Tận dụng hoa cúc để chữa bệnh

Theo y học cổ truyền, hoa cúc vị đắng - cay, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt sưng đau, đau đầu chóng mặt, chữa cảm lạnh, cúm, viêm mũi, hoa mắt, huyết áp cao, viêm gan...

Hoa cúc được cho là biểu tượng của mùa thu. Lời hát “mùa thu vào hoa cúc, chỉ còn anh và em, cùng tình yêu ở lại” nghe rất lãng mạn, nhưng hoa cúc không chỉ có giá trị về mặt tinh thần. Sau khi ngắm mãn nhãn, hãy tận dụng hoa cúc để làm thuốc!

Về mặt làm thuốc, hoa cúc được thu hái từ tháng 10 đến hết năm, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Dược liệu có vị ngọt, hơi đắng màu vàng nâu, mùi thơm, tính mát, lợi về kinh phế, can, thận.

Theo y học cổ truyền, hoa cúc vị đắng - cay, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chữa mụn nhọt sưng đau, đau đầu chóng mặt, chữa cảm lạnh, cúm, viêm mũi, hoa mắt, huyết áp cao, viêm gan... Người Việt có truyền thống ướp trà hoa cúc để sử dụng lâu dài.

Nghiên cứu mới đây tại Mỹ phát hiện hóa chất tự nhiên apigenin có trong trà hoa cúc có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư lan rộng và khiến chúng nhạy cảm hơn với thuốc trị ung thư.

Trà hoa cúc cũng đặc biệt hữu ích với những người làm việc văn phòng, ngồi máy tính nhiều, ít di chuyển, ăn uống không đủ chất. Chính các điều kiện này dẫn đến âm dương khí huyết không đầy đủ, thần kinh căng thẳng, nhiệt xuất hiện trong các tạng phủ gây ra các chứng viêm do nhiệt như viêm loét lưỡi, miệng, sưng nướu, mắt đỏ, huyết áp tăng, chảy máu cam. Khi đó, trà hoa cúc sẽ giúp giải nhiệt tốt, cho cơ thể khỏe mạnh trở lại, tinh thần cũng sảng khoái và tỉnh táo hơn.

Hoa cúc được phổ biến trong dân gian với nhiều bài thuốc hiệu nghiệm. Khi bị cảm nạo phong nhiệt, lấy 20g kim cúc, 15g củ sắn dây, 10g lá dâu tằm, 8g rễ cây lau, bạ chà, cam thảo mỗi vị 5g sắc uống (ngày một thang chia 3 lần). Đặc biệt, đối với cửa sổ tâm hồn, hoa cúc rất đắc dụng.

Chữa mắt đỏ sưng đau, gan nóng: Cúc hoa vàng 10g, thanh tương tử 10g, thảo quyết minh 10g, sung úy tử 10g, sinh địa 10g. Sắc uống.

Chữa đau mắt lâu ngày, chảy nước mắt: Cúc hoa vàng 10g, quả tật lê 10g, hạt thảo quyết minh (sao vàng) 10g. Tất cả giã nhỏ, sắc uống trong ngày.

Chữa thị lực kém, viêm thoái hóa hoàng điểm: Cúc hoa vàng 12g, thục địa 20g, hạt thảo quyết minh 20g, thương truật 12g, chi tử 12g, hoàng cầm 12g, kỷ tử 12g, đại táo 12g, long nhãn 12g, viễn chí 12g, thuyền thoái 8g. Tất cả thái nhỏ phơi khô, sắc uống trong ngày. Thời gian điều trị 1 - 2 tháng.

Chữa hoa mắt chóng mặt, khô mắt: Cúc hoa vàng 12g, kỷ tử 20g, đan bì 12g, phục linh 12g, sơn thù 16g, trạch tả 12g, hoài sơn 16g, thục địa 32g. Các vị thuốc đem phơi hoặc sấy khô, tán bột mịn, luyện với mật ong hoàn viên mỗi viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 12-18 viên chiêu với nước hoặc sắc uống.

Ngoài ra, có thể dùng hoa cúc để nấu canh. Hầm xương heo, cho hoa cúc tươi, nấm hương vào nấu, nêm muối và hạt nêm . Ăn không hoặc dùng chung với cơm, ăn cả hoa cúc. Món canh này rất tốt cho ngũ tạng, tránh tắc mạch máu và trị bệnh chóng mặt­.

Cũng có thể làm bánh từ hoa cúc. Cánh hoa cúc phơi khô, băm nhuyễn hoặc để nguyên cánh trộn với sữa tươi, bột mì, bột đậu xanh thành hỗn hợp bột hơi nhão. Nặn thành hình tròn hoặc vuông, cán mỏng nếu bạn muốn chiên hoặc để nguyên khối nếu bạn hấp. Món bánh hoa cúc có tác dụng trị nóng trong người, làm mát da.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tan-dung-hoa-cuc-de-chua-benh-post177419.html