Tâm lý sính ngoại làm khó hàng Việt

Việt Nam đang bắt đầu thực thi các hiệp định thương mại tự do, hàng ngoại sẽ tràn vào thị trường.

Để giữ vững thị phần bên cạnh việc DN sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đòi hỏi chính quyền xây dựng cơ chế hỗ trợ DN. Đó là ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm “Tạo sức hút để người tiêu dùng (NTD) đồng hành cùng DN Việt” do báo Hànộmới tổ chức chiều 31/10. Tới dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản.

Hàng nhập khẩu cạnh tranh gay gắt

Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cho biết: Hiện, 95% các mặt hàng tại Big C là hàng Việt. Điều này xuất phát từ việc những năm gần đây DN sản xuất đã đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng cải tiến bao bì, mẫu mã nhưng vẫn duy trì yếu tố cạnh tranh về giá cả với hàng ngoại nhập. Có thể nói, đây chính là yếu tố khiến NTD đã có sự thay đổi rõ nét về việc sử dụng hàng Việt Nam ”.

Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại Tuần hàng Việt tổ chức tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Hoài Nam

Tuy nhiên, tâm lý sính hàng ngoại vẫn là thực tế đang tồn tại hiện nay. Chính vì tâm lý này, một trong những khó khăn lớn mà nhiều DN Việt Nam gặp phải là phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, với sự xâm lấn thị trường từ các DN nước ngoài, nhất là khi nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết có hiệu lực. Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty CP Ladoda Đinh Tuấn Anh cho biết, dù được đánh giá là một trong những DN thành công trong việc đánh bật các sản phẩm cùng loại của nước ngoài nhưng Ladoda cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng ngoại. Trở ngại lớn nhất của DN là trong nước không có các công ty sản xuất linh kiện phụ trợ nên giá thành của một số sản phẩm do Ladoda làm ra đôi khi không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa tích cực thực hiện cuộc vận động (CVĐ). Bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội nêu thực trạng: Thậm chí nhiều quận, huyện chưa tích cực tuyên truyền CVĐ bằng hình thức treo băng rôn, khẩu hiệu, chưa tạo điều kiện, hỗ trợ mặt bằng để DN tổ chức hội chợ hàng Việt Nam. “DN sản xuất nếu không có sự hỗ trợ từ các địa phương cũng rất khó mà tổ chức các chuyến hàng về địa phương, đưa hàng Việt tiếp cận với NTD” - bà Oanh chia sẻ.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp

Các DN tham gia buổi tọa đàm có chung ý kiến: TP nên xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trong quá trình hình thành các chuỗi cửa hàng bán hàng Việt Nam . Đồng thời tăng cường tuyên nâng cao ý thức của DN trong sử dụng nguyên liệu trong nước, từ đó sản xuất sản phẩm có chất lượng, giá cạnh tranh với hàng ngoại. Để CVĐ đạt hiệu quả cao, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan kiến nghị: Các sở, ban, ngành cần vào cuộc đồng bộ trong việc rút ngắn thủ tục hành chính cho DN. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc tiếp cận đất đai, tín dụng, chính sách xuất nhập khẩu, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thương hiệu Việt.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhận định, để CVĐ thành công, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các đơn vị thành viên, DN và cả NTD. Các cơ quan thông tin của TP trong thời gian tới cần tập trung vào tuyên truyền để NTD nâng cao nhận thức hàng Việt. Hiện, TP đã có nhiều chủ trương tháo gỡ khó khăn cho DN, cải cách thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN; triển khai các kế hoạch phát triển thị trường trong nước, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đồng thời phối hợp với ngân hàng hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn, giúp DN hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. TP cũng tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ DN mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm của Hà Nội đến với các tỉnh, và ngược lại đưa những sản phẩm chủ lực của các tỉnh, TP trên cả nước về Hà Nội.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tam-ly-sinh-ngoai-lam-kho-hang-viet-271706.html