Tám năm gia nhập WTO: Những câu hỏi để ngỏ

(Toquoc)-Hàng loạt hạn chế của giai đoạn 2007 - 2014 được đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra tại báo cáo giám sát "Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)".

Theo Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, hội nhập kinh tế và việc gia nhập WTO đã tác động toàn diện đến mọi mặt phát triển của đất nước và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể như hệ thống thể chế pháp luật, chính sách ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, việc Việt Nam gia nhập WTO đã giúp có sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự đồng thuận xã hội. Kết quả nổi bật là thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Cùng đó, thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, giá trị xuất khẩu tăng, một số sản phẩm đứng hàng đầu thế giới.

Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch và được tái cơ cấu theo hướng tích cực. Công nghiệp-xây dựng và dịch vụ đóng góp cao vào tăng trưởng. Thu ngân sách nhà nước đã được điều chỉnh kịp thời, tăng thu nội địa để bù đắp cho phần giảm thuế nhập khẩu…

Sức ép

Tuy nhiên, cũng không ít tồn tại đang “làm khó” cho sự đất phát triển kinh tế của đất nước. Theo đánh giá của Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu, “chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện; cơ cấu hàng xuất khẩu chậm được thay đổi, giá trị gia tăng hàng xuất khẩu còn thấp. Chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa cao như chuyển giao công nghệ chưa đạt yêu cầu, tính liên kết với doanh nghiệp trong nước kém, tỷ trọng xuất khẩu cao nhưng nộp ngân sách thấp”.

Đơn cử như tình trạng nhập siêu. Từ sau khi gia nhập WTO, chỉ có 3 năm gần đây (2012-2014), Việt Nam có thặng dư cán cân thương mại, còn các năm trước đều thâm hụt lớn.Ccán cân xuất, nhập khẩu dịch vụ, luôn ở tình trạng nhập siêu và có xu hướng tăng lên từ năm 2007 đến nay, trừ năm 2012 có sự chững lại.

So sánh mức bình quân năm thì thương mại giai đoạn 2007-2014 vẫn ở tình trạng nhập siêu (8,07 tỷ USD) cao hơn mức nhập siêu bình quân năm giai đoạn 2001-2006 (4,05 tỷ USD). Riêng năm 2008 nhập siêu hàng hóa là 18,02 tỷ USD.

Chưa kể các doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn trước các rào cản kỹ thuật thương mại của các nước, trong khi việc hình thành và áp dụng các rào cản kỹ thuật thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam còn thiếu và yếu. Hơn nữa, năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm thương hiệu Việt Nam còn hạn chế.

Theo báo cáo của VCCI, cho đến nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam liên quan đến gần 80 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ ở nhiều thị trường. Đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, nguy cơ này còn cao hơn vì hiện Việt Nam vẫn chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp

Về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, sau khi gia nhập WTO, cía trị xuất khẩu của khu vực FDI trung bình giai đoạn 2007-2014 là 56,06 tỷ USD (chiếm 61% tổng giá trị xuất khẩu cả nước), trong khi trung bình giai đoạn 2001-2006 là 13,48 tỷ USD (chiếm 53,7% tổng giá trị xuất khẩu cả nước).

Tuy nhiên, chất lượng của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là vấn đề cần quan tâm, khi các doanh nghiệp FDI chủ yếu là gia công chế biến, tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho Việt Nam chưa rõ nét.

Báo cáo cũng chỉ rõ, những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của đất nước.

“Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Đó là công tác thông tin, tuyên truyền còn chưa sâu rộng; một số bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức đến hội nhập kinh tế quốc tế”.

Cần được nhìn nhận thấu đáo

Đánh giá cao báo cáo giám sát, song các ý kiến tại phiên họp còn nhiều băn khoăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước chưa phát huy tác dụng. Doanh nghiệp trong nước ban đầu chịu lép vế hơn song chính sách lại ưu ái cho doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Uông Chu Lưu báo cáo giám sát cần đánh giá đúng mức thành quả Việt Nam đạt được. Hiện Việt Nam vẫn chưa phát huy được mọi cơ hội và chưa vượt qua được những thách thức trong quá trình hội nhập, để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

"Có chuyên gia nêu lên nghịch lý là càng hội nhập thì doanh nghiệp Việt càng nhỏ đi”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lại yêu cầu cần trả lời cho được câu hỏi tại sao sau khi gia nhập WTO thì nhiều lợi thế, nhất là nông nghiệp lại không phát huy được (kết quả giám sát cho thấy, tốc độ tăng giá trị sản xuất của thủy sản thấp hơn so với trước khi gia nhập WTO trong khi nông nghiệp thay đổi không đáng kể).

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng tỏ ý sốt ruột, khi nông nghiệp ảnh hưởng đến lợi ích toàn dân nhưng chưa tranh thủ được vận hội, vẫn là "được mùa mất giá - được giá mất mùa".

Nhận định cuộc giám sát là cơ hôi để nhìn lại tiến trình kể từ khi hội nhập WTO đến nay, rút ra bài học kinh nghiệm để chuẩn bị cho việc hội nhâp Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương – TPP, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn lo ngại khi Báo cáo đã nêu tăng trưởng kinh tế duy trì được tốc độ khá hơn nhưng chất lượng bên trong thế nào thì lại chưa “chạm” tới./.

M.Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/3/kinh-te-viet-nam/136975/tam-nam-gia-nhap-wto-nhung-cau-hoi-de-ngo.aspx