Tấm lòng của người dân với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Những ngày này, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước sang tuổi 103 (ông sinh ngày 25.8.1911), rất nhiều đoàn khách- kể cả các cựu chiến binh, những người dân bình thường- đã tới chúc thọ Đại tướng, thể hiện tấm lòng yêu quý, kính trọng với vị tướng tài đức song toàn của đất nước, người được thế giới coi là một trong những danh tướng vĩ đại trong lịch sử.

Bà Đặng Bích Hà đọc báo Lao Động - bản có bài viết của tướng Giáp. Ảnh: Hải Nguyễn

Sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn ổn định
Ngày sinh nhật bình dị tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tấm lòng với vị tướng huyền thoại

Đến chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại ngôi nhà yên tĩnh đầy cây xanh trên đường Hoàng Diệu (Hà Nội) chiều 25.8, Tổng Biên tập Báo Lao Động Trần Duy Phương và các cán bộ, phóng viên của báo đã gửi tặng đến ông số báo Lao Động mới nhất có đăng bài viết của Đại tướng về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - vị danh tướng đời Trần mà ông rất ngưỡng mộ; cùng cuốn sách “Tiếng gọi từ mảnh đất tận cùng” - gồm các bài viết được giải báo chí quốc gia của phóng viên Báo Lao Động vừa xuất bản.

Tiếp đoàn trong phòng khách đầy kỷ vật của gia đình, bà Đặng Bích Hà - phu nhân Đại tướng - cùng người con trai cả Võ Điện Biên đã nhận báo và cuốn sách của cán bộ phóng viên Báo Lao Động như lời hỏi thăm sâu sắc và trân trọng nhất với sức khỏe Đại tướng.

Anh Võ Điện Biên cho biết, trong dịp này, các nhà lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và nhiều đoàn khách đến thăm Đại tướng trong Bệnh viện Quân đội 108 và hiện sức khỏe của ông vẫn ổn định. 3 năm nay ông được các bác sĩ Bệnh viện 108 trực tiếp chăm sóc sức khỏe hằng ngày. Sáng 25.8, đúng ngày sinh của ông, cả gia đình, con cháu đã cùng vào chúc sức khỏe Đại tướng. Ông vẫn nhận ra mọi người vào thăm, nhất là với cô cháu nội bé nhất, kém ông tới 98 tuổi.

Cảm xúc nhiều nhất là tấm lòng của các cựu chiến binh, những người dân bình thường với Đại tướng. Trên bàn trong phòng khách của gia đình vẫn còn bày một buồng chuối xanh mập. Anh Võ Điện Biên giải thích, đó là quà của một chị cựu chiến binh cùng mẹ chị ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Chị còn biếu gia đình Đại tướng nguyên rổ trứng gà sạch. Món quà của nữ cựu binh chỉ là một trong rất nhiều những tặng phẩm giản dị mà các cựu chiến binh gửi đến để bày tỏ sự yêu quý với vị tổng tư lệnh một thời của họ.

Có rất nhiều ảnh chụp, tranh vẽ Đại tướng bày trong phòng khách. Ở góc này là tranh Bác Hồ cùng với Đại tướng, ảnh chụp Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, góc kia là chân dung Đại tướng ghép bằng 880 bức chân dung nhỏ khác của chính ông...

Đây là chân dung do một nữ phóng viên người Mỹ chụp Đại tướng năm 1994, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phòng khách này cũng là nơi Đại tướng đã tiếp rất nhiều lãnh đạo trong nước, các lãnh đạo, nguyên thủ, tướng lĩnh nước ngoài đến thăm ông, kể cả các cựu chiến binh cấp cao của Mỹ - những đối thủ cũ của ông trong chiến tranh và phải thừa nhận thất bại của họ trước người mà họ gọi là vị tướng huyền thoại.

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”

Anh Lê Văn Hải - cán bộ giúp việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã 26 năm nay - dẫn chúng tôi sang phòng làm việc cũ của Đại tướng. Anh Hải cho biết, đây là nơi Đại tướng vẫn họp giao ban hằng ngày cho đến trước khi ông nghỉ hưu đầu những năm 1990. Lại là một căn phòng đầy kỷ vật, với những bức trướng mừng thọ hay chúc mừng vị tướng của nhân dân nhân dịp chiến thắng Điện Biên hay các dịp kỷ niệm khác.

Anh Lê Văn Hải nói: “Tác phong làm việc của Đại tướng khiến chúng tôi lúc nào cũng phải nể. Trong dịp này năm ngoái, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo dạy và học lịch sử trong trường phổ thông, Đại tướng đã gửi thư đến hội thảo để nói về một vấn đề mà ông quan tâm từ lâu. Có một chi tiết nhỏ, tôi mang tới bệnh viện dự thảo bức thư, một bản in font chữ lớn cỡ 26 để Đại tướng đọc cho dễ, song lại đưa Đại tướng bản in font chữ 14 nhỏ hơn để ông ký. Nhưng Đại tướng không đồng ý, nhất định đòi đọc lại bằng được. Ông cẩn trọng từng chi tiết như thế”.

Sự lỗi lạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong quân sự đã được nói đến quá nhiều, nhưng tấm lòng của ông với người dân và của người dân với ông mới là những chuyện xúc động nhất - anh Lê Văn Hải kể. Những người dân từ các vùng cao, nhất là vùng chiến khu cũ ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên về thăm Đại tướng, mang theo cơm lam, con gà biếu ông, rồi những cựu binh, thanh niên xung phong đến thăm ông, nhiều cuộc gặp cả hai bên chỉ có thể nghẹn ngào rồi dành cho nhau những lời động viên. Đại tướng thường nói, Cao Bằng là quê hương thứ hai của tôi, thời gian khó nhất ông đã được người dân ở đây đùm bọc.

Sự trân trọng, chu đáo của Đại tướng còn thể hiện trong những chi tiết rất nhỏ, như tấm thiếp cảm ơn mà gia đình gửi tặng từng người khách đến với Đại tướng trong dịp này. Nó chỉ đơn giản với dòng chữ “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Cảm ơn các đồng chí chúc thọ nhân dịp tôi bước sang tuổi 103”, kèm dưới đó là ngày 25.8.2013 và chữ ký của Đại tướng. Sức khỏe của ông ổn định là điều mà mỗi người đều quan tâm.

Trở lại với phòng khách của gia đình Đại tướng. Ngoài bức tượng Trần Hưng Đạo là người mà Đại tướng rất ngưỡng mộ và có duyên lạ, còn cả bức tượng Nguyễn Trãi với dòng chữ nhỏ khắc dưới chân tượng: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Sau tất cả những trận chiến oai hùng - những chiến thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, thì có lẽ “việc nhân nghĩa” mới chính là điều cốt lõi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm niệm.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/tam-long-cua-nguoi-dan-voi-dai-tuong-vo-nguyen-giap/134678.bld