Tan hoang Quan Lạn: Ai là thủ phạm?

Với những bãi cát vàng trải dài, mịn màng, nước biển trong xanh, những rừng phi lao, rừng trâm xanh ngắt…, xã đảo Quan Lạn, thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh từ lâu được coi là “thiên đường du lịch”. Tuy nhiên, do “phá nhiều hơn làm”, nên Quan Lạn ngày càng trở nên xấu xí, từ môi trường tới cảnh quan; chưa kể những hiểm họa mà người dân hòn đảo này có thể phải gánh chịu trong tương lai. Điều xót xa là, những dự án lớn, với hi vọng trở thành những “quả đấm thép” giúp du lịch Quan Lạn cất cánh thì lại chính là những nhân tố phá hoại.

Tan hoang dọc bờ biển thôn Song Hào, xã Quan Lạn. Cty CP Viglacera Vân Hải đã khai thác hàng triệu tấn cát trắng nhưng không chịu hoàn nguyên và tiếp tục phá rừng Trâm để moi cát

Đào bới và chặt phá

Quan Lạn gần đây “nóng” bởi Cty CP Viglacera Vân Hải, sau khi khai thác cơ bản trữ lượng cát trắng tại khu mỏ rộng 67ha ở Giộc, thôn Sơn Hào thì nay lại nhăm nhe sang phần 75ha có rừng Trâm, vốn được giao cho cty này để phát triển du lịch sinh thái.

Thực ra, với người dân Quan Lạn, chuyện phá rừng, khai thác cát của Viglacera Vân Hải “nóng” từ rất lâu, chỉ có điều, những kiến nghị của họ gửi lên chính quyền các cấp cứ bặt vô âm tín.

Ngay ở khu vực được phép khai thác, câu chuyện hoàn nguyên là một vấn đề vô cùng bức xúc. Hàng triệu tấn cát trắng được khai thác, nhưng Viglacera Vân Hải không hoàn nguyên, để lại một khai trường mênh mông và thấp hơn mực nước biển cách đó không xa. Người dân lo sợ, phần đất và rừng còn lại, về lâu dài, sẽ không thể chống chọi được với thiên tai, nhất là nước biển sẽ tràn vào phía trong. Chưa kể, việc phá rừng, moi cát đã hủy đi bức thành lũy kiên cố bảo vệ dân, bảo vệ đảo trước bão gió từ biển tấn công vào.
Việc hoàn nguyên chưa được giải quyết, thì Viglacera Vân Hải lại tiếp tục phá rừng, khai thác cát trái phép tại khu vực 75ha được giao để phát triển du lịch sinh thái.

Ông Mai Xuân Thăng – Phó giám đốc Viglacera Vân Hải – thừa nhận cty đã khai thác vài ha trong khu vực cấm; tuy nhiên, người dân cho rằng diện tích lớn hơn nhiều.

Ở một góc khác trên đảo, rừng phi lao phòng hộ tuyệt đẹp rộng hơn 100ha cũng đã bị Cty TNHH MTV VIT Hạ Long (VIT Hạ Long) cơ bản phá xong. Đây là “thành quả” sau hơn 10 năm cty này thực hiện dự án du lịch sinh thái tại đây, cùng với một số công trình bỏ hoang, do khách thưa thớt bởi cách “làm du lịch sinh thái nhưng lại đốn hạ hết rừng”.

Điều phi lý là, không chỉ phá sạch phi lao trên diện tích 8,7ha được cấp phép, cty này còn tiện tay phá luôn hàng chục ha rừng bên cạnh.

Những khiếu nại, kiến nghị của người dân tới chính quyền các cấp chỉ được xem xét, giải quyết khi rừng phi lao cơ bản đã bị xóa sổ.

Nhìn lại hoạt động phát triển du lịch của hai “ông lớn” này đến nay, người dân chua xót tổng kết bằng hai chữ: Phá hoại.

Dân xin bờ biển cho cộng đồng

Tổng chiều dài các bãi tắm biển của Quan Lạn dài khoảng 9,7km, nhưng, đến nay, người dân trên đảo cơ bản chưa được tiếp cận với “mỏ vàng” này. Riêng bãi biển tuyệt đẹp nằm ở khu Giộc, dài trên 3km, bên cạnh mỏ cát của Viglacera Vân Hải thì gần như không được bén mảng đến, dù bãi tắm này không giao cho Viglacera Vân Hải.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh – chi hội Du lịch Vân Đồn – toàn bộ ranh giới mỏ cát và diện tích cho dự án phát triển du lịch sinh thái của Viglacera Vân Hải ôm trọn bãi biển, trong khi chỉ có lối duy nhất ra bãi tắm là của cổng cty.

“Trước đây còn có lối ra bãi biển, nhưng sau đó cty này rào lại. Hiện, muốn ra tắm ở đây thì phải đi qua cổng của Viglacera Vân Hải, với giá 20.000 đồng/người/lượt. Như thế, khác gì bãi biển trên thuộc quyền quản lý của Viglacera Vân Hải. Chúng tôi có ý kiến nhiều rồi, nhưng không ai quan tâm” – ông Hải bức xúc.
Theo người dân trên đảo, hiện khoảng 4,7km đất bờ biển đã được giao cho các “ông lớn”, vì thế dù không giao bãi biển cho DN thì cũng coi như bờ biển không còn là của dân.

“Chúng tôi đề nghị số còn lại nên giao cho người dân, để họ làm dịch vụ du lịch. Chúng tôi sinh ra và lớn lên trên đảo mà lại không được hưởng gì từ những bãi biển của chính mình. Bãi tắm ở khu Giộc thì Viglacera Vân Hải không cho vào. Bãi tắm ở khu của VIT Hạ Long vào được nhưng không có đất, chỉ dựng lều tạm nên chỉ một trận gió mạnh là bị thổi tung. Một số hộ cứ dựng tạm lán trên đất bỏ hoang của VIT Hạ Long là bị chính quyền đập bỏ. Người dân mong muốn được cấp đất để đầu tư bài bản, phát triển lâu dài” – ông Đông – một chủ khách sạn tại Quan Lạn – cho biết.

Tại Hội nghị đối thoại giữa DN với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ngày 22.8.2016, đại diện các hộ dân Quan Lạn xin lãnh đạo tỉnh QN giữ một phần bờ biển cho cộng đồng. Bởi, dân Quan Lạn chỉ dựa vào hai nghề chính: đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và làm du lịch.

* Video clip "Tan hoang rừng ven biển do khai thác cát nhưng không hoàn nguyên"

Tan hoang dọc bờ biển thôn Song Hào, xã Quan Lạn. Cty CP Viglacera Vân Hải đã khai thác hàng triệu tấn cát trắng nhưng không chịu hoàn nguyên và tiếp tục phá rừng Trâm để moi cát

Cty CP Viglacera Vân Hải được giao 75ha rừng Trâm và cây bản địa để phát triển du lịch sinh thái, nhưng cty khai thác cát trái phép trong khu vực này

Một gốc phi lao còn sót lại trong rừng phi lao bên bờ biển rộng hàng chục ha đã bị Cty VIT Hạ Long đốn hạ

Bãi biển dài, tuyệt đẹp dù không giao cho ai nhưng cũng không còn là bãi biển công cộng nữa vì đất trên bờ giao cho các cty chặn hết lối ra biển

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/tan-hoang-quan-lan-ai-la-thu-pham-586960.bld