Tan hoang làng biển Cảnh Dương

Làng biển trăm tuổi Cảnh Dương đã tổn thất rất nặng nề sau sự cố Formosa và trận lũ vừa qua.

Vừa qua, chỉ trong một đêm, tại làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) lũ đã cuốn trôi hàng chục tàu thuyền đang neo đậu ven bờ. Nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Hàng chục tàu bị sóng đánh trôi

Chiều 16-10, “đội đặc nhiệm” của làng biển Cảnh Dương đã huy động nhiều tàu thuyền, thiết bị ra cửa biển lặn tìm, trục vớt những chiếc tàu bị nước lũ cuốn trôi. Ngay đoạn luồng thông ra cửa biển, lổn nhổn những xác tàu bị sóng đánh chổng ngược, lật úp.

Anh Võ Trọng Tấn, chủ tàu QB 9321, kể: Đêm 15-10, hơn 400 tàu trong xã dồn về neo đậu san sát nhau tại khu vực cảng. Đến khoảng 2 giờ sáng 16-10, nước lũ đổ về, sóng đánh dữ dội khiến hàng chục tàu thuyền lớn nhỏ đứt neo, trôi dạt ra phía biển. Nhiều tàu bị nhấn chìm ngay cửa bể. May mắn không có thiệt hại về người.

Chị Phạm Thị Nga, chủ tàu QB 3505, cho biết tàu của chị bị nước cuốn trôi về phía bãi biển xã Quảng Xuân, Quảng Trạch nhưng rất may không bị chìm. “Tàu bị sóng đánh làm sạt phần sàn, hư hỏng phần mũi, phải kéo vào đà sửa. Chi phí sửa cũng tốn cỡ vài chục triệu đồng” - chị Nga cho hay.

Phía trên bờ, người làng Cảnh Dương đổ ra phía cửa biển để ngóng chờ đội cứu nạn. Khuôn mặt gầy guộc, hốc hác của những người mẹ, người vợ làng biển hằn in nỗi lo lắng về cuộc sống trong những tháng ngày sắp tới. Đau đớn nhìn con tàu QB 33876 TS chìm nghỉm trong dòng nước xiết, chị Đậu Thị Hoa chia sẻ: Bao năm đi biển dành dụm được ít tiền, cuối năm 2014 gia đình chị mới dám đánh liều vay thêm tiền ngân hàng để mua lại con tàu với giá 500 triệu đồng. Vừa đi được vài chuyến, chưa kịp hoàn vốn thì xảy ra sự cố Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển.

“Sau ngày Formosa xả thải, chúng tôi phải neo thuyền ở cảng vì đi đánh bắt về không ai mua. Cứ neo bờ suốt thì máy móc sẽ hư hỏng nên mỗi tháng cũng gắng đi đánh bắt 2-3 chuyến để bảo dưỡng máy. Đánh hải sản về phải bán chui bán lủi vì không ai dám mua” - chị Hoa buồn bã.

Người dân ngóng đợi “đội đặc nhiệm” trục vớt tàu bị chìm ở cửa biển. Ảnh: TT

Nhiều tàu thuyền bị nước lớn đánh lật úp, nhấn chìm. Ảnh: TT

Càng ra khơi, càng gánh nợ

Đi một vòng quanh làng, chúng tôi nhận thấy làng biển Cảnh Dương đã tổn thất rất nặng nề sau sự cố Formosa và trận lũ vừa qua. “Trước đây sống bằng nghề biển cũng có ăn, có mặc, giờ nhà nào có tàu cũng đổ nợ. Người ít thì nợ ngân hàng vài trăm triệu, còn nhiều thì nợ đến cả tỉ bạc” - chị Hoa nói.

Nghề đi biển điêu đứng cũng kéo các nghề khác như thợ mộc, đóng tàu, sửa chữa... ế ẩm theo. “Ngày trước, mỗi ngư dân đi một chuyến biển gần bờ (2-3 ngày) cũng kiếm được 4-5 triệu đồng. Thợ đóng tàu, sửa tàu cũng kiếm được ít nhiều. Còn giờ nổ máy ra khơi là về đổ nợ vì phải gánh chi phí xăng dầu, bạn thuyền, ngư lưới cụ. Cá hanh, cá sò, cá đuối... đánh về nhưng không ai ăn, phải bán với giá bèo bọt cho người ta làm thức ăn gia súc” - anh Tấn cho biết.

Tàu của anh Tấn chuyên đánh bắt ở các vùng biển gần bờ (khoảng 20 hải lý) nhưng giờ vùng biển này không còn đánh bắt được nữa nên tàu đang nằm bờ. Anh Tấn cùng nhiều chủ tàu đánh bắt gần bờ dự tính chuyển đổi sang đánh bắt xa bờ, từ 70 hải lý trở ra. “Mình ra đó làm cũng chỉ thời vụ chứ không ăn thua. Ngoài đó tàu cá Trung Quốc đánh bắt, cạnh tranh dữ lắm. Mình tàu nhỏ chỉ đánh được vài ngày là phải về, di chuyển cũng mất an toàn” - một ngư dân chia sẻ.

Làng biển Cảnh Dương vốn có truyền thống hàng trăm năm trong hành trình chinh phục biển cả. Ngư trường của họ là vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa. Giờ đây cuộc sống của làng biển đang trở nên bấp bênh, khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều người phải nghĩ đến chuyển đổi nghề nghiệp nhưng “sống với nghề biển bao đời nay quen rồi. Giờ cho làm nghề khác không biết có làm được không” - anh Tấn lo lắng.

Tình người giữa rốn lũ

Đến tối 17-10, hai xã Phương Mỹ và Phương Điền (huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn ngập chìm trong nước. Để vào đến trung tâm xã Phương Điền, chúng tôi phải thuê thuyền của người dân với giá 400.000 đồng/chuyến. Dù mưa đã ngớt nhưng trụ sở xã, trường học, Trạm Y tế xã Phương Điền và hàng trăm nhà dân vẫn ngập tới nóc.

Ba ngày nay, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 6, xã Phương Điền đang mở lòng đón xóm giềng đến tá túc trên chiếc chạn sát mái ngôi nhà gỗ cấp bốn. Ngay trong đêm 14-10, mưa như trút nước, lũ đổ về nhanh, nhiều hộ dân có nhà thấp đã vội vàng chèo thuyền đến xin gia đình chị Hoa tá túc. “Nhà tôi cao hơn nhà xóm giềng và có chạn, mọi người đến lánh nạn thì đùm bọc nhau, có gì cùng ăn nấy. Chúng tôi đang cầu mong nước lũ rút nhanh, nếu không đói mất” - chị Hoa nói.

Trong đêm lũ dữ, nhờ người dân thôn Ấp Tiến, xã Phương Mỹ cứu giúp kịp thời mà gia đình bốn người của anh Nguyễn Văn Hà thoát nạn. Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Văn Phú cùng năm người con tưởng đã nguy cấp cũng được người dân xóm Tân Hải kịp thời dang tay cứu sống, đưa về quây quần trên nóc một ngôi nhà.

Trong sáng qua, con đường ở xã Hương Giang, huyện Hương Khê vẫn chìm trong nước lũ đục ngầu. Thế nhưng nhiều người vẫn chèo thuyền đến đưa cô dâu Cao Thị Hồng Lam (xóm 9) về nhà chú rể Ngô Tuấn Dũng (trú xóm 11, cùng xã Hương Giang). Đám cưới trong lũ khiến nhiều người miền núi vừa thấy lạ vừa thấy thương...

ĐẮC LAM

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/tan-hoang-lang-bien-canh-duong-658964.html