Tăng cơ hội cho người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Ngày 1/8/2016, Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực. Đây là cơ hội lớn đối với những lao động nằm trong diện ưu tiên có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động.

Theo ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XHT Hà Tĩnh), đối tượng áp dụng của Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC bao gồm NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; thân nhân người có công với cách mạng; người thuộc hộ bị thu hồi đất phục vụ các công trình, dự án.

Người lao động tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh.

Người lao động tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh.

Thông tư quy định việc hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; hỗ trợ chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề. Trường hợp NLĐ đồng thời thuộc 2 hay nhiều đối tượng thì được lựa chọn áp dụng theo đối tượng có lợi nhất cho NLĐ và chỉ được hưởng một lần các khoản hỗ trợ.

Cũng theo ông Dũng, cùng với mục tiêu hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, từ năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 36/2012 “Quy định về chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu lao động áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”. Theo đó, mức hỗ trợ học phí tối đa: 500.000 đồng/người; hỗ trợ khám sức khỏe 200.000 đồng/người. Để tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu lao động, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 18/2014 bổ sung, sửa đổi một số điều theo Quyết định số 36/2012 như tăng mức hỗ trợ khám sức khỏe từ 200.000 đồng lên 500.000 đồng và bổ sung hỗ trợ NLĐ làm hộ chiếu đi làm việc ở nước ngoài 200.000 đồng/người.

Các chính sách hỗ trợ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tạo điểm tựa, khuyến khích các đối tượng thuộc diện ưu tiên có thêm cơ hội xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết, thực tế từ việc giải quyết chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu lao động theo các quyết định của tỉnh cho thấy có rất ít đối tượng tiếp cận được chính sách ưu đãi này.

Theo khảo sát, những năm gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh, số lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc hộ nghèo chiếm chưa đầy 1%; số lao động thuộc hộ cận nghèo chiếm 1,68%. Bên cạnh đó, theo quy định thì những lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mới được hưởng chính sách. Nhưng thực tế thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, số lao động không theo hợp đồng chiếm gần 52%.

Như vậy, đối tượng được hưởng chính sách này bị thu hẹp. Vì vậy, trong giai đoạn 2011-2015, Hà Tĩnh được trung ương cấp trên 10 tỷ đồng để hỗ trợ các nhóm đối tượng trên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp do không có đối tượng để thực hiện. Mặt khác, các nhóm đối tượng trên đa số tham gia các thị trường không có yêu cầu cao về trình độ tay nghề và ngoại ngữ nên thực tế các đối tượng không tham gia các khóa học nghề và ngoại ngữ một cách bài bản.

Ông Nguyễn Tiến Hòa - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh cho hay: Theo Thông tư liên tịch số 09, đầu tháng 8, Nhà nước sẽ hỗ trợ một số đối tượng như hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng về chi phí làm visa, tiền ăn, chi phí đào tạo… Mặc dù số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng cũng phần nào giúp những đối tượng yếu thế giảm bớt gánh nặng chi phí, đồng thời, khuyến khích, thu hút NLĐ làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động của đơn vị cho thấy, đối tượng thuộc diện ưu tiên được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh rất ít.

Để chính sách hỗ trợ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phát huy hiệu quả cao nhất, ông Đặng Văn Dũng cho rằng, thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung chỉ đạo các trường nghề tăng cường mở lớp và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho các đối tượng tham gia. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp làm công tác tuyển chọn đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép; chú trọng đào tạo những nghề các nước có nhu cầu tuyển thường xuyên; dạy ngoại ngữ và tác phong công nghiệp cho NLĐ; thực hiện tốt việc hỗ trợ học nghề cho NLĐ khi tham gia. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách, lợi ích của xuất khẩu lao động để người dân nắm bắt, tham gia.

Theo Thông tư 09, mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học; bồi dưỡng kiến thức cần thiết hỗ trợ tối đa 530.000 đồng/người/khóa học. Tiền ăn trong thời gian đào tạo được hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ kinh phí đi lại... NLĐ tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề theo yêu cầu của hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài được hỗ trợ bằng 70% chi phí đào tạo của từng khóa học của cơ sở đào tạo nhưng không quá mức hỗ trợ quy định...

Nam Giang

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/lao-dong-viec-lam/tang-co-hoi-cho-nguoi-lao-dong-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-hop-dong/118165.htm