Tâm sự đầy nước mắt của một bà mẹ bị bệnh tim

Nhìn thằng bé chúm chím cái môi hồng rõ xinh, thi thoảng nó lại tóp tép như thể đang rất đói mà nước mắt tôi cứ trào ra.

Tôi khóc không hẳn vì niềm hạnh phúc được làm mẹ mà còn vì sung sướng tột cùng. Tôi đã không nghĩ rằng mình có thể còn được gặp con, nói gì đến được đưa tay vuốt lên đôi má bầu bĩnh giống bố như đúc của nó.

Tôi bị bệnh tim từ nhỏ. Từ lúc sinh ra cho đến khi lớn lên, tôi là đứa con ốm yếu nhất nhà vì thế luôn được bố mẹ chăm sóc đặc biệt. Lúc tôi đến tuổi dậy thì, nhiều lúc vô tình bắt gặp ánh mắt mẹ nhìn tôi rất lạ. Vừa lo lắng, vừa xót xa. Trong từng cử chỉ, lời nói của mẹ với tôi, luôn là sự yêu thương đong đầy. Ngày ấy, tôi chưa hiểu hết những suy nghĩ của mẹ. Chỉ thấy thắc mắc trong lòng về sự quan tâm đặc biệt mà mẹ dành cho tôi.

Ảnh mang tính minh họa

Học xong cấp hai, tôi có ý định thi lên trường cấp 3 chuyên của huyện nhưng mẹ ra sức can ngăn. Mẹ bảo tôi rất yếu không thể đi học xa được. Nhưng lòng ham học và ý chí của tôi đã thuyết phục được mẹ. Hồi ấy, mỗi buổi trưa đạp xe về đến nhà, tôi thường nằm vật ra giường bởi khó thở, choáng váng. Tôi đã bắt đầu ý thức được bệnh tật của mình. Tôi biết bệnh tim là một căn bệnh khá nguy hiểm. Nhưng nguy hiểm đến mức nào thì tôi không rõ lắm. Chỉ nhớ là bố mẹ bắt tôi đi khám nhiều lần trên các bệnh viện lớn, uống nhiều thuốc và trong khẩu phần ăn của tôi. Nhìn tôi, ít ai nhận ra tôi bị bệnh tim bẩm sinh. Có lẽ tất cả những điều đó nhờ chế độ chăm sóc đặc biệt mà gia đình đã dành cho tôi. Có lúc tôi tự nhủ: bệnh tim thì có gì ghê gớm đâu. Tôi vẫn học tập và sinh hoạt như một người bình thường đó thôi.

Cuộc sống của tôi cứ êm đềm trôi đi trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Khi học đại học, ngày tôi dẫn anh về ra mắt, tôi không ngờ bố mẹ lại phản đối dữ như vậy. Đầu tiên là thái độ im lặng của bố mẹ. Rồi những dòng nước mắt, những tiếng nức nở của mẹ. Mẹ bảo tôi lớn rồi, phải hiểu bố mẹ rất lo cho tôi. Người bị bệnh tim không thể sinh con được đâu. Vì sinh con nghĩa là phải chết. Mẹ vừa nói vừa khóc, rồi người còn dẫn ra bao nhiêu ví dụ về những người phụ nữ phải ở vậy vì bệnh tim của mình... mẹ sợ sẽ mất tôi.

Thời gian ấy, chúng tôi đã vô cùng khổ sở để thuyết phục mẹ tôi. Càng khổ đau hơn khi anh thông báo rằng bố mẹ anh cũng có thái độ như vậy khi biết tôi bị bệnh tim. Chúng tôi đã phải thuyết phục hai bên gia đình rất nhiều. Bản thân tôi cũng phải tự thuyết phục mình dũng cảm để đối diện với hạnh phúc mà tôi đang có. May mắn cho tôi khi được yêu anh. Anh đã cho tôi niềm tin, sự quyết tâm... và khả năng thuyết phục, chứng minh của anh thì có lẽ hiếm người đàn ông nào có được. Ngày cưới của chúng tôi cũng đến trong niềm vui chung của hai gia đình.

Tôi có thai. Có lẽ đây là sự kiện trọng đại nhất đời tôi. Bởi vì trước đó đi tư vấn, bác sỹ nói rằng bệnh tim mạch có thể làm tăng bệnh suất và tử suất của người mẹ khi mang thai. Có nghĩa là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, người phụ nữ mắc bệnh tim vẫn có thể sinh con nếu thực hiện nghiêm túc những chỉ dẫn của bác sỹ. Sau buổi tư vấn đó, dù trong lòng tôi ít nhiều lo lắng nhưng niềm hy vọng lại dâng đầy.

Khát khao được làm mẹ khiến cho tôi tràn đầy quyết tâm. Chỉ hơi khó khăn một chút khi tôi thấy bác sỹ nói về nguy cơ của thai kỳ tháng thứ ba. Sự thực, tôi đã rất lo lắng nếu xác suất sảy thai hoặc thai chết lưu lại rơi vào mình. Hoặc là tình trạng thiếu ô-xi và chất dinh dưỡng kéo dài dẫn đến suy thai, sinh non, con sẽ ốm yếu... Tôi đã mất ngủ mất mấy đêm trước khi quyết định.

Những tuần đầu tiên của thai kỳ, tôi thường xuyên đến bệnh viện khám. Cổ nhân có câu “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, trong trường hợp này tôi không tin lắm. Bởi tôi nghĩ “nhân định thắng thiên”. Ba tháng đầu trôi đi trong sự bình yên. Tôi ăn ngủ tốt, vẫn đi làm bình thường. Từ khi có bầu tôi lại thấy mình khỏe hơn. Có lẽ vì niềm vui sắp được làm mẹ. Có lẽ vì tôi đang mang trong mình sinh linh bé nhỏ, chỉ vài tháng nữa thôi tôi sẽ được nắm lấy đôi bàn tay nhỏ xíu của nó, được thơm lên đôi má bầu bĩnh của nó.

Tất nhiên, thời gian sau đó cũng có lúc tôi thấy khó thở, trống ngực đánh liên hồi và khá mệt. Nhưng tất cả những điều đó tôi đã được bác sỹ thông báo. Tôi hoàn toàn chủ động điều chỉnh công việc để nghỉ ngơi. Thời gian đó, mẹ chồng tôi thường xuyên qua nhà dọn dẹp cho con dâu . Thậm chí quần áo bà cũng không khiến tôi phơi. Đặc biệt, bà tạo cho tôi tâm lý rất thoải mái bằng cách truyền cho tôi những kinh nghiệm làm mẹ của bà.

Tôi đọc thấy trong đó bao niềm hy vọng, tôi cũng như được bà truyền cho nghị lực, niềm tin. Bản năng của người mẹ cũng giúp tôi khỏe mạnh hơn về tinh thần.Đến tuần thứ 36 tôi nhập viện theo chỉ định của bác sỹ. Những ngày nằm trong khoa sản của bệnh viện thành phố, hai mẹ, chồng và các anh chị em hai bên luôn gọi điện động viên và khích lệ. Đó là những liều thuốc bổ cực kì có tác dụng với tôi trong thời điểm ấy, nhất là khi có một vài ca mẹ mắc bệnh tim phải chuyển viện cấp cứu hoặc tử vong.

Lúc tôi nằm trên băng ca để đẩy vào phòng mổ đầy hồi hộp và lo lắng, chồng tôi được đặc cách vào phòng phẫu thuật. Anh nắm chặt tay tôi. Bàn tay anh mới ấm áp làm sao. Anh thì thào an ủi, vỗ về tạo sự an tâm nhất cho tôi. Còn các bác sỹ vừa làm vừa hỏi tôi gì đó, hình như về con trai hay con gái, về cách đặt tên... Rồi hỏi tôi có chóng mặt không? Tôi gắng trả lời những câu hỏi đó. Cho đến khi tiếng khóc của thằng bé vang lên trong phòng mổ. Tiếng khóc của nó cũng chính là sự vỡ òa của niềm hạnh phúc suốt mấy tháng qua mà tôi đã chờ đợi. Con trai, ba cân hai. Tôi nghe rõ như vậy... và rồi thiếp đi.

Ai bảo bị bệnh tim thì không được làm mẹ? Hai trái tim của hai mẹ con tôi vẫn đạp rất khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Nhìn con, tôi bỗng nhớ dến những câu thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh: Con làm bằng yêu thương/Của cha và của mẹ/Của bà và của ông/Con làm bằng tất cả. Tôi tin là con sẽ nghe được những thanh âm ấy. Bởi trái tim con đang đập được tạo ra từ những trái tim yêu thương con cháy bỏng của cả gia đình.

→ Hộp đồ ăn đáng yêu của cha dành cho con gái

Hoa Tầm Xuân

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/gia-dinh/nep-nha/tam-su-day-nuoc-mat-cua-mot-ba-me-bi-benh-tim-d102041.html