Tạm giữ toàn bộ 17 bức tranh để phục vụ công tác điều tra

Sau những ồn ào chung quanh triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu trở về” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung (có đến 15/17 bức tranh bị cho là tranh “rởm”) thì mới đây, Hội đồng thẩm định khẳng định: Chữ ký tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc) trên tranh, thuộc hai bức còn lại, là giả!...

Họa sĩ Thành Chương: Tranh do tôi vẽ!

Bức tranh gây tranh cãi.

Bức tranh mà họa sĩ Thành Chương khẳng định do mình vẽ là bức “Trừu tượng” được gắn tên của họa sĩ Tạ Tỵ (vẽ năm 1952) nằm trong bộ sưu tập “Những bức tranh từ châu Âu trở về” được triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Họa sĩ Thành Chương cho biết: “Tôi vẽ tác phẩm này vào khoảng năm 1970-1971, vẽ trên bao tải Liên Xô và được vẽ bằng dao vẽ với chất liệu sơn dầu; dao vẽ và sơn vẽ của Liên Xô, Trung Quốc và sơn nghiền bằng tay. Thật ra là tôi vẽ chân dung cô bạn gái của tôi thời đó tên Kim Anh… Khi vẽ tôi chịu sự ảnh hưởng về phong cách của Cézanne về màu sắc và Georges Braque về ngôn ngữ tạo hình lập thể.

Nếu nhìn kỹ trên bức tranh các bạn sẽ thấy đường nét khuôn mặt một cô gái và phía sau có hình ảnh giá vẽ và tấm toan. Cô Kim Anh hiện đang sinh sống tại TP.HCM. Tôi không còn nhớ rõ đã bán bức tranh đó cho ai, vào thời điểm nào. Có thể nó được bán cho một cửa hàng mỹ thuật của Xunhasaba tại Hà Nội. Tôi cũng không biết tại sao bức tranh lại có mặt ở cuộc triển lãm này nhưng tôi xin khẳng định một lần nữa bức tranh chân dung Kim Anh là của tôi vẽ, nó không phải là tranh trừu tượng mà là tranh lập thể, một phong cách mang đậm dấu ấn cá nhân của tôi…”!

Họa sĩ Thành Chương với vợ trước bức tranh gây tranh cãi (ảnh Tiểu Vũ).

Cũng theo họa sĩ Thành Chương, ông đã mời Ban Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và ông Nguyễn Trọng Chức (Trưởng ngành lý luận - phê bình Hội Mỹ thuật TP.HCM) đến lập biên bản sự việc. Sau đó ông đề nghị có một buổi gặp mặt giữa ông và nhà sưu tập Vũ Xuân Chung tại phòng tranh để đối chất, làm rõ vấn đề với sự chứng kiến của giới báo chí. Tuy nhiên, cuộc đối chất đã không thể diễn ra vì tới phút chót ông Vũ Xuân Chung vắng mặt do bận việc riêng (sau này ông Chung giải thích là nhà ông đang trong quá trình xây dựng, ông đang trên đường đi đến bảo tàng thì có sự việc nảy sinh phải quay về giải quyết).

Xuất hiện “tình tiết” mới

Chiều ngày 15/7/2016, ông Vũ Xuân Chung đã cung cấp cho chúng tôi thêm nhiều bằng chứng, trong đó có bộ hồ sơ của bức tranh “Trừu tượng” có con dấu của hãng đấu giá Christie’s đóng đè lên mép tranh, cũng như con dấu của ông Jean Francois Hubert và con dấu của Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM. Đặc biệt quan trọng là 2 bức ảnh liên quan đến bức “Trừu tượng”: Bức thứ nhất được lộng khung, chụp 4 người đàn ông là những cái tên quen thuộc trong giới hội họa Hà Nội vào những năm đầu thập niên 1970, đó là nhà sưu tập tranh Trần Quý Thịnh (Thịnh Râu), nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, họa sĩ Bùi Xuân Phái và họa sĩ Nguyễn Bá Đạm. Bốn vị này đang ngồi trước bức tranh “Trừu tượng” (mà họa sĩ Thành Chương khẳng định là do mình vẽ), góc trái của bức tranh ký tên Tạ Tỵ và con số 52 (tức sáng tác năm 1952) rất rõ. Bức ảnh thứ 2 chụp mặt sau của khung ảnh và trên bìa sau (là miếng carton) có 4 dòng chữ viết tay bằng bút bi, ghi thứ tự những người trong ảnh: 1. Trần Quý Thịnh; 2. Thái Bá Vân; 3. Bùi Xuân Phái; 4. Nguyễn Bá Đạm - HN - VN - 1972 (Hà Nội, Việt Nam năm 1972).

4 người chụp trước bức tranh vào năm 1972.

Mặt sau khung tranh.

Ông Vũ Xuân Chung cho biết, lúc ấy (1972), bức tranh này do nhà sưu tập Trần Quý Thịnh sở hữu. Ông Thịnh là một trong những người chơi máy ảnh, quay phim đầu tiên ở Hà Nội, nhà rất giàu. Sau này ông và bà vợ tên Thẩm Thị Đông Thư chuyên sưu tầm tranh và bán ra nước ngoài. Riêng bức “Trừu tượng” của Tạ Tỵ do con ông là Trần Anh Tuấn thừa hưởng và ông Tuấn đã bán lại bức tranh này cũng như tặng cả khung ảnh (chụp 4 người trước bức tranh) cho ông Hubert.

Ông Chung cho rằng: “Thời điểm chụp bức ảnh (1972) chỉ xê xích 1-2 năm so với họa sĩ Thành Chương vẽ bức này (nếu có). Do đó, chẳng nhẽ tranh mới vẽ mà đã có người “nhái”? Hơn nữa, lúc ấy họa sĩ Thành Chương còn rất trẻ (21-22 tuổi) không chắc có “tay nghề” để vẽ một bức tranh đẹp đến vậy? Tóm lại, tôi khẳng định bức tranh của tôi đang có là tranh thật 100%, họa sĩ Thành Chương chỉ là… ngộ nhận!”

Kết luận của Hội đồng thẩm định

Bộ hồ sơ bức tranh có dấu của Hãng Christie’s và giấy Chứng nhận của Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM.

Ngày 19/7/2016, theo đề xuất của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, một Hội đồng thẩm định tranh đã được thành lập, gồm các ông: Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam), nữ điêu khắc gia Phan Gia Hương (Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - Văn phòng tại TP.HCM), họa sĩ Huỳnh Văn Mười (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM). Về phía Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có ông Trịnh Xuân Yên và ông Hứa Thanh Bình. Ngoài ra, còn có đại diện của Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, các họa sĩ lão làng của Việt Nam (như họa sĩ Quách Phong, họa sĩ Nguyễn Quân, họa sĩ Nguyễn Trung Tín…) cùng sự hiện diện của một số phóng viên báo đài trong đó có đại diện của tờ The New York Times (Mỹ).

Hội đồng thẩm định đã đưa ra kết luận: Thứ nhất, 15 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện. Thứ hai, 2 bức tranh còn lại trong bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc). Riêng bức “Trừu tượng” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung là tranh của họa sĩ Thành Chương bị tẩy xóa tên tác giả và đề tên Tạ Tỵ vẽ năm 1952. Chữ Tạ Tỵ ký trên tranh là nét sơn mới, chưa bị thời gian làm nứt như các phần khác trên tranh. Thứ ba, tạm giữ tất cả 17 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra!

Theo NTD

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kiem-sat/tin-an-ninh-trat-su/201607/viet-tiep-bai-on-ao-trien-lam-tranh-that-gia-tam-giu-toan-bo-17-buc-tranh-de-phuc-vu-cong-tac-dieu-tra-2501753/