Tâm điểm của thị trường địa ốc ven đô

Là một “siêu” đô thị, đến thời điểm hiện nay, dân số cơ học tại TP HCM đã tăng lên mức 13 triệu dân. Theo quy luật cung - cầu, thực tế tiếp cận nhà ở tại TP HCM ngày càng khó khăn, thời gian gần đây, trên thị trường đã xuất hiện làn sóng tiến về vùng ven TP, nơi có hạ tầng kết nối thuận lợi với các vùng khác và giá lại “mềm” để thực hiện giấc mơ an cư.

Một góc dự án Khu đô thị Kinh tế mở Long Hưng.

Đô thị vệ tinh là tất yếu

Nhận định về xu hướng thị trường, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cho rằng, đây là xu hướng giãn dân mang tính tất yếu và cần thiết. Trong chiến lược phát triển của TP HCM là sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị, vượt ra ngoài ranh giới hành chính, mà trên thực tế các khu vực giáp ranh TP HCM như Dĩ An, Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương) hay TP Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai)... sẽ là mục tiêu trọng tâm của các khu đô thị vệ tinh trong xu thế giãn dân của TP HCM.

Những khu vực hiện được nhiều người có nhu cầu nhà ở nhắm đến nhiều nhất hiện nay là khu vực phía Đông và Đông Bắc TP HCM, bao gồm Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương và Biên Hòa của Đồng Nai với lợi thế lớn là có khá nhiều công trình hạ tầng kết nối.

Nhằm đáp ứng nhu cầu này, mới đây Bình Dương, Đồng Nai và Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM đã có buổi làm việc với các nhóm nghiên cứu Nhật Bản, đưa ra phương án kết nối tuyến Metro số 1 của TP HCM với Bình Dương và Đồng Nai.

Cụ thể, theo phương án được đề xuất, từ ga cuối Suối Tiên (Quận 9, TP HCM) sẽ xây đường tách khỏi Quốc lộ 1A kéo dài về phía Bắc khoảng 2km, giáp ranh Đồng Nai và Bình Dương, để xây dựng một ga nút giao. Từ ga nút giao này đến Dĩ An sẽ xây đường trục chạy dọc đường Mỹ Phước-Tân Vạn đến Dĩ An (phương án 1) hoặc đi qua khu trung tâm thị xã Dĩ An (phương án 2). Từ ga nút giao đi TP Biên Hòa cũng có hai phương án, hoặc kéo dài qua cù lao Hiệp Hòa đến trung tâm TP Biên Hòa, hoặc từ ga nút giao đến ngã ba Vũng Tàu.

Chính vì vậy, với những dự án “hoành tráng” trị giá cả chục tỷ đô la như Khu đô thị Kinh tế mở Long Hưng sẽ phát triển mạnh và đáp ứng đủ cho nhu cầu trên thị trường.

Hạ tầng kết nối tốt

Theo bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty BĐS Eximrs – đơn vị phân phối độc quyền dự án khu đô thị kinh tế mở Long Hưng (Biên Hòa, Đồng Nai), thông tin tuyến Metro số 1 kết nối với Biên Hòa, ngay lập tức đã có hiệu ứng mạnh với thị trường BĐS Biên Hòa. Trong những ngày qua đã có hàng trăm khách hàng đến dự án Long Hưng tìm hiểu và đăng ký mua bất động sản.

Cũng không có gì lạ với hiện tượng này vì sau thành công lớn từ giai đoạn 1, với hơn 400 nền đất được “bán đứt” trong vòng chưa đầy 90 ngày, đây là còn số khá ấn tượng trong thời điểm hiện nay. Với thành công này, đầu tháng 11/2016, chủ đầu tư sẽ chính thức khởi động giai đoạn 2 dự án.

Theo phê duyệt, tổng vốn đầu tư cho Khu Kinh tế mở Long Hưng khi hoàn chỉnh sẽ lên đến 10 tỷ USD, khu đô thị này sẽ được xây dựng gồm nhiều khu trung tâm đô thị, khu tổ hợp khách sạn, khu biệt thự cao cấp, trường đại học quốc tế, bệnh viện, khu vui chơi giải trí và tái định cư cho người dân địa phương.

Dự án này không chỉ kết nối với hệ thống Metro mà còn gắn chặt với các dự án trọng điểm của quốc gia như: cao tốc Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cảng biển Quốc tế Cái Mép - Thị Vải...

Cùng với sự phát triển của hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm, Đồng Nai đang được giới chuyên gia đánh giá đã hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi nhân hòa” để phát triển thị trường bất động sản. Trong đó, những dự án có lợi thế về quy hoạch bài bản, kết nối hạ tầng tốt sẽ là đầu tàu cho sự phát triển.

Mạnh Cường

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/bat-dong-san/tam-diem-cua-thi-truong-dia-oc-ven-do.html