Tầm nhìn cho tương lai

Nữ võ sĩ Bích Phương xuất sắc đem về tấm HCV.

Nhưng nếu như sân chơi Olympic là cái đích mà những cường quốc thể thao như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hướng tới thì đối với thể thao Việt Nam, đấu trường ASIAD hình như vẫn là một 'sân chơi quá tầm!'. Ra quân tìm kiếm những tấm HCV châu lục hứa hẹn không ít gian nan, thử thách. Người hâm mộ thể thao Việt Nam đã chới với khi niềm tin cứ dần dần bị lụi tắt, chứng kiến những 'niềm hy vọng' lần lượt thất bại một cách ngậm ngùi. Năm 2010, ASIAD 16 tại Quảng Châu, Trung Quốc sẽ đi vào lịch sử là kỳ đại hội lớn nhất từ trước tới nay với 42 môn thể thao và rất đa dạng về nội dung thi đấu. Cách đây bốn năm, tại ASIAD lần thứ 15 diễn ra ở Đô-ha (Qua-ta), thể thao Việt Nam góp mặt với 247 vận động viên (VĐV), đã giành được ba Huy chương vàng (HCV), 13 Huy chương bạc (HCB), bảy Huy chương đồng (HCĐ), xếp ở vị trí thứ 15/38 đoàn về tổng số huy chương (23 chiếc). So với ASIAD 14 ở Bu-san, Hàn Quốc năm 2002, chúng ta kém một HCV, nhưng đó lại là thành tích không hề thụt lùi bởi ASIAD 15 được đánh giá khó khăn hơn nhiều, khi chỉ có tổng cộng 430 nội dung thi đấu nhưng nhiều môn là thế mạnh của Việt Nam lại không thi đấu. Với 263 VĐV tranh tài ở 29 trong tổng số 42 môn, đoàn Việt Nam đặt mục tiêu giành từ bốn đến sáu HCV ở Á vận hội tại Quảng Châu, Trung Quốc. Đây là lực lượng đông đảo nhất của thể thao Việt Nam ở một kỳ Asian Games. Hy vọng huy chương của đoàn Việt Nam nằm ở các môn thế mạnh như billiards-snooker, cờ vua, cờ tướng, cầu mây, ka-ra-te-đô. Có lẽ hy vọng quá nhiều đã dẫn đến sự thất vọng quá lớn cho người hâm mộ thể thao Việt Nam. Người hâm mộ không thể vui và đương nhiên không thể tự hào khi nhìn vào bảng tổng sắp huy chương của Đại hội, kết thúc ASIAD 16 với 17 HCB, 15 HCĐ và chỉ có một HCV duy nhất của VĐV ka-ra-te-đô Lê Bích Phương, xếp thứ 24 trên tổng số 45 nước tham dự. Có thể nói đây là một kỳ đại hội không mấy thành công đối với thể thao Việt Nam, sau sân chơi này thể thao Việt Nam hy vọng sẽ có những bài học kinh nghiệm bổ ích. Nhìn vào bảng thành tích của thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games, cũng như những HCV của các VĐV của chúng ta giành được tại các giải thi đấu thế giới, không ít người đã cho rằng liệu chỉ tiêu bốn đến sáu HCV là quá cẩn trọng. Và chỉ khi ASIAD 16 chính thức khởi tranh, họ mới nhận ra mọi chuyện không đơn giản như thế. Ở môn Judo, chỉ có hai võ sĩ vượt qua trận đầu tiên, số còn lại bị loại từ vòng đầu. Môn cầu mây, đội nữ Việt Nam ở nội dung Regu thua In-đô-nê-si-a, đội chưa bao giờ thắng chúng ta hơn chục năm nay. Không ít những VĐV được coi là có trình độ tiệm cận thế giới như Nguyễn Hoài Thu (tê-cuôn-đô), Lê Quang Liêm (cờ vua), Phạm Văn Hậu, Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Văn Tuấn (u-su)... để 'tuột vàng' trong gang tấc. Và, những niềm 'hy vọng vàng' như đội Cầu mây nữ, Nguyến Tiến Minh (cầu lông), Ngô Lan Hương (cờ tướng)... cũng không đạt được thành tích như mong muốn. Vậy nguyên nhân do đâu? Ông trưởng đoàn Lê Quý Phượng cũng phải thừa nhận thể thao Việt Nam không thể né tránh một thực tế là sự chuẩn bị cho ASIAD 16 chưa tốt. Vụ việc lực sĩ Hoàng Anh Tuấn đã bị gạch tên khỏi danh sách thi đấu tại ASIAD 16 do nghi án đô-pinh mà lực sĩ này đang mắc phải sau khi dự giải vô địch thế giới từ tháng 9-2010, cũng đã tốn không ít mực của báo chí. Hoàng Anh Tuấn chính là một trong những niềm hy vọng của thể thao Việt Nam trên đấu trường Asian Games. Có lẽ chung quanh sự thất bại đó còn nhiều nguyên nhân, nhưng cũng đều xuất phát từ sự thiếu chuyên nghiệp của các VĐV nói riêng, cũng như Ban lãnh đạo, Nhà quản lý và nền thể thao Việt Nam nói chung. Có thể nhận thấy hầu như các 'hy vọng vàng' của chúng ta đều tự thua ở thời điểm quyết định, tại đấu trường danh giá của châu lục không có chỗ cho sai lầm dù nhỏ nhất, chứ không phải vì trọng tài hay sức ép từ chủ nhà. Bởi nếu không chủ quan thì Hoài Thu sẽ không để võ sĩ Thái-lan, được đánh giá thấp hơn thắng ngược 4-3, mất đi tấm HCV trong tầm tay; hay tâm lý thiếu bình tĩnh gây ra lỗi kỹ thuật ở thời điểm quyết định đã khiến Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) từ vị trí quán quân trôi tuột xuống thứ 13 sau loạt bắn cuối cùng nằm ngoài tưởng tượng. Nhìn sang các nước cùng khu vực Đông-Nam Á, chúng ta dễ nhận thấy, họ không kéo quân ồ ạt sang Quảng Châu mà vẫn vượt qua chúng ta trên bảng xếp hạng. Việt Nam từng áp đảo bảng huy chương SEA Games khi có lợi thế chủ nhà (năm 2003), và so kè quyết liệt với Thái-lan ở mấy kỳ SEA Games gần đây. Nhưng ở Đại hội thể thao châu Á lần này, Việt Nam đứng sau gần như tất cả, dưới cả Phi-li-pin. Một số nước cũng đã có bước tiến khá vững chắc tại đại hội lần này là Thái-lan (11 HCV, hạng chín), Ma-lai-xi-a (chín HCV, hạng mười), Xin-ga-po (bốn HCV), In-đô-nê-xi-a (bốn HCV), và Phi-li-pin (ba HCV), Mi-an-ma (hai HCV). Nhưng, bên cạnh sự thất bại của nhiều môn thế mạnh thì vẫn còn đó những điểm sáng, đem lại sự lạc quan cho thể thao Việt Nam. Tuy không được kỳ vọng và biết đến nhiều, nhưng nữ võ sĩ ka-ra-te-đô 18 tuổi Lê Bích Phương thi đấu tại hạng cân 55 kg, đã bất ngờ vượt qua nhà đương kim vô địch thế giới của Nhật Bản, xuất sắc đem về tấm HCV quý giá duy nhất cho thể thao Việt Nam sau bao khát khao bị dồn nén và sau bao hụt hẫng tiếc nuối. Bên cạnh đó, dấu son đậm nét nhất chắc chắn phải là điền kinh. Chưa từng có một huy chương nào tại đấu trường Á vận hội thế nhưng trên đường chạy của sân vận động Ao-ti, điền kinh đã làm nên lịch sử khi mang về một lúc ba HCB (chạy 1.500 mét, 800 mét của Trương Thanh Hằng; 200 mét của Vũ Thị Hương), hai HCĐ (chạy 100 mét của Vũ Thị Hương, mười môn phối hợp của Vũ Văn Huyện), đa số đều đạt thành tích tốt nhất trong sự nghiệp và phá kỷ lục SEA Games. Tương tự là các VĐV đua thuyền là Phạm Thị Thảo, Phạm Thị Huệ ở nội dung đôi nữ, VĐV Trần Thị Sâm, Nguyễn Thị Hữu, Phạm Thị Hải và Đặng Thị Thắm ở nội dung đua thuyền nữ bốn người xuất sắc giành được hai HCB, cùng với tấm HCB của tay vật nữ Nguyễn Thị Lụa (48 kg), chiếc huy chương ASIAD đầu tiên của vật. Hay dù không giành huy chương nhưng VĐV mới 15 tuổi Nguyễn Hoàng Thiên đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ mạnh để lọt tới vòng hai của môn quần vượt, một bộ môn còn khá mới mẻ với chúng ta... Tất cả đã mở ra một trang mới cho thể thao Việt Nam. Và, còn không ít những VĐV trẻ khác cũng đã nỗ lực vượt qua chính mình và đóng góp vào thành tích chung của đoàn trên đất Quảng Châu. Đó là những gương mặt được kỳ vọng là nòng cốt của thể thao Việt Nam trong tương lai. Nhưng đó chưa phải là đủ để lấp được chỗ trống để lại quá lớn của các bậc đàn anh, đàn chị đã đến tuổi nghỉ ngơi. Trở về từ Quảng Châu, ngay từ lúc này, có lẽ Ban lãnh đạo thể thao Việt Nam cùng các VĐV đã rút ra được những bài học quý báu, cần có một chiến lược đạo tào lớp trẻ một cách quy mô, bài bản và chuyên nghiệp, thay vì chỉ chờ đợi những 'hiện tượng' rồi mới gom nhặt lại. Những tấm huy chương của điền kinh, đua thuyền và vật đã mở ra một nhận thức mới về việc phải cơ cấu lại định hướng của thể thao Việt Nam, bởi đây là những môn nằm trong chương trình thi đấu Olympic. Những tấm huy chương ở những môn thể thao Olympic luôn có ý nghĩa đặc biệt, cao hơn các môn khác. Sau giải đấu này, chúng ta buộc phải có một tầm nhìn thay đổi cục diện mới, tìm những con đường riêng, thế mạnh riêng, để thể thao Việt Nam sánh ngang với các bạn bè ở châu lục, và để sắc đỏ của lá cờ Tổ quốc được tung bay nhiều hơn nữa trên bục vinh quang. Danh sách huy chương của Việt Nam 1 HCV: Ka-ra-te-đô (Lê Bích Phương). 17 HCB: 3 điền kinh (Trương Thanh Hằng 1.500 m và 800 m, Vũ Thị Hương 200 m); 1 cờ vua (Quang Liêm); 1 ka-ra-te-đô (Nguyệt Ánh); 2 đua thuyền (đôi và bốn người); 1 cầu mây (đội tuyển nữ); 2 bắn súng (Hà Minh Thành, đồng đội nữ); 1 tê-cuôn-đô (Hoài Thu); 1 vật (Nguyễn Thị Lụa); 4 u-su (Thanh Tùng, Nguyễn Thị Bích, Phan Văn Hậu, Nguyễn Văn Tuấn); 1 cờ tướng (Nguyễn Thành Bảo). 15 HCĐ: 2 điền kinh, 1 bắn súng, 4 u-su, 2 billiard carom ba băng, 3 tê-cuôn-đô, 1 cầu mây đồng đội nữ, 1 ka-ra-te-đô, 1 cờ vua đồng đội nữ...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-h-ng-thang/nhan-dan-h-ng-thang/th-thao/t-m-nhin-cho-t-ng-lai-1.278005