Tâm sự của cô giáo nơi học sinh không biết đến đèn xanh đèn đỏ

Dù điều kiện nơi công tác còn nhiều khó khăn nhưng cô Ngân không có ý định chuyển công tác dù có những cơ hội và điều kiện tốt hơn.

Cô Quảng Thị Thúy Ngân (sinh năm 1991, công tác tại trường Mầm non Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) là giáo viên trẻ nhất được tuyên dương trong chương trình “ Chia sẻ cùng thầy cô ” năm 2016.

Khi tốt nghiệp trường Đại học Sài Gòn, khoa Giáo dục Mầm non, cô sinh viên trẻ Quảng Thị Thúy Ngân lập tức về quê xin việc chứ không ở lại bám trụ thành phố phồn hoa đô thị hay những trường học đầy đủ cơ sở vật chất.

Trường mà cô Ngân xin vào công tác đó là trường mầm non Thạnh An, huyện Cần Giờ. Nơi này khác hẳn với những trường mà cô từng thực tập.

Lúc cô về trường, căn nhà cấp bốn của trường Thạnh An đã lụp xụp, tường bong tróc nhiều, toàn trường có 4 lớp học.

Hồi đó, lượng học sinh toàn trường chỉ khoảng 120 em nhưng phần vì cơ sở vật chất thiếu thốn phần vì người dân ở xã là lao động nghèo nên chỉ nên các em nhỏ chỉ học 1 buổi/ngày.

Giáo viên trẻ nhất được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2016 (Ảnh: Thùy Linh)

Mặc dù cảnh tượng thiếu thốn như vậy hiện ra trước mắt nhưng cô giáo trẻ này vẫn nuôi ước mơ được dạy các em nhỏ nơi đây bởi Thạnh An là nơi cô Ngân sinh ra, lớn lên, trưởng thành nên dù điều kiện cơ sở vật chất trường khó khăn nhưng cô vẫn nung nấu được góp sức mình để xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

Cho đến nay cũng đã 5 năm gắn bó với nghề, từng ngày gần gũi với các em nhỏ trên lớp, dù điều kiện nơi công tác còn nhiều khó khăn nhưng cô Ngân không có ý định chuyển công tác dù có những cơ hội và điều kiện tốt hơn vì lòng yêu trẻ và mong muốn chia sẻ những khó khăn cùng người dân.

Vì khi các cô trông trẻ cũng là cách phụ người dân để người dân yên tâm đi làm.

Theo lời cô Ngân kể, những ngày đầu nhận công tác, do đặc thù nghề nghiệp, có khi trẻ khóc, nhiều em khóc mãi không nín thì cô giáo cũng khóc theo. Dần dần, cô tìm ra giải pháp là ôm trẻ, dỗ dành trẻ và cho các em chơi trò chơi.

Nhưng vì trường ở đảo, xa đất liền nên đồ chơi không nhiều như các bạn cùng trang lứa học ở huyện, thậm chí nhiều học sinh không biết đến đèn xanh đèn đỏ buộc cô giáo trẻ phải tự chế đồ chơi và tổ chức trò chơi cho các em.

Gần đây, nhà trường đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm cho xây dựng trường mới. Giây phút khánh thành trường mới khang trang, cô Ngân nhìn trò khóc vì quá hạnh phúc.

Niềm hạnh phúc nhân lên gấp bội khi cô Ngân trở thành một trong 42 giáo viên biển đảo tiêu biển trên cả nước được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên VIệt Nam, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức vừa qua.

Khi được ra thăm Hà Nội. Điều đầu tiên cô cảm nhận được đó là học trò ở thành phố thật hạnh phúc khi được bố mẹ đưa đón đến trường, được mặc những bộ quần áo đồng phục đẹp đẽ.

Nghĩ đến học trò của mình còn nhút nhát, đứng sau cánh cửa nem nép nhìn những người lạ mặt, cô Ngân càng muốn phấn đấu nhiều hơn nữa để giúp các em nhỏ.

Bởi theo cô Ngân, khó khăn đến mấy thì chỉ cần nhìn vào ánh mắt hồn nhiên của trẻ là sẽ vượt qua.

Cô Ngân mong muốn tiếp tục được cống hiến, góp phần cho sự nghiệp giáo dục và hi vọng trẻ em ngoài đảo với đất liền rút ngắn khoảng cách lại với nhau, để các em nơi đảo xa bớt thiệt thòi.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tam-su-cua-co-giao-noi-hoc-sinh-khong-biet-den-den-xanh-den-do-post172471.gd