Tận tình giúp dân vùng lũ

Lũ lớn liên tục đổ về các huyện đầu nguồn vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An khiến hàng trăm héc-ta lúa vụ hè thu bị ngập, nguy cơ mất trắng. Những ngày qua, hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã hành quân về vùng lũ, hỗ trợ người dân gặt lúa chạy lũ...

Hành quân về với dân

Từ sáng sớm, chúng tôi theo đoàn cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bộ binh huyện Tân Hưng hành quân về cánh đồng Bà Định, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng để giúp dân gặt lúa chạy lũ. Từ trung tâm xã, chúng tôi phải di chuyển bằng xuồng nhỏ men theo kênh Gáo Xanh hơn 2km mới đến khu vực lúa bị ngập. Xuồng cặp vào bờ kênh tầm hơn 6 giờ, phía trong là hàng chục héc-ta lúa đang ngập trong nước của gia đình anh Nguyễn Thanh Long, ở ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại. Những ngày qua, gia đình anh như “ngồi trên đống lửa”, khi 18ha lúa có nguy cơ mất trắng. Đến nơi, chỉ huy đơn vị nhanh chóng phân công lực lượng, chia thành các bộ phận gặt lúa và vận chuyển lúa lên các gò cao.

Được bộ đội về giúp, anh Long xúc động: “Do lũ về sớm và gặp mưa bão mấy ngày đầu tháng nên nước lên quá nhanh, gia đình tôi không kịp trở tay. Muốn thuê nhân công cũng chịu vì nhà ai cũng cùng cảnh ngộ. Ruộng bị ngập nên máy móc không thể vào được. May mắn nhờ có bộ đội huyện Vĩnh Hưng kịp thời đến gặt lúa nên phần lớn diện tích lúa đã kịp thu hoạch, thiệt hại không nhiều. Anh em bộ đội làm việc nhiệt tình, không đòi hỏi gì hết, giúp gia đình tôi và bà con ở đây như giúp người thân. Chúng tôi cảm ơn bộ đội nhiều lắm”.

Trên cánh đồng lúa bị ngập của xã Vĩnh Đại, nước đã chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi do lúa ngâm nước bị thối. Nhiều chỗ nước ngập sâu nên cán bộ, chiến sĩ phải mò gặt từng cụm lúa. Các bộ phận gặt lúa, vớt lúa chất lên xuồng, chuyển lúa về khu vực cao, tuốt lúa… phải làm việc hối hả, không nghỉ giải lao vì sợ con nước ngày càng lên nhanh. Ở vùng đất biên giới này khi mưa là mưa rất lớn mà lúc nắng cũng rất rát, vậy nên, mới hơn 9 giờ mà nước ở ruộng đã nóng ran. Nhiều chiến sĩ do ngâm mình trong nước quá lâu, đầu ngón tay và chân bị tái nhợt...

Gạt vội mồ hôi chảy ròng trên khuôn mặt, chiến sĩ Lê Văn Thuận, Trung đội 1, Đại đội Bộ binh huyện Tân Hưng chia sẻ: “Từ khi nhập ngũ đến nay, đây là lần đầu tiên tôi tham gia làm công tác dân vận với thời gian lâu nhất. Nước ngập nặng quá, anh em rất đồng cảm trước khó khăn của bà con, chỉ muốn làm cho nhanh giúp bà con thu hoạch hết lúa. Những lúc mưa hay nắng gắt, chúng tôi vẫn động viên nhau làm việc”.

Thượng úy Lê Đình Chinh, Phó đại đội trưởng Đại đội Bộ binh huyện Tân Hưng cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ xác định rõ tinh thần trách nhiệm nên trong quá trình giúp dân thu hoạch lúa luôn nghiêm túc, nâng cao tiến độ và bảo đảm an toàn. Bà con ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, lúa đến vụ không thu hoạch được thì cuộc sống sẽ rất khó khăn, nên dù “dãi nắng dầm mưa”, chúng tôi luôn cố gắng để giúp bà con. Qua mỗi đợt hành quân về với dân, chúng tôi không chỉ có thêm bài học về tình quân dân mà càng thắt chặt tình đồng chí đồng đội trong đơn vị”.

Trực tiếp động viên và cùng làm việc với bộ đội, Trung tá Phạm Hồng Vân, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tân Hưng thông tin với chúng tôi: “Từ cuối tháng 7-2017, đơn vị đã hành quân giúp người dân thuộc 6/12 xã của huyện thu hoạch lúa bị ngập nước. Do bộ đội chuẩn bị đi diễn tập nên phải luân phiên thay đổi lực lượng giúp dân để bảo đảm huấn luyện và SSCĐ. Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ đến địa phương, chúng tôi xác định tinh thần giúp dân đến khi nào hết diện tích lúa bị ngập úng”.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Dụng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đại, do nước lũ năm nay về sớm hơn và lượng mưa những ngày gần đây cũng nhiều làm cho mực nước dưới dâng cao đột biến, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống người dân. Dù khẩn trương thu hoạch nhanh gọn theo phương châm “lúa chín đến đâu, thu hoạch đến đó” nhưng một số diện tích ruộng lúa chưa có đê bao chắc chắn và không có hệ thống đê bao khép kín đã bị ngập. Đến nay, toàn xã đã thu hoạch hơn 2.700ha lúa, hiện còn hơn 300ha chưa thu hoạch, trong đó gần 60ha có khả năng bị mất trắng. Nếu nước lũ lên với mức 10-20cm/ngày đêm, toàn bộ diện tích này sẽ bị ngập hoàn toàn. Nguy cơ thiệt hại về sản xuất sẽ rất lớn.

Không chỉ ở huyện Tân Hưng, trên các cánh đồng lúa ở huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường... cũng bị nước lũ đe dọa. Hàng nghìn lượt bộ đội, dân quân, công an xã, đoàn viên, thanh niên đã dầm mình trong nước để gặt lúa giúp dân. Từ giữa tháng 7-2017 đến nay, đã có hơn 600 lượt bộ đội thường trực và gần 900 lượt dân quân của tỉnh đã giúp dân thu hoạch lúa, gia cố đê bao ngăn lũ với hơn 1.400 ngày công lao động.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bộ binh huyện Tân Hưng, Bộ CHQS tỉnh Long An gặt lúa giúp người dân chạy lũ.

Chủ động trong phòng, chống thiên tai

Đồng chí Nguyễn Chí Thiện, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, lũ khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh gồm địa bàn 6 huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường, mực nước lên nhanh và phức tạp. Long An đang tăng cường bảo vệ hơn 30.000ha lúa vụ hè thu bị lũ đe dọa. Các huyện khẩn trương gia cố đê bao nhằm chống ngập cho những diện tích lúa chưa thu hoạch, huy động máy bơm cùng với mọi vật dụng, phương tiện hiện có đắp đập ngăn lũ. Đặc biệt, phát huy “4 tại chỗ” giúp dân không để lúa hè thu mất trắng do lũ và bố trí nhân lực ứng trực 24/24 giờ ở các tuyến kênh xung yếu, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Chí Thiện, qua thống kê từ đầu mùa lũ đến nay, Long An có gần 50ha lúa hè thu bị mất trắng và hơn 1.200ha phải “chạy lũ”. Ngành nông nghiệp tỉnh đang đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 9 tỷ đồng và Trung ương 20 tỷ đồng để tăng cường gia cố các tuyến đê bao chống lũ, hỗ trợ nhiên liệu cho người dân bơm tiêu úng…

Mùa lũ năm nay đến sớm. Những địa phương đầu nguồn ở tỉnh Long An chịu áp lực rất lớn từ lũ thượng nguồn sông Mê Công. Bộ CHQS tỉnh Long An tiếp tục điều động lực lượng, phương tiện giúp dân thu hoạch lúa. Đại tá Trần Văn Trai, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Long An cho biết: “Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn điều động bộ đội thường trực và lực lượng dân quân giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ với tinh thần tích cực, khẩn trương, hiệu quả. LLVT Long An cũng chủ động hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị và lực lượng chức năng tổ chức lực lượng, phương tiện, phân công khu vực đảm nhiệm, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, xây dựng các phương án và biện pháp ứng phó, khắc phục khi xảy ra lũ lớn. Đối với những vùng ngập sâu, các đơn vị cũng đã chuẩn bị phương án sơ tán dân vào các cụm, tuyến dân cư vượt lũ”.

Bài và ảnh: HÙNG KHOA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tan-tinh-giup-dan-vung-lu-514987