Tâm sáng vùng rốn lũ Dào San

Đến vùng rốn lũ Lai Châu những ngày này mới thấu hiểu sức mạnh của tình đồng chí, nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn. Cho dù mưa lũ vẫn rình rập có thể đổ xuống bất cứ lúc nào trên diện rộng, cũng không cản được sự hồi sinh mãnh liệt của sự sống nơi con lũ đi qua.

Theo thống kê, mưa lũ đã làm hơn 500 hộ dân Lai Châu mất nhà, 4 người chết, 7 người bị thương, hơn 455ha hoa màu, ao nuôi trồng thủy sản bị hư hại với ước thiệt hại gần 100 tỷ đồng. Trung tá Giàng Páo Là - Phó Công an huyện Phong Thổ, Trưởng đoàn cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Khi mưa lớn đổ về, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh và các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên đã có mặt kịp thời tại các điểm xung yếu để di dân đến nơi an toàn. Đoàn cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Lai Châu cắm chốt tại trung tâm 8 xã biên giới Dào San (huyện Phong Thổ) từ đó đến nay đã hoàn thành nhiều phần việc: San nền, làm hơn 1km đường chuẩn bị nơi tái định cư mới cho 200 hộ đồng bào các bản Khấu Dào, Căng Há, Căng Ký, Kò Ký thuộc xã Tung Qua Lìn; tập trung vận động thuyết phục gần 200 hộ đồng bào người Mông rời khu vực nguy hiểm đến nơi ở mới; giúp dân di chuyển xong 50 nhà của 50 hộ đến nơi ở ổn định… Cần phải nói thêm rằng, đây là khu vực có 8 xã với 7,5km đường biên có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh biên giới. Lại là vùng thường xuyên xả ra lũ ống, lũ quét, trong khi trình độ sản xuất và khả năng phòng chống thiên tai của đồng bào còn nhiều hạn chế. Tiếp sức cho những cuộc hồi sinh sau lũ, đoàn công tác xã hội từ thiện của Báo CAND - Chuyên đề ANTG, cùng Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả đã ủng hộ hai trăm phần quà bao gồm mì tôm, tiền mặt trị giá 50 triệu đồng và thăm hỏi gia đình có người thiệt mạng, động viên người nghèo khó vì bị lũ cuốn trôi mất nhà cửa, trâu bò, vật dụng. Lãnh đạo UBND huyện Phong Thổ, cùng đại diện Báo CAND, Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả trao quà cho bà con vùng lũ ở tỉnh Lai Châu. Ông Nguyễn Đức Thắng - đại diện Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả xúc động nói: Đây là món quà xuất phát từ tinh thần "thương người như thể thương thân" của những cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả, là cầu nối kết đoàn giữa các doanh nghiệp nói chung, Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả nói riêng với đồng bào vùng biên trong cơn gian khó. Qua đó, mong đồng bào các dân tộc ít người nơi đây sớm vượt qua khó khăn, cùng với lực lượng Công an giữ vững an ninh biên giới. Ông Phàng A Phua (ở bản Sìn Chải, xã Dào San), người có hai con cùng một cháu nhỏ bị thiệt mạng trong đêm mưa lớn nhận khoản tiền hỗ trợ trong nỗi đau chưa nguôi vì mất người thân, ông chỉ biết cảm ơn đoàn xã hội từ thiện của Báo CAND, các chú Công an, Công ty cổ phần Xi măng Cẩm Phả đã rộng lòng cưu mang gia đình trong cơn khốn khó. Hậu quả của những đợt mưa lũ kéo dài đối với tỉnh Lai Châu còn khá nặng nề. Đã có gió lốc, mưa đá xảy ra tại các xã Phăng Sô Lin, Hồng Thu, Tà Phìn, Xà Dề Phìn của huyện Sìn Hồ; nước trên các sông Nậm So, Nậm Na của huyện Phong Thổ đang ở mức báo động cấp II, hơn 400 hộ dân đặt trong tình trạng nguy hiểm, sẵn sàng phải di dời; QL70 nối tỉnh Lai Châu với tỉnh Yên Bái và QL4D đi tỉnh Lào Cai đều bị sạt lở gây ách tắc cục bộ. Tất cả những thiệt hại đó đều cần tới nhiều tỷ đồng mới có thể khắc phục được. Nhưng trước mắt hơn 200 cán bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, các đoàn thể đang dốc sức đưa cuộc sống của 400 hộ đồng bào vùng bị nạn và vùng nguy hiểm sớm ổn định cuộc sống. UBND tỉnh Lai Châu đã quyết định hỗ trợ mỗi hộ đồng bào di chuyển nhà đến nơi ở mới 7 triệu đồng; cấp 15kg gạo/người/tháng trong 6 tháng và cấp đất thổ cư theo quy định cho bà con có đất định cư lâu dài. Khi những phần quà do Công ty CP Xi măng Cẩm Phả đến tay đồng bào vùng cao bị lũ, thì hàng ngàn tấn xi măng Cẩm Phả đã có mặt ở khắp các thị trường kể cả sang bên kia đại dương. Đấy là cơ sở vững chắc cho những hoạt động xã hội từ thiện của công ty: Chăm sóc nhiều hơn những gia đình chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, sẻ chia hàng chục ca mổ tim trong chương trình "Trái tim cho em", “Vì nụ cười trẻ thơ”... và bây giờ là 100 triệu ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Có được bước đi vững chắc đó, phải kể đến cách đầu tư khá hiệu quả của một nhà máy có lợi thế cảng biển, có khả năng xuất hàng trực tiếp xuống nhiều loại tàu cỡ lớn; một chính sách chất lượng sản phẩm đảm bảo tốt nhất, ổn định ở mức cao nhất, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các công trình quy mô quốc gia, mà dự án khách sạn cao nhất Hà Nội chào 1.000 năm Thăng Long đã là một ví dụ

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/thoisuxahoi/phongsughichep/2009/7/149324.cand