Tấm lòng vị giáo sư già

Về thăm quê sau hơn 70 năm xa cách, ông xúc động khi nhìn thấy con em còn phải học tập trong điều kiện khó khăn,thiếu thốn trăm bề. Trở lại TPHCM sinh sống nhưng ông vẫn không nguôi trăn trở về điều đó. Để rồi những ngày tháng sau đó, ông âm thầm thực hiện gây quỹ, góp tiền xây dựng cho con em học sinh một phòng học máy vi tính. Người có tấm lòng thơm thảo đó là GS.TS Nguyễn Đăng Hưng, một người con của làng Bồ Mưng, xã Điện Thắng Bắc, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Để có nguồn kinh phí xây dựng một phòng học máy tính cho con em học sinh, GS. TS Nguyễn Đăng Hưng đã thực hiện 3 chương trình biểu diễn nghệ thuật gây quỹ tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Để có nguồn kinh phí xây dựng một phòng học máy tính cho con em học sinh, GS. TS Nguyễn Đăng Hưng đã thực hiện 3 chương trình biểu diễn nghệ thuật gây quỹ tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Nặng lòng với quê hương

Hơn 40 năm miệt mài, say mê lăn lộn với công tác nghiên cứu, giảng dạy môn toán và cơ học tại nước ngoài, góp phần đào tạo các nhà khoa học cho đất nước Việt Nam, nhưng trong tâm trí ông vẫn không nguôi nhớ về quê hương và mong được một lần trở về ngôi làng nơi ông đã sinh ra. Mãi cho đến gần 20 năm sau ngày nghỉ hưu, ông mới có cơ hội thực hiện được niềm mong ước đó.

Ngày trở về quê, ông lần từng bước vào mảnh vườn xưa mà nay trở thành một ngôi trường tiểu học. Đứng lặng ngắm nhìn lũ học sinh vui đùa, ông như được trẻ lại. Ông ngậm ngùi hồi tưởng khi còn là cậu bé lên năm theo chân bố mẹ cắp sách đến trường trên con đường làng khúc khuỷu, ướt át, lầy lội. Đó là những năm tháng bình yên, đẹp đẽ nhất của cuộc đời ông. Ngắm nhìn ngôi trường, ông xúc động nghĩ đến những người thầy giáo cũ, đến ông bà, cha mẹ, những người thân thương nay không còn nữa.

Trở lại TPHCM sinh sống nhưng ông vẫn luôn trăn trở, suy nghĩ về ngôi trường làng, với những lớp học thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Nghĩa tình của một người con quê hương buộc ông phải làm điều gì đó để giúp các thế hệ con em học sinh quê cũ hôm nay vơi bớt thiệt thòi, thiếu thốn. Những ngày tháng ròng rã sau đó, khi bước qua tuổi 80, ông bắt đầu âm thầm đi làm các hoạt động từ thiện gây quỹ nhằm thực hiện xây dựng phòng học máy tính cho trường học và các hoạt động tình nguyện khám bệnh miễn phí cho người nghèo, phát thuốc miễn phí, tu bổ trường học, phát quần áo, tiến hành trao học bổng…

* GS.TS Nguyễn Đăng Hưng là một nhà khoa học nổi tiếng tại Vương quốc Bỉ. Ông đã có hơn 40 năm làm công tác nghiên cứu và giảng dạy môn toán và cơ học tại Đại học Lìege, đồng thời là tác giả của hơn 20 cuốn sách, giáo trình và hơn 200 công trình khoa học. GS.TS Nguyễn Đăng Hưng góp phần đào tạo nhiều nhà khoa học cho đất nước Việt Nam và hiện đã nghỉ hưu, sống tại TPHCM. Ông đã được tặng Huy chương Louis BAES của Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ (năm 1984), Huy chương Lao động hạng Nhất của Chính phủ Bỉ (1996), 2 lần nhận Huy chương "Đại thần" của Vương triều Bỉ (1999 và 2005). Ông là một trong số 19 Việt kiều tiêu biểu được trao danh hiệu "Vinh danh đất Việt" (2004) - do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN và Báo điện tử VietnamNet tặng.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục của quê hương.

Tấm lòng thơm thảo

Kết thúc những chuyến biểu diễn nghệ thuật dài ngày gian khó thực hiện gây quỹ ở thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM, ngày 26-9-2016, ước mong xây dựng một phòng học máy tính cho ngôi trường tiểu học Nguyễn Huệ (làng Bồ Mưng, xã Điện Thắng Bắc, TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) của vị giáo sư già Nguyễn Đăng Hưng mới thành hiện thực.

Trong buổi lễ khánh thành bàn giao phòng học máy tính trị giá 100 triệu đồng, phát biểu trước các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và em học sinh, ông xúc động nói: "Các cháu đừng bao giờ cảm ơn ông, đừng cảm ơn số tiền mua sắm phòng máy mà ông đã trao cho các cháu. Trước hết, các cháu hãy cảm ơn bố mẹ đã sinh thành và cho các cháu cuộc sống này. Hãy cảm ơn các thầy giáo, cô giáo - người đã cho các cháu kiến thức, nuôi dạy các cháu. Các cháu hãy yêu hơn nữa cuộc sống này, hãy nỗ lực quyết tâm, sống với ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn. Có như vậy các cháu mới trở thành những người có ích cho xã hội. Ông mong rằng, phòng máy tính này sẽ là chiếc cầu nhỏ dẫn dắt đến tương lai của các cháu. Tuy nhiên, các cháu muốn gặt hái được sự hiểu biết thì điều đầu tiên phải xây dựng được những đức tính nhân văn, yêu ông bà, yêu cha mẹ, yêu anh chị, yêu xóm làng, yêu họ hàng gia tộc và sau cùng là yêu quê hương đất nước…".

Sau hơn 40 năm say mê cống hiến cho nền khoa học và hơn 20 năm gần đây khi trở về Việt Nam nhiệt tâm góp sức cho công cuộc đổi mới nền giáo dục, đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sĩ, đến khi nghỉ hưu, GS.TS Nguyễn Đăng Hưng vẫn không ngừng nghỉ trong hành trình cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Ngày ngày vị giáo sư già vẫn âm thầm đi gây quỹ xây dựng trường học, làm từ thiện, tìm kiếm nguồn kinh phí trao các suất học bổng con em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên khắp quê hương Việt Nam.

Khải Minh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_158083_ta-m-lo-ng-vi-gia-o-su-gia-.aspx