Tấm tôn định mệnh và mảnh đời người lính Vị Xuyên

Trong vòng ba ngày, hai người thiệt mạng vì tấm tôn chở trên đường. Gia đình người thiệt mạng đau mười, người - dù vô tình, không chủ ý - cũng day dứt một nỗi đau… ân hận.

Cháu bé 10 tuổi ở phố Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cùng nhóm bạn đi xe đạp trên phố, vừa đi vừa đùa, không để ý đến chiếc xe xích lô chở mấy tấm tôn dừng ở ven đường, đã lao vào tấm tôn và thiệt mạng.

Đau đớn, căm phẫn với những tiếng kêu tuyệt vọng về một cái chết mất ngay giữa Thủ đô vì một miếng tôn. Truyền thông và mạng xã hội đùng đùng nổi giận, “quyết tử” với người lao động nghèo, vì mưu sinh mà quên đi những tấm tôn, thanh sắt… chở vô tư trên đường có thể trở thành vũ khí cướp đi tính mạng người khác.

Không ít lời đòi hỏi trách nhiệm của cảnh sát giao thông, sao lại làm ngơ cho những phương tiện chở hàng nguy hiểm thế được phép giao thông. Tiếng kêu lên tới Chủ tịch Chung, khi chỉ có ba ngày, hai người thiệt mạng vì tấm tôn.

Đọc dòng chia sẻ của bác sĩ trực tiếp cấp cứu cháu bé mà lòng quặn thắt, nước mắt cứ trào theo từng con chữ "Cháu bé vào viện vì một vết thương cứa đứt ngang cổ, máu tuôn như suối. Bác sĩ huy động toàn bộ kíp trực cấp cứu cầm máu cho cháu bé… nhưng y học là hữu hạn, cuối cùng các bác sĩ cũng bất lực..."

Chiếc xích lô chở tôn trên đường khiến cháu bé 10 tuổi bị cứa đứt cổ. Ảnh Việt Linh/Dân Việt

Nửa đêm không sao chợp mắt được, những dòng chia sẻ của bác sĩ cứ nhói trong tim. Hình ảnh người mẹ trẻ ngất lịm khi nhìn theo băng ca phủ vải trắng toát cứ dần xa cuối hành lang.

Một nỗi đau khác lại nhói lên trong tim với những dòng chia sẻ của một cựu chiến binh từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang những năm chiến tranh biên giới ác liệt. Mới hay, chủ nhân chiếc xe xích lô chở tấm tôm làm cháu bé thiệt mạng là một cựu chiến binh sư đoàn 356.

Mảnh đời nghèo cùa người lính Vị Xuyên năm nào hiện lên từng con chữ của đồng đội. Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thắng tự sự về thẳng em đồng đội năm xưa "Thời gian nằm phòng ngự trên đó nó luôn nằm trong hầm cóc, nên lưng nó còng gập xuống (đồng đội vẫn gọi là Bình còng-PV).

Sức ép đạn pháo đã khiến nó không như người bình thường. Kiếm sống bằng nghề bốc vác ở chợ Tân Mai và dùng xích lô chở hàng quanh quẩn. Anh em trong hội có bàn nhau góp tiền mua cho nó cái xe máy để đi xe ôm, nhưng nó từ chối vì không biết đi xe máy, sợ gây tai nạn…

Chúng ta thương cháu bé đã chết oan uổng (cầu mong linh hồn cháu được siêu thoát)… Chúng ta lên án các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Nhưng cũng mong mọi người nhìn nhận khách quan…

Nếu nói về mưu sinh thì rất đúng… nó sẽ không làm được gì khác ngoài ai thuê gì ở chợ thì làm. Giờ đây, một gia đình mất con, một gia đình có người phải vào tù… cũng là một bài học cho tất cả mọi người.

Pháp luật là trên hết, chúng ta không đổ cho nghèo hay vì mưu sinh mà coi thường tính mạng người khác… Với những người như nó… nếu chính quyền quan tâm mà bố trí công việc cho nó, ngăn cấm việc sử dụng phương tiện thô sơ chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông… Dù sao nó cũng là đối tượng chính sách… Cầu mong cho nó cố gắng vượt qua, và dù sao anh em cũng luôn bên nó… như ngày xưa từng là đồng đội…".

Đọc những dòng trên bao giọt nước mắt đã rơi. Thương cháu bé vắn số bao nhiêu thì lại xót xa cho mảnh đời người lính chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên bấy nhiêu. Bao nhiêu câu hỏi làm day dứt trái tim, bao nhiêu câu hỏi chưa có câu trả lời. Thôi, âu cũng là một tai nạn mà chẳng ai muốn.

Thật nhẹ lòng, khi nghe được lời của người cha cháu bé "Hoàn cảnh gia đình bác lái xích lô cũng khó khăn nên không hề trách cứ. Tôi chỉ trách những người mua bán những tấm tôn đó, tại sao khi đưa lên xích lô của ông Bình lại không che chắn lại. Giá những tấm tôn dài, sắc nhọn ấy được bọc một lượt giấy thôi thì có lẽ mọi chuyện đã khác.

Ông Bình nghèo, mải kiếm tiền nuôi thân nên có thể không để ý, nhưng làm sao những người bán tôn có thể thỏa mái nâng tấm tôn trần ấy đặt lên xe xích lô được…?"

Viết thêm được điều gì nữa bây giờ, quá thừa hoặc cũng là quá thiếu.

Mượn lời bác sĩ - người trực tiếp cấp cứu cháu bé, thay cho lời kết: Chúng ta đều là người, ai cũng muốn điều tốt đẹp nhất đến với những người yêu thương, nhưng đôi khi những cố gắng là không thể…

Sau hai mạng người mất vì tấm tôn, chính quyền Hà Nội mới thực sự ra quân xử lý xe chở hàng cồng kềnh.

Lê Nguyễn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/tam-ton-dinh-menh-va-manh-doi-nguoi-linh-vi-xuyen-c8a451180.html