Tăng chế tài với hành vi xâm hại động vật hoang dã

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17-9-2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã (ĐVHD). Đây được xem là một trong những động thái mạnh của Chính phủ nhằm bảo vệ ĐVHD trước tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Thủ đoạn tinh vi, phức tạp

Mới đây, tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), các cơ quan chức năng đã bắt giữ hàng chục cá thể ĐVHD thuộc diện nguy cấp, quý hiếm cho thấy cuộc chiến với tội phạm buôn bán trái phép ĐVHD vẫn đang diễn ra phức tạp. Cụ thể, ngày 15-7-2016, Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội) phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế (Công an huyện Thanh Trì) tạm giữ 16 cá thể rùa đất lớn, trọng lượng 44,7kg; 3 cá thể rùa núi vàng trọng lượng 3,1kg thuộc nhóm ĐVHD nguy cấp, quý hiếm; 4 cá thể rùa đất Pulkin, trọng lượng 2,5kg thuộc nhóm ĐVHD thông thường. Qua xác minh cho thấy, số động vật trên được xếp lẫn vào hành lý vận chuyển trên xe khách và không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đối tượng vận chuyển là bà Triệu Thị Duyên ở thôn Cầu Sắt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ vi phạm được bắt giữ từ đầu năm đến nay. Trong đó, 9 tháng của năm 2016, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chức năng bắt giữ được 10 vụ buôn bán ĐVHD với tổng số 263 cá thể, trọng lượng hơn 123kg, trong đó có 203 cá thể ĐVHD thông thường và 60 cá thể ĐVHD nguy cấp, quý hiếm. Đáng chú ý, các đối tượng vi phạm đều sử dụng thủ đoạn rất tinh vi như vận chuyển trên các phương tiện hiện đại, xé lẻ và giấu lẫn với hàng hóa hoặc hành lý nhằm qua mặt cơ quan chức năng nên việc quản lý và truy bắt gặp khó khăn.

Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), các cá thể ĐVHD được buôn bán, phục vụ cho nhu cầu làm thức ăn, làm cảnh, làm thuốc, xuất khẩu... và được rao bán khá công khai trên nhiều diễn đàn, các trang mạng rao vặt, quảng cáo... mà chưa bị xử lý. Có lẽ vì vậy mà số vụ vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Ngô Bá Oanh cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 49 vụ với tổng số 436 cá thể ĐVHD và 7,5kg rắn, trong đó số vụ do cơ quan chức năng bắt giữ bàn giao là 33 vụ với 419 cá thể ĐVHD. So với cùng kỳ năm 2015, tổng số vụ tiếp nhận tăng 6 vụ.

Siết chặt quản lý

Thực tế tại Hà Nội, các hành vi vi phạm liên quan đến ĐVHD đã được TP Hà Nội xử lý nghiêm. Đơn cử như vụ vận chuyển rùa trái phép nêu trên, ngày 9-9-2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với bà Triệu Thị Duyên với số tiền 78 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm, chuyển giao Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội theo quy định.

Tuy nhiên, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên nhận định, việc xử lý vi phạm đối với các hành vi buôn bán, xâm hại ĐVHD nguy cấp, quý hiếm còn nhẹ, chưa được coi là loại hình tội phạm nghiêm trọng, làm giảm tính răn đe của pháp luật đối với người vi phạm. Đặc biệt, ở các làng nghề chế tác xương, sừng, nhiều hộ còn sử dụng ngà voi, sừng tê giác pha trộn với một số nguyên liệu khác để chế tác nên khó kiểm tra, phát hiện vì các hộ làm nghề đa phần sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư. Điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở mới ngăn chặn kịp thời và hiệu quả.

Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật ra đời thực sự là chế tài quan trọng giúp các địa phương và cơ quan chức năng tăng cường quản lý, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này, đặc biệt là lấp "lỗ hổng" trong quản lý hiện nay. Ngoài việc phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành và các cấp chính quyền đối với việc quản lý, đấu tranh với các hành vi buôn bán trái phép ĐVHD, Chỉ thị còn chỉ rõ các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động quảng cáo, bày bán, buôn bán qua mạng ĐVHD, đồng thời quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp khi để xảy ra vi phạm tại địa bàn do mình quản lý...

Ông Lê Minh Tuyên cho rằng, để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về ĐVHD, các địa phương cần tập trung tuyên truyền để nhân dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với các làng nghề chế tác thủ công mỹ nghệ có sử dụng nguyên liệu liên quan đến ĐVHD, ngoài tuyên truyền, cần xây dựng, đề xuất phương án chuyển đổi nghề và có biện pháp mạnh tay hơn trong xử lý các vi phạm liên quan đến buôn bán ĐVHD... trên địa bàn. Có như vậy mới mong hoạt động buôn bán, sử dụng trái phép ĐVHD "giảm nhiệt".

Còn đó “lỗ hổng” về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm

(HNMO)- Thường Tín là huyện có nhiều làng nghề truyền thống chế tác đồ thủ công mỹ nghệ của thành phố Hà Nội. Trong tháng 7-2016, cơ quan công an bắt quả tang và khởi tố 2 vụ buôn bán, tàng trữ trái phép các sản phẩm chế tác từ ngà voi đã cho thấy công tác quản lý và bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm trên địa bàn Thường Tín nói riêng và Hà Nội còn nhiều lỏng lẻo.

Minh Phú

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/850579/tang-che-tai-voi-hanh-vi-xam-hai-dong-vat-hoang-da