“Tăng áp động mạch phổi” cái chết được báo trước

Tăng áp động mạnh phổi là căn bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi và có thể gây ra nhiều biến chứng nặng, dễ dẫn tới tử vong.

Tăng áp phổi là tình trạng áp lực động mạch phổi (ĐMP) trung bình lớn hơn hoặc bằng 25 mm Hg khi nghỉ, được đánh giá bằng thông tim phải. Trên thế giới, tỉ lệ người mắc tăng áp động mạch phổi là 2 – 25 người/triệu dân. Ở Mỹ, theo một nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ này là 2/1000 trẻ sơ sinh sống. Ở Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ.

PGS. TS. Trương Thanh Hương, Trưởng đơn vị Tim mạch trẻ em, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trước năm 1980, khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu thì thời gian sống trung bình từ khi phát hiện bệnh tăng áp động mạch phổi vô căn cho đến khi tử vong là 2,8 năm. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nếu tìm được nguyên nhân gây TAĐMP thì bệnh nhân sẽ được điều trị theo nguyên nhân. Trong trường hợp, TAĐMP vô căn (không rõ nguyên nhân) hoặc nguyên nhân không loại bỏ được, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các thuốc giãn động mạch phổi và các biện pháp điều trị hỗ trợ tùy thuộc vào nhóm bệnh và mức độ nặng của bệnh.

Bệnh tăng áp phổi có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào từ tuổi sơ sinh tới người cao tuổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. PGS.TS. Trương Thanh Hương, Trưởng đơn vị Tim mạch trẻ em, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh tăng áp động mạch phổi nếu không được điều trị hoặc loại bỏ nguyên nhân gây bệnh thì thường có tiên lượng rất nặng và có các biến chứng như:

Bệnh tim do phổi dẫn đến suy tim bên phải, tiên lượng nặng và gây ra tử vong.

Tăng áp động mạch phổi làm tăng khả năng hình thành các cục máu đông trong động mạch nhỏ trong phổi, gây nhồi máu phổi, nếu có hẹp hay tắc mạch máu lớn có thể gây sốc và tử vong.

Chứng loạn nhịp tim: tim đập không đều (loạn nhịp tim) nguồn gốc từ nhĩ hoặc thất là biến chứng của tăng áp động mạch phổi. Có các triệu chứng như chóng mặt, đánh trống ngực hoặc ngất xỉu và có thể gây tử vong.

Ho máu cùng với chảy máu trong phổi là một biến chứng nặng có khả năng gây tử vong.

ThS. Nguyễn Minh Hùng, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết TAĐMP ở giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng gì đặc biệt hoặc triệu chứng rất nhẹ, dễ bị bỏ qua. Khi bộc lộ triệu chứng, thường bệnh đã ở giai đoạn nặng. Các triệu chứng của TAĐMP cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như: Khó thở, đau ngực, mệt, phù chân, ngất, ho ra máu… Để chẩn đoán và điều trị TAĐMP, người bệnh nên đến cơ sở y tế nhất là chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán đầy đủ và tìm ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Khi tình trạng ổn định, bệnh nhân có thể xuất viện và điều trị theo phác đồ tại nhà. Tuy nhiên, TAĐMP dù có điều trị hay không thì vẫn thường trực gây ra các biến chứng nặng như ho ra máu, suy tim phải, ngất… Các biến chứng này đều có thể gây tử vong kể các khi bệnh nhân đang nằm viện.

Dấu hiệu nhận biết cần đi khám sàng lọc tăng áp động mạch phổi

Khó thở mà không có triệu chứng đặc hiệu của bệnh tim/phổi, hoặc ở bệnh nhân có sẵn bệnh tim/phổi nhưng khó thở tăng lên mà không giải thích được.

Mệt mỏi, yếu cơ, đau ngực, ngất, chướng bụng khó tiêu

Bờ trái xương ức nhô cao, tiếng tim T2 mạnh ở đáy tim, tiếng thổi ở tim, gan to, phù chi…

Vĩ Thanh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/%e2%80%9ctang-ap-dong-mach-phoi%e2%80%9d-cai-chet-duoc-bao-truoc