cá thể sinh sống biệt lập trên diện tích rừng tự nhiên nghèo khoảng hơn 5 ha (ở khoảnh 6, 7 tiểu khu 617) và đang chịu áp lực tác động của người dân địa phương rất lớn (do sinh cảnh bị thu hẹp, xung quanh là rừng trồng của người dân), ảnh hưởng của thời tiết lạnh vào mùa mưa. Tại đây hiện cũng có các loài linh trưởng khác đang sinh sống là loài Khỉ đuôi lợn, Khỉ mặt đỏ, Cu li,....

Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường bảo vệ  loài Voọc chà vá chân xám quý hiếm này với nhiều giải pháp như: Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường bảo vệ rừng, môi trường sống của động vật cũng như theo dõi, giám sát quần thể Voọc tại đây.

Trước mắt, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra và nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ thiên nhiên nhằm ngăn chặn hiệu quả các mối đe dọa đến các loài động vật hoang dã nói chung và loài Voọc chà vá chân xám nói riêng; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng thôn, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm lâm và thành viên các tổ bảo vệ rừng thôn về quản lý, bảo vệ rừng nói chung và Voọc chà vá chân xám nói riêng ở khu vực. Các cuộc tuần tra nên kết hợp với việc giám sát động vật hoang dã nhằm phát huy tối đa tác dụng, điều này sẽ rất hữu ích cho các nỗ lực bảo tồn trong tương lai tại khu vực trọng yếu này.

Lực lượng kiểm lâm cũng tăng cường bảo vệ diện tích rừng hiện có, giảm tác động của việc phá rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng có tác động đến rừng để hạn chế việc chia cắt sinh cảnh; tổ chức thực hiện việc bảo tồn và phục hồi rừng ở những khu vực rừng bị mất bằng các loài cây bản địa, đặc biệt là những loài cây được xác định là nguồn thức ăn của Voọc, ưu tiên bảo tồn tại chỗ đàn Voọc đang phân bố tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành; xây dựng phương án phục hồi dải rừng từ khu vực có phân bố đàn Vọoc tại xã Tam Mỹ Tây lên thượng nguồn rừng phòng hộ Phú Ninh giáp với xã Tam Trà, huyện Núi Thành và các khu vực rừng giáp ranh với huyện Bắc Trà My, Tiên Phước kết nối với khu vực rừng tự nhiên của tỉnh Quảng Ngãi để đàn Voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây tự di chuyển hòa nhập với các đàn khác đang được phân bố và sinh sống tại khu vực này hoặc tạo một sinh cảnh rộng lớn để loài Voọc sinh sống và phát triển.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần có những chính sách để hỗ trợ cộng đồng trong khu vực nhằm cải thiện sinh kế, giảm áp lực vào rừng như xây dựng và phát triển các chương trình, dự án tạo thêm thu nhập và nâng cao điều kiện sống cho cộng đồng địa phương; hỗ trợ các cấp chính quyền và cộng đồng trong công tác lập kế hoạch cho việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cần xây dựng quy chế, chương trình hỗ trợ cụ thể nhằm đảm bảo các điều kiện để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn, phát triển loài Voọc chà vá chân xám trên địa bàn.

Các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách của Nhà nước về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nói chung và loài Voọc chà vá chân xám nói riêng đến các khu vực loài xuất hiện để nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương về tầm quan trọng đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài Voọc chà vá chân xám.

Nguyễn Sơn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn//van-de-quan-tam/tang-cuong-cac-bien-phap-bao-ve-dan-vooc-cha-va-chan-xam-quy-hiem-20170810135021005.htm