Tận mắt giáp mặt những chú bò tót ở vườn quốc gia Mã Đà

Vài chục năm trước, trong những cánh rừng già ngút ngàn ở các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên, đàn bò tót lên đến hàng ngàn con. Khi đó, việc săn bò tót chưa bị cấm nghiêm ngặt nên người ta săn bắn rồi xẻ thịt bán công khai ngay bìa rừng như bán rau. Nhưng bây giờ...

Nhưng bây giờ, đàn bò tót ở Việt Nam chỉ còn khoảng 300 cá thể, sống co cụm, lẩn trốn trong những cánh rừng già “nhân tạo” ít ỏi. Để gặp được chúng, không hề dễ.

Để thấy được bóng dáng của những con bò tót, chúng tôi mất đến 2 ngày len lỏi trong những mảnh rừng lốm đốm da beo ven Vườn quốc gia Mã Đà, địa bàn huyện Đồng Phú, Bình Phước, trèo lên những mỏm đồi cao hơn mặt rừng để quan sát.

Bóng bò như "bóng chim"

Trong một lần về xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước công tác, tôi tình cờ nghe anh Trần Đức Lý, 44 tuổi, ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, kể vừa bị mấy con bò tót vào phá nát rẫy mì của gia đình, tôi tò mò đề nghị anh dẫn đi tìm chúng.

Khu vực rẫy trồng mì của gia đình anh Lý, nơi bò tót thỉnh thoảng viếng thăm

Nhưng anh lắc đầu: “Khó gặp được chúng lắm anh ơi. Ngày xưa bò tót nhiều, rừng hoang nhiều, người lại ít nên bò tót nghênh ngang đầy rừng. Còn bây giờ, lâu thiệt lâu mới thấy dấu vết của chúng. Tụi nó trốn biệt trong rừng sâu rồi. Muốn gặp chúng có khi phải đi vài ngày, nhìn từ trên cao, từ xa, may chăng mới thấy”. Nhưng, thấy tôi vẫn muốn đi, anh Lý đồng ý dẫn đường.

Từ ấp Thạch Màng, chúng tôi đi 6 cây số nữa trên đường nhựa là đến bìa rừng Mã Đà, một trong những cánh rừng hiếm hoi còn được bảo vệ khá tốt, anh Lý nói: “Rừng khu vực xã Tân Lợi, nơi tôi ở, ngày xưa là lãnh địa của bò tót hàng trăm con. Nhiều lúc vào rẫy thấy đàn cả mấy chục con, con nào con nấy đen trũi, to cao sừng sững, cặp sừng nhọn hoắt, cong đều gần như vòng tròn. Thấy người là nó nhìn gườm gườm, cúi sát xuống đất, mũi sì sì, sợ lắm. Mình thấy nó là phải tránh.

Còn bây giờ, đàn bò tót chắc chỉ còn vài chục con. Anh thấy đấy, bây giờ vào rừng đâu có đi lại khó khăn như ngày xưa nữa, vào rừng giống như đi chơi. Cho nên, không chỉ bò tót, các loại thú rừng khác cũng chẳng còn bao nhiêu, nếu có chúng cũng trốn biệt đâu hết rồi, thấy nó không dễ”.

Dấu chân bò tót in sâu trên nền đất khá cứng cho thấy con bò trưởng thành và nặng cả tấn

Quả như lời anh Lý nói, chúng tôi len lỏi trong những cánh rừng da beo ven Vườn quốc gia Mã Đà quá nửa ngày, đôi chân đã mỏi rã rời mà chưa thấy bóng dáng những con bò tót đâu nên đành ra về.

Trong khi tôi vừa mệt, vừa thất vọng vì chuyến đi thất bại, anh Lý chợt bảo: “Tôi không phải thợ săn nên không biết đàn bò tót thường sống, sinh hoạt ở khu nào, chỉ lâu lâu thấy chúng về phá rẫy thôi. Tôi có anh bạn ngày xưa là thợ săn thú rừng chuyên nghiệp, nhưng bỏ nghề lâu rồi, vì rừng ngày càng ít, thú cũng chẳng còn. Để tôi hỏi anh ta xem có biết không”.

Nói rồi anh móc điện thoại ra. Sau khi nói chuyện, anh Lý cho biết: “Tôi biết khu vực bò tót hay về rồi. Mai tôi đưa anh đi thêm lần nữa”.

Sáng hôm sau, khi những cánh rừng còn ướt đẫm nước từ trận mưa đêm, chúng tôi đã tiếp tục khởi hành. Lần này, anh Lý dẫn tôi đi xa gần gấp đôi điểm đến hôm trước. Chúng tôi hổn hển lần mò leo lên mỏm đồi cao để quan sát, phía dưới là những vạt rừng lúp xúp cây tạp xen những bãi trống. Bóng dáng những con bò tót vẫn biệt tăm.

“Khu vực này giáp ranh Vĩnh Cửu, Đồng Nai, chắc chắn có bò tót về, chỉ có điều không biết tụi nó có ra thường xuyên hay không thôi. Lúc nãy tôi có thấy dấu chân, nhưng cũ rồi”, anh Lý nói như để động viên tôi và cả chính anh.

Đến quá trưa, chúng tôi vẫn chẳng thấy tăm hơi đàn bò tót đâu.

Giáp mặt

Buổi chiều, khi trong tôi đang tràn ngập sự thất vọng khiến đôi chân nặng như đeo chì, thì bất chợt anh Lý reo lên khe khẽ: “Thấy rồi anh ơi”. Nói rồi anh chỉ tay xuống phía vạt cao su cách đó chừng 2 trăm mét. Tôi nhìn theo, vào mừng rỡ khi thấp thoáng mấy con bò tót đen trũi, đang nhẩn nha kiếm ăn.

Khi tôi định tiến đến gần đàn bò hơn thì anh Lý ngăn lại: “Anh lại là nó chạy mất đấy. Mấy con này thính lắm, chỉ cần nghe tiếng động hay ngửi thấy mùi người là nó bỏ đi liền”.

Hình ảnh hiếm, chụp vội về đàn bò tót trong vườn cao su

Mặc dù ở khoảng cách khá xa, nhưng tôi vẫn thấy những con bò tót có thân hình lực lưỡng, bụng thon, cặp sừng cong đều, nhọn hoắt. Trên lưng chúng là dải u to và đài từ cổ đến gần giữa lưng. Đặc biệt, 4 chân từ gối xuống trắng tinh. Dáng vẻ hùng dũng, đầy uy lực. Quả không hổ danh là một trong những loài thú đẹp nhất chốn rừng thẳm và hung dữ.

“Bò tót hung dữ không thua gì cọp đâu, hồi xưa dân thợ săn ở đây có người bỏ mạng vì đến gần nó. Tôi nghe kể, có anh thợ săn bị nó cắm cả 2 sừng nhọn hoắt vào ngực, chết ngay tại chỗ. Húc chết người ta rồi mà cho chưa buông tha, còn đội trên 2 sừng, lắc mạnh, làm thân thể nạn nhân nhàu như đống giẻ mới chịu bỏ đi.

Trong rừng, bò tót chỉ thua mỗi cọp, mà phải cọp to lớn trưởng thành mới dám tấn công bò tót. Từ ngày rừng vắng bóng cọp, bò tót trở thành chúa tể, nếu không bị con người săn bắt thì không còn con gì đe dọa nổi nó”, anh Lý nói.

Do đứng quá xa đàn bò, không thể chụp hình nên tôi lần mò tiến lại gần hơn. Khi còn cách chúng chừng 100 m, cũng là lúc có thêm mấy con bò khác từ vạt rừng lững thững đi ra, nhập đàn.

Tuy nhiên, khi tôi vừa giơ máy lên thì dường như đã bị chúng phát hiện. Chúng ngẩng đầu lên, mũi phồng lên. Ở khoảng cách này, tôi đã nghe được tiếng con bò to nhất sì sì. Qua ống kính máy ảnh, tôi cũng kịp nhìn thấy đôi mắt long sòng sọc của của nó khiến tôi lạnh lưng, chợt nghĩ đến việc bỏ chạy ra sao nếu bị chúng tấn công.

Cận cảnh con bò tót “khủng”

Nhưng, may mắn là sau vài giây ngơ ngác nhìn quanh, con bò to nhất quay đầu chạy vào rừng, ngay sau đó những con khác cũng theo nhau lao vào rừng, để lại những cây cao su rung bần bật do chúng va phải.

Quay trở về Hạt Kiểm lâm Đồng Phú, tôi gặp ông Nguyễn Văn Cao, cán bộ Hạt Kiểm lâm. Ông Cao tỏ vẻ ngạc nhiên khi biết tôi vừa giáp mặt bò tót. “Anh em tôi đi hoài, nhưng cũng lâu lâu mới gặp chúng, vì đàn bò bây giờ còn rất ít, thêm nữa là giờ chúng sợ người rồi chứ không phải như xưa. Nên thấy được chúng là may mắn rồi đấy”.

Ông Cao cho biết, cách đây 10 năm, bò tót ở rừng Mã Đà khu vực Đồng Phú còn khá nhiều, nhưng sau đó, hàng ngàn ha rừng bị chuyển đổi trồng cao su nên bò tót bị thu hẹp địa bàn sống nên vào ban đêm, chúng thường vào rẫy mì, cao su của người dân phá.

“Bò tót có tên khoa học là Bos gaurus, đồng bào dân tộc thiểu số thường gọi là con Min, tức trâu rừng, sống chủ yếu ở Ấn Độ và một số quốc gia thuộc Đông Nam Á, trong đó bò tót ở Việt Nam được đánh giá là loài to và đẹp nhất. Do những lời đồn vô căn cứ về công dụng nên một túi mật bò tót giá lên tới vài chục triệu đồng. Riêng cặp sừng nếu còn nguyên cả xương đầu cũng có giá tương đương túi mật. Chính vì vậy, bò tót là loài bị săn bắn trộm nhiều nhất ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng”, ông Nguyễn Văn Cao.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tan-mat-giap-mat-nhung-chu-bo-tot-o-vuon-quoc-gia-ma-da-post177363.html