TANDTC Việt Nam và TATC Pê-ru: Mở ra cơ hội ký kết hợp tác song phương

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình mới đây đã có buổi hội kiến với ông Dubơli Rođờringgết, Chánh án TATC Pêru và mở ra cơ hội để TATC hai nước ký kết hợp tác song phương.

Buổi hội kiến diễn ra nhân dịp ông Du-bơ-li Ro-đờ-ring-gết, Chánh án TATC Pê-ru tham dự Hội nghị quan chức cao cấp (SOM3) trong khuôn khổ Hội nghị APEC diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Tòa án hai nước có nhiều điểm tương đồng

Thay mặt TANDTC, Chánh án Nguyễn Hòa Bình chào mừng ông Du-bơ-li Ro-đờ-ring-gết, Chánh án TATC Pê-ru và ông Lu-ít Tu-boy-ya-ma, Đại sứ Cộng hòa Pê-ru tại Việt Nam đã đến thăm, làm việc với TANDTC Việt Nam. Điểm lại quan hệ ngoại giao của hai nước trong thời gian qua, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay, Việt Nam và Pê-ru đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14/11/1994. Tháng 8/2013, Chính phủ Pê-ru đã quyết định mở Đại sứ quán tại Hà Nội; tháng 12/2014, cử ông Du-bơ-li Ro-đờ-ring-gết là Đại sứ thường trú đầu tiên tại Việt Nam. Hai nước duy trì trao đổi các chuyến thăm cấp cao khá thường xuyên và duy trì tiếp xúc song phương tại Liên Hợp quốc, APEC cũng như tổ chức các phiên gặp gỡ nhằm nâng tầm quan hệ hai nước. Tại Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra ở thủ đô Lima của Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gặp Tổng thống Pê-ru Pê-đơ-rô Pa-bơ-lô Kun-xin-xky để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi những vấn đề mà hai nước cùng quan tâm.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình (bên phải) hội kiến với Chánh án Du-bơ-li Ro-đờ-ring-gết

Về song phương, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế- thương mại, nông nghiệp, thủy sản, khoa học- công nghệ, hải quan...

Về đa phương, hai nước duy trì sự phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương. Hai nước ủng hộ nhau vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018, Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017... Hai bên đã ký Bản Ghi nhớ về hợp tác trong khuôn khổ APEC nhằm phối hợp chặt chẽ để bảo đảm thành công các Hội nghị cấp cao APEC tại Pê-ru năm 2016 và tại Việt Nam năm 2017.

Về quan hệ giữa Tòa án Việt Nam và Pê-ru, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng mặc dù hai nước đã có mối quan hệ hợp tác từ lâu, tuy nhiên quan hệ giữa Tòa án hai nước lại chưa thiết lập. Chính vì vậy, hai bên cần phải đẩy mạnh xúc tiến, mở ra cơ hội hợp tác để Tòa án hai nước trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về hoạt động tư pháp với nhau, vì mục tiêu bảo vệ công lý.

Giới thiệu một số nét chính về Tòa án Việt Nam, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khái quát Luật Tổ chức TAND năm 2014 và cơ cấu tổ chức, hoạt động của Tòa án 4 cấp hiện nay. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 quy định TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014 có nhiều sửa đổi quan trọng về thẩm quyền của TAND. Về cơ cấu tổ chức, hệ thống TAND Việt Nam được chia thành 4 cấp bao gồm: TANDTC; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

Chánh án Du-bơ-li Ro-đờ-ring-gết tặng tài liệu của Tòa án Pê-ru cho Chánh án Nguyễn Hòa Bình

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cài tặng lôgô của Tòa án Việt Nam cho Chánh án TATC Pê-ru

Về phần mình, ông Du-bơ-li Ro-đờ-ring-gết, Chánh án TATC Pê-ru bày tỏ vinh dự và vui mừng khi lần đầu tiên được đến Việt Nam - một đất nước tươi đẹp, anh hùng, có hàng nghìn năm lịch sử. Bản thân ông và nhân dân Pê-ru biết đến Việt Nam qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong những năm tháng ấy, đất nước Pê-ru luôn ủng hộ cuộc kháng chiến vĩ đại của Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã vượt qua mọi gian khó và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đã đánh tan đế quốc Mỹ để thống nhất đất nước. Trong hòa bình, Việt Nam là đất nước đang ngày càng phát triển, nhân dân có cuộc sống no đủ hơn, vị thế của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Thông tin về Tòa án Pê-ru, ông Du-bơ-li Ro-đờ-ring-gết cho biết, hệ thống Tòa án Pê-ru cũng chia thành 4 cấp gồm: TATC; Tòa án cấp cao; Tòa án sơ thẩm (với thẩm quyền tương ứng là một tỉnh); Tòa án công lý (với thẩm quyền tài phán trong phạm vi mỗi huyện). Nhà nước Pê-ru được tổ chức theo nguyên tắc phân quyền và tách bạch quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tòa án là cơ quan tư pháp, trở thành cơ chế để giải quyết các tranh chấp và có trách nhiệm áp dụng luật của Pê-ru. Hệ thống tư pháp được tổ chức với hàng loạt các Tòa án có thẩm quyền trong những lĩnh vực và khu vực cụ thể dưới sự giám sát của TATC Pê-ru. Chính vì vậy, Tòa án tại Pê-ru cũng có nhiều điểm tương đồng với Tòa án Việt Nam.

Nhất trí tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ

Chia sẻ về công tác cải cách tư pháp của Việt Nam, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu những điểm quan trọng của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong đó xác định: Tòa án đóng vai trò trung tâm trong quá trình cải cách tư pháp. Hiện nay, TAND có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị và đã đạt được nhiều thành tựu trong cải cách tư pháp và tiếp tục đẩy mạnh cải cách trên nhiều mặt. TANDTC đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực nhằm khắc phục tình trạng thiếu Thẩm phán, cán bộ, công chức ở các cấp Toà án; đồng thời bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, công chức. Tòa án Việt Nam cũng chú trọng công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp và tinh thần cải cách tư pháp mà các Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Ngoài ra, TAND Việt Nam cũng đẩy mạnh về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, trong đó xác định phương hướng phát triển công tác đối ngoại của Tòa án là tiếp tục mở rộng quan hệ với Tòa án các nước trên thế giới, trước hết là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, quan trọng và các nước trong khu vực; mở rộng việc tham gia các tổ chức quốc tế về pháp luật và tư pháp quốc tế.

Bàn về kế hoạch hợp tác giữa Tòa án hai nước trong thời gian tới, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Chánh án Du-bơ-li Ro-đờ-ring-gết nhận thấy hệ thống Tòa án Việt Nam, Tòa án Pê-ru có nhiều điểm tương đồng giống nhau nên rất thuận tiện trong việc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Hiện nay, cả Việt Nam và Pê-ru đều có Học viện Tòa án để đào tạo Thẩm phán cũng như các chức danh tư pháp, sinh viên luật- đây là nguồn nhân lực dồi dào có trình độ pháp lý để bổ sung cho các Tòa án. Vì vậy, TATC hai nước hoàn toàn có thể trao đổi, cử các đoàn chuyên gia học tập kinh nghiệm của nhau. Hơn nữa, trong công cuộc cải cách hành chính, Tòa án Pê-ru đang hướng tới thủ tục hành chính tư pháp không giấy tờ mà thông qua hệ thống kết nối điện tử Internet, nên có điều kiện để chia sẻ với Tòa án Việt Nam. Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, cả Việt Nam và Pê-ru đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, trong đó Tòa án là cơ quan dóng một vai trò rất quan trọng, do đó hai bên cần tăng cường hợp tác về lĩnh vực này…

Chánh án TATC hai nước và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau buổi hội kiến

Sau quá trình trao đổi và thảo luận, Chánh án TANDTC Việt Nam và Chánh án TATC Pê-ru nhất trí giao cho Vụ hợp tác quốc tế Tòa án hai nước nghiên cứu, soạn thảo các văn kiện để Chánh án hai nước tiến tới ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác song phương, mở ra cơ hội phát triển cho Tòa án Việt Nam, Tòa án Pê-ru. Cũng dịp này, ông Du-bơ-li Ro-đờ-ring-gết, Chánh án TATC nươc Cộng hòa Pê-ru mời Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và các đoàn cán bộ, Thẩm phán Tòa án Việt Nam sang thăm, làm việc với Tòa án Pê-ru.

Cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà nhân dân Pê-ru và Chánh án Du-bơ-li Ro-đờ-ring-gết đã dành cho đất nước, con người và Tòa án Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tin tưởng rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển, bền vững. Mặc dù hai nước cách xa về địa lý, Chánh án TANDTC Việt Nam khẳng định sẽ cùng đoàn công tác của Tòa án Việt Nam sang thăm, làm việc tại Pê-ru và mong rằng Đại sứ quán Pê-ru tại Việt Nam sẽ trở thành cầu nối tích cực để TATC hai nước thiết lập quan hệ hợp tác trong thời gian sớm nhất.

Trần Minh Giang

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/tandtc-viet-nam-va-tatc-pe-ru-mo-ra-co-hoi-ky-ket-hop-tac-song-phuong-222556.html