Tân Tổng thư ký Liên Hợp quốc: Lựa chọn của hy vọng

(Baonghean) - Ngày 13/10, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã chính thức bổ nhiệm cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres trở thành Tổng Thư ký mới thay ông Ban Ki Moon. Giới quan sát bình luận, nắm giữ “ngọn cờ xanh vì hòa bình” của Liên Hợp quốc, ông Antonio Guterres sẽ có rất nhiều việc phải làm thời gian tới đây.

Tân Tổng Thư ký Antonio Guterres được kỳ vọng sẽ mang hơi thở mới cho các bước đi của Liên Hợp quốc. (Nguồn: DW)

Cuộc bầu chọn minh bạch

Tiến trình bầu chọn Tổng Thư ký Liên Hợp quốc lần thứ 9 năm nay bắt đầu từ ngày 21/7, được đánh giá là rõ ràng và minh bạch hơn so với từ trước đến nay. Theo đó, các quốc gia thành viên được quyền tiến cử các nhân vật, còn các ứng cử viên phải nộp đơn ứng cử cùng hồ sơ cá nhân. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Liên Hợp quốc, các ứng cử viên được tham gia các buổi tranh luận và phiên điều trần công khai trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc, đồng thời được phát sóng truyền hình trực tiếp đi toàn thế giới.

Cùng cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres, tham gia ứng cử lần này có một loạt nhân vật nổi bật như ông Danilo Turk - cựu Tổng thống Slovenia, bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO, bà Helen Clark - cựu Thủ tướng New Zealand hiện là Tổng Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc hay bà Susana Malcorra - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Argentina. Trong chiến dịch tranh cử, ông Guterres cùng các ứng viên đã trình bày công khai những chính sách ưu tiên, trách nhiệm cũng như tầm nhìn chiến lược khi trở thành Tổng Thư ký Liên Hợp quốc.

Tại các vòng bỏ phiếu, đại sứ của 15 nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc chấm điểm cho từng ứng cử viên. Để thắng cử, nhân vật được đề cử phải nhận được ít nhất 9 phiếu thuận và không bị bất cứ thành viên nào trong số 5 Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (gồm có Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc) phủ quyết hoặc ít nhất là không phản đối, tức là bỏ phiếu trắng.

Cuối cùng, với 13 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và không bị lá phiếu phủ quyết nào, ông Antonio Guterres đã vượt qua hành loạt ứng cử viên sáng giá khác. Ông Guterres sẽ giữ cương vị Tổng Thư ký Liên Hợp quốc từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2021. Đương kim Tổng Thư ký Ban Ki Moon đã mô tả ông Antonio Guterres là một “sự lựa chọn tuyệt vời” để thay thế ông.

Từ kỹ sư đến Thủ tướng

Ông Antonio Guterres sinh ngày 30/4/1949, năm nay 67 tuổi. Sau cuộc cách mạng Hoa Cẩm chướng tại Bồ Đào Nha năm 1974 chấm dứt chế độ độc tài, ông gia nhập đảng Xã hội. 2 năm sau đó vào năm 1976, từ một kỹ sư, ông Guterres đã trở thành nghị sĩ trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại nước này.

Năm 1992, ông Guterres trở thành Tổng Bí thư Đảng Xã hội Bồ Đào Nha. Đến năm 1995, ông xuất sắc giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và giữ chức Thủ tướng giai đoạn 1995 - 2002.

Khi giữ cương vị Thủ tướng, ông Guterres đã có những đóng góp ấn tượng khi giúp cho kinh tế đất nước phát triển và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức rất thấp. Ông theo đuổi đường đối lãnh đạo dựa trên đối thoại và thảo luận với tất cả các thành phần xã hội. Năm 2000, ông đã có nhiều hoạt động ấn tượng khi Bồ Đào Nha trở thành Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu.

Ông cũng là người ủng hộ một Liên minh châu Âu thống nhất. Thể hiện, Bồ Đào Nha là 1 trong những nước đầu tiên sử dụng đồng tiền chung từ năm 1999. Là một nhà chính trị và nhà ngoại giao kỳ cựu, ông Guterres còn có khả năng nói được 4 thứ tiếng là Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên đến năm 2002, ông đã quyết định từ chức sau khi đảng Xã hội của ông thất bại trong cuộc bầu cử địa phương cuối năm 2001.

Tiếp đó, suốt thời gian dài 10 năm từ năm 2005 đến 2015, ông giữ chức Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn. Trong thời gian giữ chức vụ này, ông Guterres đã được mệnh danh là “nhà bảo trợ không biết mệt mỏi cho những người tị nạn” với hàng loạt chính sách để bảo vệ quyền của nhóm người này. Ông còn được biết tới với việc cắt giảm các nhân viên hành chính, đồng thời mở rộng nhóm phản ứng nhanh với các tình trạng khẩn cấp toàn cầu, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng về người tỵ nạn và nhân đạo.

Nhiệm kỳ không trải hoa hồng

Không chỉ có một bề dày kinh nghiệm chính trị và ngoại giao, ông Antonio Guterres còn được đánh giá là vị Tổng Thư ký Liên Hợp quốc có nhiều điểm đặc biệt. Ông là quan chức đứng đầu chính phủ của một quốc gia đầu tiên trở thành Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, chức vụ vốn dành cho các cựu Ngoại trưởng các nước. Không chỉ vậy, ông Guterres cũng được đánh giá là lựa chọn bất ngờ bởi Bồ Đào Nha là một quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bởi trước khi diễn ra các vòng bỏ phiếu, dư luận đều cho rằng, Nga sẽ không bao giờ bỏ phiếu thuận cho một ứng cử viên đến từ khối NATO và chỉ ủng hộ 1 ứng viên từ Đông Âu. Hơn nữa, giới quan sát cũng kỳ vọng Liên Hợp quốc có thể có một nữ Tổng thư ký, nhất là khi có một số ứng viên nữ khá mạnh tham gia.

Tuy nhiên với nhiều kinh nghiệm và những gì đã thể hiện suốt những năm qua, ông Guterres đã được lựa chọn. Nhưng đi kèm với đó cũng là những trọng trách nặng nề. Đặc biệt trong bối cảnh, Liên Hợp quốc thời gian qua vấp phải nhiều chỉ trích do không thể giải quyết được các cuộc xung đột lớn tại Syria, Yemen cũng như không thể tác động nhiều tới cuộc khủng hoảng di cư.

Ông Antonio Guterres trò chuyện với trẻ em tị nạn Syria. (Nguồn: UNHCR)

Cụ thể, Tổng thư ký sẽ phải tiến hành cải tổ và điều hành bộ máy Liên Hợp quốc hoạt động hiệu quả. Tiếp đó, nhiệm vụ đặt ra là có các giải pháp để cân bằng lợi ích giữa các cường quốc, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Sự khủng hoảng mới nhất là Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã không thể không qua cả 2 dự thảo về các giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng Syia, một do Nga đề xuất, một do Pháp đề xuất.

Ngoài ra, Tổng thư ký cần thể hiện vai trò trong việc ngăn chặn xung đột giữa các quốc gia hay hạ nhiệt các tranh chấp quốc tế, ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan, khủng bố, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng tị nạn cũng như thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn cầu. Cụ thể, các hồ sơ “nóng” như căng thẳng trên Biển Đông, biển Hoa Đông, cuộc khủng hoảng Ukraine, tình hình bán đảo Triều Tiên, bất ổn Trung Đông và đặc biệt là sự hoành hành của chủ nghĩa khủng bố cực đoan… sẽ là những bài toán khó đặt ra với tân Tổng Thư ký Antonio Guterres.

Mặc dù thách thức là rất lớn nhưng với kinh nghiệm, tài năng và phẩm chất vốn có, ông Guterres được kỳ vọng sẽ chèo lái con thuyền Liên Hợp quốc vượt qua mọi sóng gió, đặc biệt là vấn đề người tị nạn hiện nay. Có như vậy, Liên Hợp quốc mới có thể giữ vững vai trò là sứ giả xây dựng cây cầu hòa bình giữa các quốc gia trên toàn thế giới.

Phương Hoa

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201610/tan-tong-thu-ky-lien-hop-quoc-lua-chon-cua-hy-vong-2744718/