Tâm sự của một ông giáo già về lựa chọn nghề

Trên đời không hề có nghề sang nghề hèn mà chỉ có người hành nghề giỏi và người hành nghề chưa giỏi mà thôi.

LTS: Lựa chọn nghề nghiệp không chỉ đơn thuần là tìm một công việc đem lại thu nhập bởi đôi khi nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của bạn sau này.

Hôm nay, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh – nguyên giảng viên trường Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh có đôi điều tâm sự gửi tới thế hệ trẻ về việc lựa chọn nghề nghiệp.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.

Đối với các bạn trẻ khi đến độ tuổi trưởng thành, việc xác định lựa chọn cho bản thân một nghề để kiếm sống và để cống hiến cho cộng đồng xã hội thì việc có thể xác định ngay ra một nghề để chọn là vấn đề không dễ dàng.

Đối với các bạn đã có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông thì lại càng khó hơn khi phải tự xác định thi vào trường nào, ngành gì?

Việc chọn trường nào để thi hoặc đăng ký dự tuyển là điều không mấy khó khăn, bởi danh tiếng của các trường tốt thì hầu như ai có quan tâm tìm hiểu về chúng cũng đều rất dễ dàng qua việc thu lượm các thông tin liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng hay dư luận xã hội.

Nhưng để chọn cho được một ngành phù hợp với đặc tính riêng của mỗi người thì đó lại là điều vô cùng khó. Cái khó đó không chừa ra một ai!

Để giúp cho việc chọn ngành của thanh niên trước ngưỡng cửa cuộc đời được thuận lợi, đã từ rất lâu, cứ trước mùa tuyển sinh, dư luận xã hội vẫn thường xuyên đề cập vấn đề hướng nghiệp.

Nhưng lâu nay việc hướng nghiệp cũng chưa đáp ứng được mục tiêu mong đợi. Vì sao?

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Vì không ai biết được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai của mỗi số phận? Tất cả đều còn ở phía trước của đường đời. Cái khó chính là ở chỗ đó.

Trong đời, ai cũng cần có một nghề để sống. Có những người, họ có thể tự lựa chọn cho mình một nghề theo ý thích mà bản thân họ ý thức được trong thời điểm họ phải chọn.

Nhưng cũng có những người, họ không thể tự thân ý thức được là nên chọn nghề nào. Họ đành tìm tới những lời khuyên ở những nguồn mà họ có thể tiếp cận.

Lại có những người không chỉ thích một nghề mà thích một vài nghề. Vì thế, họ rất đắn đo, không đủ tự tin để quyết định chọn cho mình một nghề nào đó trong số nghề mà họ thích.

Và còn cả những người mà số phận cuộc đời đã đưa đẩy họ đến với nghề mà họ không có quyền lựa chọn. Đó là sự thật của cuộc sống và chính người đang tâm sự cùng các bạn cũng là người đã rơi vào hoàn cảnh đó.

Thanh niên trong xã hội chúng ta ngày nay, mỗi người ai cũng được bình đẳng trong quyền chọn nghề.

Nhưng việc tự chọn cho bản thân mỗi người một nghề có “đắc ý” hay không thì không phải ai cũng “trúng số độc đắc”.

Muốn biết có “trúng số độc đắc” sau khi đã lựa chọn được nghề theo ước nguyện ban đầu thì cũng chưa chắc niềm vui ban đầu đã trọn vẹn.

Để khẳng định được niềm vui đó, đối với đa số, còn cần có “sự kiểm chứng của thời gian”.

Điều này không phải là “nói cứ như sách” mà đó là điều mà người viết bài này đã tự chiêm nghiệm qua cuộc đời của chính bản thân và có để ý cả những cuộc đời khác.

Sau một số năm lăn lộn với nghề, nếu càng ngày bạn càng cảm thấy bất an với nghề hoặc cảm thấy “tay nghề” không tốt lên thì đó là nghề không phù hợp với đặc tính riêng của con người bạn, mặc dù nghề mà bạn chọn ban đầu đã “đúng ý”.

Trái lại, chỉ khi nào bạn luôn tự cảm thấy yên tâm với nghề, hơn nữa, lại tâm niệm phải luôn trau dồi nghề để làm nghề ngày càng thú vị hơn.

Bởi ý thức được trách nhiệm của bản thân với sản phẩm mình làm ra và mang lại hiệu quả rõ hơn thì điều đó mới cho thấy bạn đã chọn được nghề thích hợp với bản thân, phù hợp với điều kiện khách quan của xã hội và hoàn cảnh cuộc sống riêng của bạn.

Cảm nhận yêu nghề chỉ xuất hiện khi bạn thấy tự bằng lòng với nghề đang làm

Thực tế, lựa chọn nghề trong buổi đầu đời thường do cảm tính tự thân hoặc do chịu tác động của bạn bè, người thân và cả mạng thông tin trong xã hội. Những yếu tố tác động trên ít khi mang lại sự thỏa mãn tột đỉnh cho đối tượng phải chọn nghề.

Thế thì căn cứ vào đâu để chọn nghề ?

Khách quan mà nói, cần căn cứ vào tính cách và khả năng riêng của từng người mà hướng tới việc chọn nghề. Đôi khi, con người không thể tự biết được tính cách và khả năng riêng của bản thân họ.

Trong trường hợp này cần nhờ tới sự nhận xét của những người thân, bạn bè và kể cả việc thăm dò tại các tổ chức tư vấn như Hội tư vấn hướng nghiệp và các chuyên gia giáo dục.

Biết được tính cách và khả năng của một người cụ thể thì việc tư vấn chọn nghề đã sẵn có cơ sở tham khảo ban đầu để “Mách nước”.

Ví dụ, người tính nết tềnh toàng, thoải mái, chân tay vụng về thì không nên chọn ngành y, nhất là lại chọn học khoa phẫu thuật: Oan gia cho bệnh nhân có ngày !

Người năng nổ, tháo vát có lẽ nên theo nghề làm công việc xã hội , phục vụ cộng đồng, thậm chí học tập bồi dưỡng trong các trường thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội – nhân văn để hoạt động trong các tổ chức sản xuất kinh doanh, các tổ chức chính trị và đoàn thể xã hội.

Những người có tính hay tìm tòi, hay thắc mắc, hay để ý quan sát và nhận xét, tính tình điềm đạm, sống tôn trọng kỷ luật thì nên theo các ngành Khoa học tự nhiên hoặc các ngành Kỹ thuật – Công nghệ.

Những người hay tranh cãi, lý sự, thích chứng minh đúng sai khi một việc xảy ra …thì có lẽ nên theo ngành Luật là thích hợp…

Nói là như vậy, song việc chọn ngành, chọn nghề bao năm qua không chỉ đơn giản như vậy. Vậy thì làm thế nào để chọn được nghề lý tưởng cho một con người khi dấn thân vào đời ?

Tác giả bài này cho rằng, không làm gì có chiếc đũa thần để người chọn nghề cầm lấy và chỉ bâng quơ vào đâu đó thì lập tức có được câu trả lời.

Chúng ta hãy sống thực tế một chút và hãy nhớ lấy câu ngạn ngữ truyền đời mà ông cha ta đã chỉ dạy: “Liệu cơm mà gắp mắm”.

Trong việc chọn ngành chọn nghề, phải tự suy ngẫm khả năng của bản thân và điều kiện của gia đình cũng như bối cảnh khách quan của xã hội, không ảo tưởng đối với bất cứ yếu tố nào trong ba yếu tố này.

Đồng thời cần tránh tâm lý a dua, chạy theo bạn bè hoặc theo dư luận ảo đang tạo nên xu thế không đúng, không lành mạnh đang đồn đại trong xã hội.

Bình tĩnh, thận trọng, suy ngẫm có trách nhiệm với bản thân là thái độ nên có đối với những ai đang đứng trước nhiều ngã rẽ trên đường chọn ngành, chọn nghề.

Một người trong đời có thể trải qua việc phải làm nhiều nghề và rất có thể nghề nào cũng làm tốt, thậm chí làm giỏi. Khi các yếu tố nổi trội, thuận lợi cho việc làm một nghề nào đó hội tụ, lúc đó người ta sẽ yên tâm làm nghề đó.

Sự hội tụ của các yếu tố này tuyệt nhiên không phải hoàn toàn do ngẫu nhiên mà một phần trong đó phải do con người chủ động tìm cách tạo ra. Còn nếu không thì phải chọn lại nghề để tồn tại dễ dàng hơn.

Khi hành nghề với đầy đủ ý thức trách nhiệm, công việc ắt có kết quả tốt đẹp. Chính kết quả tốt đẹp đó sẽ mang đến cho người hành nghề sự động viên và niềm vui hành nghề. Ý thức trách nhiệm khi hành nghề là nền tảng cho việc nâng cao tay nghề.

Khi tay nghề được nâng cao thì một cảm xúc nhẹ nhàng cũng quấn quýt bởi lòng yêu nghề và lòng tự hào hành nghề.

Cuộc sống đòi hỏi cộng đồng xã hội phải sinh ra các nghề khác nhau nhưng trên đời không hề có nghề sang nghề hèn mà chỉ có người hành nghề giỏi và người hành nghề chưa giỏi mà thôi.

Cho nên, tôi nghĩ rằng, việc chọn ngành, chọn nghề ở thời điểm bước vào đời của mỗi cá nhân chưa hoàn toàn đã là khâu quyết định cho việc thành đạt trong đời hay không.

Nhưng cũng phải thấy là, sự thành đạt lớn hay nhỏ của mỗi cá nhân trong đời lại phụ thuộc có tính quyết định bởi chất lượng giáo dục của gia đình, của học đường và của cả cộng đồng xã hội từ khi con người còn bé cho đến tuổi trưởng thành để bước vào đời .

PGS.Nguyễn Lê Ninh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tam-su-cua-mot-ong-giao-gia-ve-lua-chon-nghe-post171881.gd