Tản mạn một thời đã qua

Cố Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS. Đỗ Nguyên Phương ví von: nước ta có bốn loại thầy phổ biến: thầy thuốc, thầy cãi, thầy cúng và thầy bói; chỉ có 2 loại thầy được xã hội quan tâm là thầy cúng và thầy bói.

Sau khi chiến cuộc trên quê hương kết thúc, nền kinh tế thời hậu chiến nước ta trải qua thời kỳ khó khăn. Dù trong chiến đấu dân tộc ta anh dũng, nhưng trong xây dựng đất nước phải tuân thủ quy luật phát triển kinh tế thời chiến để lại… Cố Bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Nguyên Phương ví von: nước ta có bốn loại thầy phổ biến: thầy thuốc (bác sĩ), thầy cãi (luật sư), thầy cúng (pháp sư) và thầy bói (bốc sư); chỉ có hai loại thầy được xã hội quan tâm là thầy cúng và thầy bói, còn thầy thuốc và thầy cãi ít được chăm lo. Sau ngày 30/4/1975, vào dịp nghỉ hè, các thầy cô giáo trải qua khóa học chính trị một tháng.

LS Trần Công Ly Tao.

Lúc bấy giờ Nhà nước ban hành chủ trương: Thầy cô nào làm tu sĩ thì không dạy học, thầy cô đi dạy học thì không làm tu sĩ nữa! Ít năm sau, gặp lại vị tu sĩ nọ, tôi tò mò hỏi: cuộc sống của thầy hiện nay ra sao? Vị tu sĩ cho biết: tôi đã là người mất dạy, vô lương! Thấy tôi tỏ ý ngạc nhiên, vị tu sĩ giải thích: tôi (tu sĩ) vẫn đi tu nên không dạy học nữa, tức là đã mất dạy, không hưởng lương là vô lương! Vậy thầy sống bằng nghề gì? Vị tu sĩ cho biết: Làm nghề xỏ lá và nghề móc túi.

Tôi trố mắt nhìn, vị tu sĩ ôn tồn nói: tôi là người tu hành, không làm việc bất lương, mà sống lương thiện: Tôi chuyên thêu con giống trên túi áo, túi quần cho khách hàng; đan giỏ xách lá buông xuất khẩu! Tôi khâm phục tài pha trò, hài hước, dí dỏm của vị tu sĩ.

Lúc bấy giờ, tôi làm giáo viên dạy học cấp hai. Sắp tới tết cổ truyền mọi người lo sắm lễ vật cúng tổ tiên. Tình cờ gặp giáo viên đồng nghiệp, tôi chào xã giao rồi vội vàng chia tay vì đang bận công chuyện. Phần ai nấy đi thì đồng nghiệp của tôi nói với: Ngày tết giáo chức “dứt cháo” mừng xuân, thầy giáo “tháo giầy” bán căn tin.

Lúc rảnh rỗi, thầy cô giáo làm thêm: Vá xe đạp, mua bán nhu yếu phẩm, kiếm ít tiền phụ thêm vào đồng lương ít ỏi. Một số thầy cô giáo vùng sâu đi vào ven rừng chặt cây khô đem về làm củi, thầy cô “thồ cây” đun bếp.

Có lần về quê, gặp lại người quen là xã viên Hợp tác xã nông nghiệp, tôi hỏi thăm đời sống của họ, một xã viên liền đọc hai câu thơ: “Sáng ra rọi đuốc đi làm. Trưa về u cẳng, tối nằm ngổng khu”! Tôi thắc mắc: Ở nông thôn trời sáng rất sớm, sao lại phải rọi đuốc đi làm? Cuốc đất vụng về đến nổi va chạm vào người làm cho u cẳng? Buổi tối khi đi ngủ thì nằm ngay ngắn, cớ gì phải nằm chổng mông, ngổng khu?

Thấy tôi ngờ nghệch, xã viên vừa đọc hai câu thơ trào phúng vừa rồi phá lên cười, giải thích: Sáng trước khi đi làm không có gì để ăn nên ruột đói (rọi đuốc), bữa trưa thì ăn củ (u cẳng) thay cơm, tối đi làm về không có gì để ăn, nhịn đói khi đi ngủ đành ngủ không (ngổng khu)!

Kết thúc chuyến du hành chinh phục vũ trụ trở về, Đại tá Phạm Tuân đi thăm một số địa phương báo cáo thành quả chuyến đi. Tại quê hương tôi, một số lão thành cách mạng cật vấn: “Quê nhà ăn độn khoai mì; Đi lên vũ trụ làm gì chú Tuân”… (Đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ ngành nông nghiệp của ta trên vũ trụ hồi ấy là sự phát triển của bèo hoa dâu ở môi trường không có trọng lực).

Một số sĩ quan phục viên phụ giúp gia đình bằng cách làm dịch vụ, kinh doanh nhỏ lẻ:

Hoàn thành quân vụ trở về,

Sĩ quan hưu trí lắm nghề đáng mê.

Cuối đường thiếu tá vá xe,

Giữa đường trung tá bán chè đậu đen.

Một số câu vè được lưu truyền nơi quán xá “trà dư, tửu hậu” phàn nàn đời sống thiếu thốn, thang giá trị xã hội bị đảo lộn:

Nhân phẩm ngày nay hạ giá rồi,

Chỉ còn thực phẩm giá lên thôi…

Khi đường lối về giá, lương, tiền đẩy nền kinh tế nước ta suy thoái, các tầng lớp nhân dân hết sức khó khăn:

Giá, lương, tiền

làm phiền cán bộ,

làm khổ dân nghèo,

làm teo chính sách

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cán bộ, Nhà nước ban hành quy chế: cán bộ phải có bằng cấp phù hợp với chức vụ, không cho “mắc nợ” bằng cấp. Để hợp pháp hóa chức vụ, giám đốc sở đi thi bằng trung học phổ thông. Thí sinh cán bộ đang cắn bút suy nghĩ thì được một thuộc cấp gửi bản nháp bài thi vào cho thí sinh cán bộ chép vào giấy thi. Cuối bài nháp ghi: tờ sau sẽ gửi vô sau (dặn thí sinh cán bộ đợi gửi phần tiếp theo bài làm viết vào giấy thi rồi mới nộp bài thi cho giám thị).

Cái giá đắt xảy ra trong quá khứ do nóng vội, chủ quan muốn đưa nước nhà tiến nhanh lên con đường xã hội chủ nghĩa. Nhưng thời thế thay đổi nhanh chóng đòi hỏi chúng ta phải thích nghi, bánh xe lịch sử đòi hỏi chúng ta thay đổi nhận thức: đổi mới nền kinh tế, mở cửa hội nhập với các nước khu vực và thế giới. Từ bỏ đường lối kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp; phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa!

Hoài niệm một thời ấu trĩ đã qua, sau cơn mưa trời lại sáng! Lịch sử không cho phép tái diễn “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Trên bước trưởng thành khó tránh va vấp nhưng phải toàn tâm, toàn ý vượt qua thử thách. Khi xảy ra việc quốc gia đại sự thì phải trưng cầu ý dân bởi: “Vì dân vi quý”!

LS TRẦN CÔNG LY TAO/KD&PL

(Nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM)

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/tan-man-mot-thoi-da-qua-p42247.html