Tâm sự đầu năm của nữ trắc thủ 'Điện Biên Phủ trên không'

Nữ chiến sỹ chống nhiễu ra - đa, người trực tiếp tham gia trận đánh 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 trải lòng mình trong ngày đầu xuân.

Chặn đứt "pháo đài bay B52"

Cứ mỗi độ xuân về, bà Nguyễn Thị Chín lại bồi hồi tưởng nhớ tới những người đồng đội đã nằm lại chiến trường, bà tự nhủ: "Nói đến những cuộc kháng chiến không cân sức, hẳn toàn nhân loại không quên cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của quân và dân Việt Nam.

Cho đến tận bây giờ, nhiều nhà quân sự tài giỏi cũng khó lý giải về chiến thắng này. Phải chăng trong lẽ phải luôn tiềm ẩn sức mạnh phi thường?”.

Đó là lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Chín (SN 1953), nữ chiến sỹ chống nhiễu ra-đa,

Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những ký ức về lòng dùng cảm, mưu trí của quân và dân ta vẫn còn in đậm trong trí nhớ của cô bộ đội Nguyễn Thị Chín, lúc đó mới 15 tuổi. Bằng trái tim nóng bỏng và lòng yêu nước nồng nàn, cô đã tình nguyện tham gia vào quân ngũ …

Tâm sự về đời binh nghiệp với PV, bà Nguyễn Thị Chín xúc động nói: "Tôi sinh trưởng trong một gia đình đông tới 9 người con, tôi là thứ chín nên cha mẹ đặt tên là Chín. Năm 1968, đất nước Việt Nam còn ngập chìm trong đạn lửa, tại thời điểm đó, ở địa phương tôi có tuyển quân sự, tôi đã xung phong nhập ngũ mặc dù tuổi còn nhỏ và chỉ nặng có 36kg.

Do tôi cảm nhận, thấm nhuần lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc nên tôi tìm mọi cách để được vào quân ngũ tham gia chiến đấu. Ngày 28/6/1968, tôi chính thức được nhập ngũ vào Quân chủng Phòng không Không quân, thuộc sân bay Bạch Mai, Hà Nội.

Trong số anh chị em khi đó mới tham gia nhập ngũ, tôi là nhỏ nhất cả về tuổi đời và hình thể. Do đó, trong buổi huấn luyện đầu tiên, tôi may mắn được gặp Thượng tướng Phùng Thế Tài, khi đó là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tư lệnh trưởng Quân chủng Phòng không Không quân.

Ông gọi tôi ra khỏi hàng và hỏi: “Ai tuyển cháu vào đơn vị”. Tôi đã bật khóc trước mặt Thượng tướng. Sau khi bình tĩnh, tôi đã trình bày và diễn giải về lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, với mong muốn được đứng vào hàng ngũ quân đội.

Lúc này anh Phan Thu là Đại úy, thuộc phòng Quân báo của Bộ tham mưu (Quân chủng Phòng không Không quân) nhanh chóng đỡ lời: “Tôi thấy tinh thần của Chín rất tốt, với mong muốn tột độ được tham gia chiến đấu”.

Cuối cùng,Thượng tướng Phùng Thế Tài đồng ý cho tôi được ở lại quân ngũ. Sau ba tháng huấn luyện, tới ngày diễn tập tôi bắn 3 viên đạn, đạt 29 điểm. Có thể nói, bắn súng là một thế mạnh của tôi. Tiếp đến tôi được cử đi học đào tạo 6 tháng học “trắc thủ” Đội trinh sát chống nhiễu do chuyên gia (Liên Xô cũ) huấn luyện.

Bà Nguyễn Thị Chín trò chuyện với PV Pháp luật Plus.

Những người lính âm thầm lặng lẽ

"Là người tham gia chiến đấu, tôi cảm nhận được sức mạnh phi thường không chỉ là sức mạnh về tinh thần mà còn cả sức mạnh về trí tuệ tiềm ẩn trong mỗi người Việt Nam.

Đặc biệt như Đại úy Phan Thu (nay là Trung tướng), là người Việt Nam đầu tiên phát minh ra máy chống nhiễu ra-đa. Đại úy Phan Thu đã được bạn bè, thậm chí là cả bậc thày (chuyên gia kỹ thuật của Liên Xô cũ) cũng phải rất nể phục. Và chúng tôi là những người thao tác thành thạo chiếc máy chống nhiễu này trong suốt 12 ngày đêm, đập tan âm mưu phá hoại miền Bắc của địch", bà Chín nhớ lại.

Ngày 16/01/1970, Đội chống nhiễu được phát triển thành Tiểu đoàn nhiễu, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 8. Chúng tôi là những người đầu tiên tham gia vào các hoạt động gọi là trinh sát điện tử của Quân chủng Phòng không Không quân.

Trong cuộc chiến đấu chống máy bay ném bom chiến lược B52 của Mỹ, bộ đội ra-đa phải rất khó khăn để đối phó với nhiễu cường độ cao của địch. Bởi lẽ, các ra-đa của ta là mục tiêu để không quân Mỹ sử dụng tên lửa chống ra-đa, hòng “bịt mắt” hệ thống tên lửa phòng không của ta.

Nhờ có có hệ thống chống nhiễu đã “dọn đường” mà hệ thống tên lửa của ta đã bắn cháy máy bay B52 của Mỹ, một trong loại máy bay tối tấn nhất lúc bấy giờ, gây chấn động thế giới.

Giờ đây đất nước đã giải phóng, những chiến sỹ quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và những chiến sỹ chống nhiễu nói riêng, họ đều là những người lính, âm thầm lặng lẽ như những giọt nước trong biển cả…", bà Chín nghẹn ngào nói.

Mong gặp lại người thày Khơ Lơ Xốp

Giờ đây, ở độ tuổi ngoài 60 nhưng bà Chín vẫn giữ phong thái của người chiến sỹ năm nào, vẫn tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát và vẫn tham gia vào các hoạt động tự vệ của địa phương với tâm nguyện được truyền lửa cho thế hệ sau.

Một vinh dự đến với bà, năm 1976, bà được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương chiến công giải phóng.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, thông qua báo Pháp luật Plus, bà mong muốn được gặp lại người thày, chuyên gia quân sự có tên là Khơ Lơ Xốp, nếu ông còn sống.

Trao đổi với ông Phạm Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu giấy Hà Nội (nơi bà Chín hiện đang sinh sống) được biết, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, bà Nguyễn Thị Chín vinh dự được Quân chủng Phòng không Không quân tặng kỷ niệm chương và UBND TP Hà Nội tặng quà.

Lương Liễu- Huy Trung

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tam-su-dau-nam-cua-nu-trac-thu-dien-bien-phu-tren-khong-d5310.html