Tăng Armata: Sự tích hợp hoàn hảo cho cải tiến tăng của Nga

Thời gian tới đây, các xe tăng chiến đấu Armata của Nga sẽ được trang bị thiết bị trinh sát không người lái UAV, được kết nối với xe tăng bằng cáp dẻo.

Sputnik News ngày 19/11 đưa tin, các UAV được trang bị cho xe tăng chiến đấu Armata lần này được phát triển tại Học viện Hàng không Moscow (Nga).

 Xe tăng Armata của Nga sẽ được trang bị UAV kết nối bằng cáp dẻo

Xe tăng Armata của Nga sẽ được trang bị UAV kết nối bằng cáp dẻo

“Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu và phát triển dự án này. Dự kiến chúng tôi sẽ bàn giao các thiết bị về bộ Quốc phòng trong một năm tới”, ông Vitaly Polansky, một nhà nghiên cứu về hệ thống Robot tại Học viện Hàng không Moscow nói với các phương tiện truyền thông.

Các thiết bị trinh sát không người lái này có phần vỏ làm từ vật liệu tổng hợp Pterodaktil siêu bền, được thiết kế để theo dõi và ghi lại tình hình thực trạng chiến trường trong phạm vi hàng chục km. Những thiết bị này có thể bay quanh xe tăng Ngoài ra, một ưu điểm khác của hệ thống kết nối điều khiển này là tính bảo mật cao.

Theo chuyên trang quân sự Military Today, Armata là dự án chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Nga. Mẫu xe tăng này được phát triển từ năm 2011. Quân đội Nga lần đầu giới thiệu mô hình Armata vào năm 2013, phiên bản thử nghiệm được trình làng năm 2014.

Trong đó, T-14 Armata là chiếc xe tăng “bất khả xâm phạm” và có uy lực mạnh nhất, có thể chống lại tất cả các vũ khí của NATO như súng phóng lựu hoặc tên lửa chống tăng có cỡ nòng 150 mm.

Xe tăng T-14 Armata được đánh giá là một át chủ bài thay thế các mẫu xe tăng T-72, T-80 và T-90 đã lỗi thời của Nga. Đồng thời chiếc xe tăng tối tân này cũng là “khắc tinh” chống lại sức mạnh huyền thoại xe tăng của Mỹ M1 Abrams.

Cận cảnh xe tăng T-14 Armata Nga khi tham gia diễu hành tại Quảng trường Đỏ, Moscow, ngày 9/5/2015 nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức

Chuyên gia phân tích vũ khí Dave Majumdar của National Interest nhận định: “Tăng Armata là hệ thống các loại xe tăng chiến đấu bóc thép của Nga được có từ thời Liên Xô cũ. Trước đây, quân đội Nga thường chú trọng phát triển các thiết kế xe tăng tương đối đơn giản, không tốn nhiều kinh phí, có thể chịu được môi trường khắc nghiệt và sản xuất đồng loạt trong một thời gian ngắn để phục vụ các mục đích quân sự.

Nhưng khi T-14 Armata ra đời, đây thực sự là một bứt phá về công nghệ và tư duy thiết kế so với các mẫu xe tăng truyền thống trước đây của Nga. T-14 Armata là sự tích hợp hoàn hảo cho những cải tiến mới trong hệ thống vũ khí Nga”.

Nếu như trước đây, Nga sản xuất xe tăng chỉ quan tâm tới số lượng chứ không phải chất lượng để có thể đọ sức với những mẫu xe tăng hiện đại của phương Tây. Xe tăng Liên Xô mà thế giới biết tới là một khối bọc thép di động, cứng cáp nên những tính năng như hệ thống bảo vệ, khả năng sống sót của người điều khiển tăng không phải là ưu tiên hàng đầu.

Thay vì một thiết kế truyền thống, T-14 Armata trang bị một số tính tăng tiến tiến mà chưa bao giờ một chiếc xe tăng nào trên thế giới có được. Ngoại hình chiếc T-14 Armata đã thể hiện sự tiến bộ của nó. Không còn kiểu tháp pháo hình tròn và cấu trúc thân xe đơn giản nữa, T-14 mang hơi hướng của một chiếc xe tăng phương Tây hiện đại.

Hỏa lực của T-14 Armata được nâng cao bằng súng nòng trơn 2A82 125 mm, gắn trên tháp pháo không người lái. Ngoài ra, chiếc xe tăng huyển thoại này còn có thể khai hỏa tên lửa dẫn đường chống tăng. Với cự ly 5km, T-14 đủ sức bắn hạ những loại máy bay trực thăng tầm thấp.

Điều khiến T-14 Armata khác biệt so với tất cả các loại xe tăng của Nga đó là nó có tháp pháo không cần người điều khiển. Ưu điểm của thiết kế này là kíp chiến đấu (xa trưởng, lái xe, pháo thủ) hoàn toàn tách biệt với đạn dược trong xe.

Hơn nữa, T-14 Armata còn được trang bị áo giáp nhiều lớp thụ động kết hợp với giáp phản ứng nổ và hệ thống bảo vệ chủ động Afghanit. Hệ thống này được tích hợp các radar sóng mm có khả năng phát hiện, theo dõi và đánh chặn những viên đạn lao tới.

Ngoài ra, cơ chế bảo vệ tăng T-14 Armata còn là các hệ thống bảo vệ chủ động (APS) cho phép nó tự đưa ra các phương án tác chiến dựa trên kinh nghiệm trên chiến trường. Việc nâng cấp và tích hợp những tính năng này giúp cho kíp chiến đấu có cơ hội sống sót cao hơn so với bất kỳ mẫu tăng nào trước đây của Nga.

Liệu M1A2 SEP Abrams (Mỹ) với kinh nghiệm chiến trường liệu có bị đánh bại trước sự tân tiến của T-14 Armata?.

Tuy vậy, kiểu thiết kế tháp pháo độc lập này cũng có nhược điểm. Kíp điều khiển tăng phải hoàn toàn dựa vào hệ thống cảm biến trên xe để nắm bắt tình hình chiến trường và ngắm bắn mục tiêu.

Trong trường hợp xe tăng Armata bị bắn trúng tháp pháo khiến bộ cảm biến và thiết bị điện tử bị đánh sập, chiếc xe tăng siêu hiện đại này coi như đã bị loại khỏi vòng chiến khi không còn khả năng ngắm bắn, phản pháo lại dù nó vẫn có thể di chuyển được.

Cũng theo một số nguồn tin cho biết, trưởng thiết kế dự án răng Armata, Andrey Terlikov từng tuyên bố sẽ nâng cấp T-14 Armata thành một con robot hoạt động độc lập trên chiến trường, tức có khả năng tự tác chiến trên chiến trường mà không cần đến kíp chiến đấu. Trong triển lãm vũ khí EXPO-2015, Nga cũng khẳng định nước này đã bắt đầu sản xuất những chiếc xe bọc thép chiến đấu tự động.

Khẳng định lại tuyên bố đó, Viktor Murakhovsky, đại tá quân đội Nga đã nghỉ hưu hiện đang là biên tập viên của tạp chí quân đội Arsenal Otechestva đã nhận định: “Chỉ trong vài năm nữa, tăng Armata có thể hoạt động trên chiến trường nhờ vào hệ thống điều khiển từ xa bởi hiện nay T-14 Armata đã có đủ mọi yếu tố cần thiết để có thể biến thành một phương tiện chiến đấu hoàn toàn tự động”.

Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tang-armata-su-tich-hop-hoan-hao-cho-cai-tien-tang-cua-nga-a306912.html