Tản mạn: Chuột đồng, chuột phố

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng con chuột cống chính là chuột đồng ở phố. Hà Nội trước thời Pháp thuộc còn là một thành phố xen lẫn ruộng đồng cày cấy. Đô thị lạc hậu với những cống rãnh lộ thiên gần như chảy tự do không có quy hoạch nào cả. Đương nhiên cống rãnh kiểu ấy không phải là nơi cư trú sinh sôi của chuột.

Mãi đến năm 1897 toàn quyền Đông Dương Paul Doumer sang Hà Nội làm việc mới đề xuất xây dựng hệ thống cống ngầm cho thành phố để tạo ra bộ mặt phố phường văn minh lịch sự hơn cho xứ thuộc địa. Ông đã cho xây dựng khoảng 9 dặm đường ống cống ngầm dưới lòng đất Hà Nội. Chẳng biết đơn vị chiều dài 1 dặm ấy bây giờ quy đổi ra thành bao nhiêu. Đơn vị đo chiều dài lúc ấy có cả một thống kê phức tạp rất khó nhớ. Đại khái 1 thước ta thời Nguyễn lúc đo đất thì là 0,47m, khi làm nhà gỗ thì là 0,28m - 0,5m, khi đo vải lại là 0,65m... Đã thế thước đo miền Bắc cũng không giống miền Nam và không giống với cả những nước láng giềng. Paul Doumer đã có sắc lệnh vào ngày 2.6.1897 quy định một thước miền Bắc là 0,4m. Dĩ nhiên ông chẳng rỗi hơi để quy đổi dặm của người Pháp ra thước của miền Bắc Việt Nam làm gì.

9 dặm đường cống ngầm trở thành thiên đường sinh sôi của lũ chuột đồng. Chúng lớn mạnh về số lượng và thành tên gọi riêng “Chuột cống”. Không chỉ phát triển quá mức về số lượng, chuột cống còn gây ra dịch hạch vào năm 1906 làm cho 263 người Hà Nội chết. Nhà sử học Michael Vann khi nghiên cứu về bệnh dịch hạch hồi đầu thế kỷ trước đã tìm thấy trong kho tư liệu của Pháp những con số thống kê kinh hoàng. Ngày 21.6.1907 người ta bắt được đến 20.112 con chuột cống. Nhưng đó không phải là con số thực. Người Việt khi biết giá của một chiếc đuôi chuột được người Pháp trả công 1 cent đã tìm cách nuôi thành công đàn chuột thương phẩm của mình như một dự án kinh tế.

Chuột ở thành phố không gây ra nhiều tác hại ngoài việc chúng có thể truyền bệnh dịch hạch. Khoanh vùng dập dịch hạch giờ cũng không còn là việc khó khăn như đầu thế kỷ trước. Thế nhưng từ trong tiềm thức, con người ở cả nông thôn lẫn thành thị vẫn dành cho lũ chuột niềm căm ghét khôn nguôi từ nghìn đời. Người ta ngày càng chế ra rất nhiều công cụ, thuốc men nhằm tiêu diệt nó.

Những năm mới tiếp quản Hà Nội lũ chuột cống được mặc sức tung hoành trên phố. Địa điểm kiếm ăn của chúng trải rộng trong hầu khắp các hộ gia đình có vại nước gạo công cộng. Hơn thế, những khu chợ Đồng Xuân, Hàng Da, Hàng Bè, Chợ Hôm, Chợ Mơ, Chợ Bưởi... còn là nơi thừa thãi thức ăn và cống rãnh trú ngụ sinh sôi. Vài làng quanh Hà Nội trên Thạch Thất, Đan Phượng hoặc bên Đình Bảng - Bắc Ninh có nghề săn bắt chuột trong phố cũng phát triển theo. Tất nhiên chuột làm lông sạch sẽ bán ở chợ làng bao giờ cũng gắn mác “chuột đồng”. Về mặt khoa học thì không có gì sai. Vẫn là chuột đồng ngày xưa vào phố sinh sống mà thôi. Thực phẩm nuôi sống chúng vẫn là cơm gạo, thức ăn thừa. Chỉ có hành vi cắn quần áo chăn màn giày dép sách vở ở phố đã thay cho tha rơm rạ lá lẩu về làm tổ. Lần đầu tiên người nông thôn nhận về mình một sản phẩm xấu xí dưới con mắt người thành phố là thế.

Những năm chiến tranh phá hoại ác liệt, người Hà Nội đi sơ tán gần hết. Hóa ra đây lại chính là thời kỳ lũ chuột cận kề với sự diệt vong. Thức ăn không còn nhiều như trước nữa. Phần vì ít người còn ở lại thành phố. Phần vì ngay chính con người trong những tháng năm ấy cũng đang trong hoàn cảnh thiếu lương thực, thực phẩm nghiêm trọng. Người ta chi chút tiết kiệm từ hạt gạo trở đi. Lũ chuột đến bên bờ diệt vong còn bởi lẽ nhiều gia đình đi sơ tán để lại những con mèo không ai chăm sóc. Mèo hoang phải tự kiếm ăn. Và chuột là thức ăn hàng đầu. Nhiều người khi đi sơ tán về thấy trong nhà có hẳn một đàn mèo lớn nhỏ nhiều lứa tuổi béo tốt nhanh nhẹn định cư trong ấy. Vài con sau này ở lại với chủ. Những con khác sinh ra với bản tính hoang dã lại tiếp tục bỏ đi hoang. Chúng lần lượt sa bẫy những tay săn trộm mèo và đi thẳng vào lò nấu cao hay vài quán nhậu “tiểu hổ” ở mạn Giáp Bát.

Giờ thì nạn chuột cống hoành hành ở phố cũng không còn đáng ngại nữa. Kỹ nghệ săn bắt chuột của vài làng ven Hà Nội đã được đẩy lên khá cao. Buổi sáng sớm đi tập thể dục vẫn có thể bắt gặp vài anh chàng đèn pin đội đầu với chiếc sào dài và cây vợt lớn. Anh ấy đèo theo sau xe máy một lồng sắt bao giờ cũng đầy tú hụ những con chuột cống vào loại to hết cỡ. Những con nhỏ hơn chưa cần bắt vội. Cứ để dân phố vỗ béo thêm ít ngày nữa.

Còn rất ít người Hà Nội bây giờ nuôi loại mèo mướp hoặc mèo ta sát thủ bắt chuột. Mèo tây ăn thức ăn hột bán sẵn ở siêu thị. Ăn xong đi vệ sinh vào hộp cát thơm cũng bán sẵn ở đấy. Nghe được tiếng mèo Tây kêu meo meo còn khó hơn nghe chim cảnh trong lồng hót. Chính vì thế bẫy chuột, keo dính và thuốc diệt chuột vẫn đắt hàng.

Nhưng kể cả những tay thợ bắt chuột lành nghề lẫn thuốc men dụng cụ cũng không thể chạm đến những “con chuột” đục khoét tiền bạc của dân. Loại chuột này rất sẵn bất kể ở nông thôn hay thành phố. Chưa kịp đặt bẫy thì nó đã mua vé máy bay đi nước ngoài chữa bệnh mất rồi. (7.2017)

Đỗ Phấn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tan-man-chuot-dong-chuot-pho-685477.bld