Tân Tổng Thư ký LHQ: Một lựa chọn, triệu kỳ vọng

Sáng 6/10 theo giờ Mỹ (tức tối 6/10 theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí đề cử cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres, 67 tuổi, làm Tổng Thư ký LHQ mới thay ông Ban Ki-moon sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay.

Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres, 67 tuổi, được đề cử làm Tổng Thư ký LHQ mới thay ông Ban Ki-moon sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nayẢnh: Reuters

Sau khi đã được HĐBA LHQ chính thức thông qua, ông Guterres phải được Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu tín nhiệm trước khi nhậm chức vào ngày 1/1/2017.

Từ ngày 21/7 đến nay, 15 nước ủy viên HĐBA LHQ đã tiến hành tổng cộng 6 cuộc bỏ phiếu không chính thức và 1 cuộc bỏ phiếu chính thức để quyết định ai sẽ là tân Tổng Thư ký LHQ. Có tổng cộng 13 ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua vào vị trí này, đa số là các quan chức tới từ các nước Đông Âu - khu vực chưa từng có người giữ chức vụ đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.

Ông Guterres được đánh giá là đáp ứng kỳ vọng của nhiều chính phủ trong bối cảnh đặc biệt của thế giới hiện nay, khi làn sóng di dân và người tị nạn đang “nhấn chìm” châu Âu, sự chia rẽ ngày càng lớn và nhân loại cần cầu nối tin cậy giữa các quốc gia.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng đã mô tả ông Guterres là “sự lựa chọn tuyệt vời” để thay thế mình: “Tôi chắc chắn rằng, ông ấy sẽ tiếp tục đảm trách việc mang “ngọn đuốc” tiên phong trong việc giải quyết các thách thức lớn hiện nay trên thế giới, từ việc củng cố các chiến dịch gìn giữ hòa bình, đạt được sự phát triển bền vững, bảo đảm nhân quyền đến việc xoa dịu nỗi đau của con người”.

“Ông ấy có uy tín lớn tại LHQ và với tư cách là Cao ủy LHQ về người tị nạn, ông ấy đã từng đi khắp thế giới và tận mắt chứng kiến rất nhiều cuộc xung đột mà chúng ta cần phải giải quyết. Ông ấy cũng là một chính trị gia lão luyện”, Đại sứ Nga tại LHQ và là Chủ tịch HĐBA trong tháng 10 chia sẻ.

Lá cờ xanh là “tôi sẽ được bảo vệ”

Ông Guterres sinh năm 1949 tại Lisbon. Ông tốt nghiệp chuyên ngành vật lý, kỹ thuật năm 1971 và sau đó theo con đường giảng dạy.

Ông chính thức bước chân vào chính trường từ năm 1976 trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của Bồ Đào Nha sau khi “cuộc cách mạng Hoa cẩm chướng” kết thúc 5 thập kỷ của chế độ độc tài ở quốc gia này. Guterres nhanh chóng vươn lên hàng ngũ lãnh đạo của đảng Xã hội năm 1992 và được bầu làm Thủ tướng Bồ Đào Nha năm 1995, ông đảm nhận cương vị này tới năm 2002. Ông được yêu mến nhờ sự thông minh, tài hùng biện và sự ôn hòa.

Trong thời gian đảm nhận vị trí Thủ tướng Bồ Đào Nha, ông cũng có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế như giải quyết khủng hoảng ở Đông Timor… Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng châu Âu năm 2000, ông đã lãnh đạo thông qua “Chương trình nghị sự Lisbon” và đồng chủ trì hội nghị thượng đỉnh Liên minh Âu-Phi đầu tiên. Ông cũng là thành viên Hội đồng nhà nước Bồ Đào Nha từ năm 1991-2002. Ông từ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha ở nửa nhiệm kỳ thứ 2 khi vai trò của đảng Xã hội bắt đầu suy yếu.

Ông trở thành người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) từ năm 2005 -2015. Dưới sự dẫn dắt của ông Guterres, số lượng nhân viên làm việc trong văn phòng chính của UNHCR tại Geneva bị cắt giảm. Nhiều người đã được huy động tới các điểm nóng để tăng cường năng lực phản ứng với khủng hoảng quốc tế.

Tuy nhiên, điều khiến người ta nhớ nhất về ông là nỗ lực không mệt mỏi trong quá trình đấu tranh để các nước giàu có phải làm nhiều hơn cho những người phải chạy trốn xung đột, thảm họa khắp thế giới. Ông từng viết trên tạp chí Time năm 2015: “Chúng ta không thể ngăn cản mọi người chạy trốn để giữ mạng sống. Họ sẽ tới. Lựa chọn chúng ta có là chúng ta quản lý dòng người đến này như thế nào và nhân đạo ra sao”.

Trong thời gian qua, LHQ đã bị nhiều người chỉ trích vì không giải quyết được các cuộc xung đột lớn như ở Syria và Yemen cũng như cuộc khủng hoảng di cư. Ước tính có 34.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa mỗi ngày và con số người tị nạn hiện nay lên tới 21,3 triệu người, trong đó một nửa là trẻ em. Ông Guterres đã từng nói ông sẽ coi việc ngăn chặn khủng hoảng tị nạn là một ưu tiên của LHQ.

Khi vạch kế hoạch hành động, ông nói: “Chúng ta cần tăng cường ngoại giao vì hòa bình. Cộng đồng quốc tế cần dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn nhiều để quản lý các cuộc khủng hoảng thay vì ngăn chặn chúng. Một tổng thư ký phải tiếp tục tìm cách giảm số lượng các cuộc xung đột và do đó giảm số lượng nạn nhân”.

Ông Guterres viết rằng LHQ có vị thế đặc biệt để kết nối và vượt qua những thách thức nhưng cần phải thay đổi và cải cách cơ quan này. Ông nói: “Những người cần được bảo vệ đang không được bảo vệ đầy đủ. Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ, trẻ em là một ưu tiên tuyệt đối. Chúng ta phải bảo đảm rằng khi ai đó nhìn thấy lá cờ xanh, người đó có thể nói ‘Tôi được bảo vệ’”. Đây cũng là kỳ vọng của hàng triệu người trên thế giới.

Lam An

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/tan-tong-thu-ky-lhq-mot-lua-chon-trieu-ky-vong/288418.vgp