Tâm nguyện của người trai xứ Quảng

Tổng giám đốc Phạm Văn Tiến vừa mở cửa xe chiếc Land Cruiser định bước vào khoang lái bỗng nhận ra tôi từ phía đường vào cổng trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Hà Nội. Ông quay ra tiến nhanh về phía tôi rồi nắm chặt bả vai kéo tôi lại gần nói với giọng tự tin đầy phấn chấn: “To Buông thành công rồi ông ạ! Hôm nay tôi về Điện lực xin đấu điện từ trạm OPY của Nhà máy vào lưới phát của Trung tâm. Nhà báo có thu xếp được thì lên với công trình nhá!”. Phạm Văn Tiến thân tình mời tôi như vậy.

To Buông là tên một bản của người Thái trắng thuộc địa bàn xã Tư Năng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Nơi đây có con suối lớn bắt nguồn từ tận dãy núi giáp biên giới Việt Lào. Tận dụng nguồn thủy năng này, từ những năm 2006 - 2007, một DN vùng Sơn La đã lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy thủy điện công suất 10MW đệ trình lên các ngành chức năng và chính quyền địa phương phê duyệt. Khi được cấp phép nhưng xét thấy khả năng không thể tự thực hiện, DN này đã nhượng lại quyền đầu tư cho Cty CP Sông Đà 11 tại Hà Nội. Với lĩnh vực hoạt động chuyên ngành, khả năng thiết bị và tay nghề người thợ vốn có từ hơn 55 năm hành nghề, Sông Đà 11 đã thành lập một đơn vị chuyên trách nhằm giao quyền làm chủ đầu tư và tiến hành thi công xây dựng dự án từ năm 2011. Kỹ sư máy động lực Phạm Văn Tiến được điều động và bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành kiêm Chủ đầu tư dự án. Với kinh nghiệm 16 năm đảm nhận các công việc vừa sản xuất vừa thi công trong cuộc “chinh chiến” trên khắp các công trình xây dựng thủy điện, khởi đầu là đại công trường xây dựng thủy điện Hòa Bình, sau đó từ thủy điện Sông Hinh (Phú Yên), Yaly (Gia Lai) rồi đến Tuyên Quang, Sơn La… Phạm Văn Tiến đã không còn xa lạ, ngỡ ngàng gì về nghiệp vụ thi công. Song khi đến công trình thủy điện To Buông, lần đầu tiên Tiến vừa đảm nhận làm Chủ đầu tư dự án lại vừa tham gia điều hành công tác thi công xây dựng công trình - chắc hẳn cũng phải cần đến bản lĩnh, khả năng, trình độ ngoại giao của “người cầm lái”.

Đặt ba lô xuống cánh rừng giữa núi đồi Yên Châu, bước đầu tiên Phạm Văn Tiến cùng đội ngũ kỹ thuật và nhóm nhà thầu bắt tay ngay vào việc xây dựng trụ sở, lán trại. Hàng tháng, hàng quý, thời gian trôi đến là nhanh. Ông cùng đơn vị ăn ngủ “ở lỳ” trên bản người Thái để làm quen thung thổ, chắp mối liên hệ với chính quyền thôn, bản và tổ chức rà soát toàn bộ địa dư của Dự án nằm xung quanh dòng suối To Buông; sau đó lập tiến độ thi công Dự án và bắt đầu khởi công công trình vào cuối tháng 12/2013. Thật khó khăn cho Phạm Văn Tiến khi chỉ sau mấy tháng khởi động đã phát sinh một số vướng mắc. Thứ nhất là giải pháp đầu tư - thi công; thứ hai là phải tiến hành phúc tra lại nguồn rừng phòng hộ, rồi công tác đền bù, đất nông nghiệp, đất thổ cư và công tác trồng bù gần 10ha rừng đầu nguồn… Biết bao nỗi lo với công việc bộn bề trong khi tháng ngày thì cứ vùn vụt trôi qua, cộng thêm việc nguồn vốn đầu tư dần trở nên cạn kiệt. Nhưng bù lại, Chủ tịch HĐQT và Ban lãnh đạo Sông Đà 11 vẫn luôn quan tâm theo sát tiến trình thực hiện dự án, ra sức hợp lực hỗ trợ đơn vị của Tiến tháo gỡ những vướng mắc, giảm bớt khó khăn để đưa công trình khởi động lại vào đầu năm 2015. Đây được xem là thời kỳ bắt đầu tiến hành xây dựng Nhà máy. Trừ công tác đào 1.000m đường hầm dẫn nước trong lòng núi là phải thuê đơn vị ngoài ngành thực hiện, còn lại các công tác thi công như đào móng, đổ bê tông, đắp đập, đào và lắp 1.600m kênh dẫn nước, lắp đặt các thiết bị tổ máy đều do lực lượng xây dựng của các chi nhánh, xí nghiệp trực thuộc Sông Đà 11 đảm nhận. Vì thế, tiến trình lao động luôn diễn ra trong không khí rầm rộ, khẩn trương, năng suất vượt cao. Trong 18 tháng thi công liên tục không ngừng nghỉ, toàn bộ các hạng mục chủ yếu đều được hoàn tất để dồn tất cả cho công tác lắp đặt thiết bị 2 tổ máy phát điện vào đầu tháng 10/2016.

Ông Phạm Văn Tiến

Phạm Văn Tiến có tầm vóc cao to, rắn chắc, tính tình hòa đồng gần gũi với đồng nghiệp và công nhân. Ông thuộc kiểu người của công việc - dù vất vả gian khó vẫn quyết không từ nan. Với bản lĩnh ấy, Tiến luôn biết vượt lên, sẵn sàng đảm nhận mọi nhiệm vụ gian khổ, phức tạp. Một điều cảm động khi đặt bút viết bài này tôi mới được biết, Tiến quê gốc là người Quảng Ngãi, còn tại làng Kim Thư, huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ) là nơi ông được sinh ra vào năm 1959 vậy thôi. Cha ông - một chiến sĩ cách mạng từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp tại chiến khu Ba Tơ, sau hòa bình cụ tập kết ra Bắc và công tác tại Cty Xăng dầu Đức Giang (Hà Nội) rồi xây dựng gia đình tại Kim Thư, Thanh Oai. Phạm Văn Tiến được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương đùm bọc của người mẹ có truyền thống làng nghề thủ công đất Bắc. Năm 20 tuổi, Tiến xung phong lên công trường TNCS xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà. Cuộc đời, sự nghiệp, gia đình của Phạm Văn Tiến đã gắn trọn với nghề và công cuộc xây dựng các công trình trên khắp miền cả nước tới tận hôm nay.

Chia sẻ với tôi, Phạm Văn Tiến cho hay sau thành công thắng lợi đưa Nhà máy Thủy điện To Buông vào vận hành an toàn hiệu quả, ông lại tiếp tục đảm nhận công tác xây dựng và quản lý thêm một nhà máy nữa trên dòng suối Đông Khùa cũng thuộc địa bàn huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Tâm nguyện của Phạm Văn Tiến coi công trình này như một món quà kỷ niệm để dành tặng cho các thế hệ lao động sau này trước khi ông về nghỉ chế độ.

Yên Châu - Mùa mận nở hoa năm Đinh Dậu 2017

Lê Nguyên Tất

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/tam-nguyen-cua-nguoi-trai-xu-quang.html