Tâm nguyện của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang về nhà ở miễn phí cho công nhân

Công ty TNHH SX Chế biến Nông thủy sản Xuất khẩu Thuận Phong (Cty Thuận Phong) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan báo chí nêu rõ quan điểm việc xây nhà ở cho công nhân trong đó đáng chú ý có tâm huyết của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Trăn trở trách nhiệm

Thời gian qua, Báo Công lý đã có loạt bài phản ánh về việc Công ty Thuận Phong xin thuê 1,94 ha đất xây dựng nhà ở miễn phí cho công nhân. Liên quan đến vấn đề này, ngày 27/6/2017, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh và Công ty Thuận Phong. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phòng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (nhiệm kỳ 2004-2011), hiện là Phó giám đốc Công ty Thuận Phong đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến dự án xây nhà ở miễn phí cho công nhân.

Theo ông Nguyễn Văn Phòng, thời điểm ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước phát triển nhanh, công nhân vào ồ ạt, nảy sinh ra vấn đề về nhà ở. Do đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết 20-NQ/TW năm 2008 “về chăm lo đời sống vật chất tinh thần của công nhân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Theo đó, Đảng và chính quyền, cả hệ thống chính trị phải lo đời sống cho giai cấp công nhân, đặc biệt là vấn đề nhà ở.

Thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh đã hoán đổi một số vị trí đất với quân khu 9, trong đó có khu đất kho đạn 18 hecta. Ông và ông Hai Khải, Trưởng Ban quản lý các Khu Công nghiệp đã đề xuất tính mở rộng KCN Trung An, nhưng vì một số nguyên nhân, nhà đầu tư không vào.

Sau khi có Nghị quyết số 20 và Chính phủ và nhiều quy định khác về “nhà ở xã hội cho công nhân”, tỉnh Tiền Giang đã tính làm khu nhà ở cho công nhân tại khu đất 18 ha. Lúc đó, ông và ông Hai Khải rất muốn có khu nhà ở cho công nhân vì KCN Tân Hương và Long Giang đã có nhưng KCN Mỹ Tho và Trung An chưa có.

 Nhà nước và doanh nghiệp cần chăm lo hơn nữa nhà ở cho công nhân

Nhà nước và doanh nghiệp cần chăm lo hơn nữa nhà ở cho công nhân

Ông Nguyễn Văn Phòng phát biểu: “Tôi nghĩ các đồng chí sau này sẽ tiếp tục quan tâm đến đời sống cho công nhân nhất là KCN Mỹ Tho. Đặc biệt, Mỹ Tho là đô thị loại I nhưng thành phố không có nhà cho công nhân ở. Đó là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Các anh em ở Ban quản lý các KCN thì thấu hiểu hơn đời sống cán bộ của công nhân".

Ông Nguyễn Văn Phòng trăn trở: Luật Nhà ở, Nghị định 100 (Điều 6, Khoản 2) nêu rõ, những KCN nào đã làm nhưng chưa có khu nhà ở cho công nhân, có quy hoạch nhưng chưa đủ, chính quyền địa phương phải quy hoạch đất cho KCN xây dựng nhà ở cho công nhân. Đó là trách nhiệm.

Thực tế KCN Mỹ Tho ra đời gần 20 năm nhưng chưa quan tâm xây dựng nhà ở công nhân. Do đó, ông Phòng lưu ý cần dành 14 hecta, tiếp tục quy hoạch nhà ở cho công nhân. “Chúng ta phải thực hiện ngay Nghị quyết của Đảng, Luật Nhà ở và Chỉ thị 03, nếu thiếu thì dùng quỹ của địa phương từ các dự án 20% nhà ở xã hội như dự án đường Lê Văn Phẩm, đường Bờ Kè. Các đồng chí phải dành ra 20% ít nhất để làm nhà ở xã hội, nếu không làm là không thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước... Quan điểm của tôi là trách nhiệm của người đi trước, giờ tôi vẫn còn trăn trở”.

Xây nhà cấp miễn phí là trên cả nhà ở xã hội

Ông Nguyễn Văn Phòng đề cập đến Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhắc lại việc thực hiện Nghị quyết 20, Luật nhà ở và Nghị định 100. Đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu mà Đảng và chính quyền phải thực hiện. “Như vậy, bây giờ 14 hecta đó chúng ta ra soát đi, Tân Hương có rồi, Long Giang có rồi còn Mỹ Tho và Trung An chưa có, đó là trách nhiệm của Đảng và chính quyền địa phương, phải quy hoạch làm sao đầy đủ các nhu cầu”.

Ông Nguyễn Văn Phòng nhận định: Đối với Công ty Thuận Phong mà ông Ba Tứ (ông Phạm Văn Tứ, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phong) là người rất bức xúc về nhà ở cho công nhân. “Từ 2013, ông Ba Tứ đã có đơn xin mua, chia đất nhưng chúng ta không đáp ứng thì đã sai từ đó…Cuối đời ông ấy cũng chẳng muốn để tài sản gì riêng cho mình mà chỉ làm công tác xã hội, lo cho giai cấp công nhân, là bớt đi gánh nặng cho chính quyền địa phương chúng ta”.

Theo ông Nguyễn Văn Phòng, doanh nghiệp muốn có nhiều khu đất dùng để xây nhà ở cho công nhân, không chỉ Thuận Phong mà còn cho các công ty khác, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cùng với Nhà nước. Những tồn tại từ trước đến nay cần được khắc phục và phát huy, không phải làm một nhiệm kỳ hết thì thôi. Chúng ta nói, đọc nghị quyết nêu giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo thì phải quan tâm đến đời sống của công nhân.

“Bây giờ 60% trong số 16.000 công nhân (khoảng 9.000 người) của KCN Mỹ Tho phải đi thuê nhà trọ. Trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhiệm vụ chính trị đầu tiên là gì? Không phải các dự án thương mại. Chúng ta phải lo cho giai cấp công nhân, đúng theo chủ trương, chính sách…Tôi thấy dự án của anh Ba Tứ trên cả nhà ở xã hội, vì nhà ở xã hội cho thuê, còn đây miễn phí, cái này có sự nhân đạo. Các đồng chí lập dự án rồi kêu gọi, xem được mấy doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân để giảm bớt gánh nặng cho Đảng và chính quyền địa phương?”, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trăn trở.

An Dương

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/xa-hoi/doi-song/tam-nguyen-cua-nguyen-pho-chu-tich-ubnd-tinh-tien-giang-ve-nha-o-mien-phi-cho-cong-nhan-219496.html