Tâm an thiền định

Nghe theo lời rủ rê kèm ngữ điệu... hăm dọa của Áo vàng, vào những chiều rảnh rỗi, sau giờ làm việc, mình đi tập yoga.

Lớp tập chừng ba chục người, ai nấy đều nghiêm túc đến phát sợ.

Thầy giáo trẻ măng người Ấn Độ. Thầy vào lớp, nhất loạt mọi người đứng lên, nhìn thầy như hút hồn. Hễ thầy quay mông hay giơ tay một cái, cả lớp rào rào làm theo. À quên, không phải rào rào mà là khẽ khẽ khàng khàng...

Học yoga là phải thế, mọi sự phải rón rén, thón thén, nhẹ nhàng.

Mình thầm nghĩ, giá khi mình vào lớp, sinh viên cũng nhất loạt làm theo chỉ dẫn như thế có phải sướng không.

Đằng này, mình vừa ra bài tập, chưa kịp khai khẩu kêu em nào lên bảng. Tức thì một số nàng sẽ sàng cúi xuống mân mê gấu áo. Một số khác nhìn thẳng vào mình, nở nụ cười đẹp khó cưỡng. Số nữa thì ra chiều đăm chiêu mắt nhìn xa xăm mơ màng tựa như muốn gửi thầy thông điệp: Thầy ra bài tập “cao siêu” thế thì “ma” nào làm nổi. Gọi ai thì gọi nhớ trừ em ra nghe chửa...

Đấy mình đã nói mà, dạy học không hề đơn giản như dạy yoga.

Thầy dạy yoga không cần hò hét là làm theo đi, tập tành đi, thậm chí có một số tình huống thầy phải giao hẹn trước: Nhìn tôi làm mẫu đã, đừng vội vàng làm theo mà gãy giò đấy. Vậy mà có nhiều người hoặc do không hiểu lời thầy nói, hoặc do quá nôn nóng thực hành nên vẫn cứ uốn éo như diễn viên xiếc nghiệp dư.

Lớp tập yoga được chìm đắm trong một không khí vô cùng nghiêm túc.

Chỉ nghe thấy tiếng thở và hít cùng những lời hô rất nhịp nhàng của thầy.
Có bác dễ chừng ngoại lục thập nhưng tập giỏi vãi linh hồn. Ngày nào cũng thấy bác đứng đúng một vị trí, thở hít nhiệt tình, mông đùi quay nhoay nhoáy. Cả lớp nghe thấy tiếng thở của bác ấy rõ nhất, như kéo bễ lò rèn.

Một số cô gái trẻ chắc tập lâu ngày, thân hình dẻo dai không khác gì vũ công. Tay vắt đằng trước chân ngược đằng sau, uyển chuyển, dẻo dai đến khiếp.

Một số bác gái chạc tuổi mình cũng “hoành tráng” không kém. Bụng “di lặc” phập phòm, đong đưa, trồng cây chuối mà cứ tưởng nhũ tiếp đất trước cả đầu. Ấy thế nhưng mặt cứ tỉnh quẻo quèo queo...

Nói chung là mình phục sát đất.

Mình thì hí hóp đưa tay đưa chân sao cho giống kiểu tập thể dục buổi sáng cũng là cố gắng lắm rồi. Vừa tập vừa nhủ lòng, đừng “cố quá” khéo mà thành ra “quá cố”.

Thi thoảng, có động tác khó quá, mình lăn quay ngã đánh huỵch xuống sàn nhà. Trong không khí yên tĩnh, cú rơi của mình tạo ra âm thanh mạnh đến nỗi khiến các cô gái trẻ cứ quay lại nhìn rồi rúc rích cười như thỏ. Áo vàng thì lườm lườm nguýt nguýt. Ơ hay, là mình ngã thật chứ có phải cố tình tạo xì căng đan đâu.

Thú thật là mình có vấn đề về tri giác không gian. Hồi mới đi học Đầu đinh cũng giống bố, nó luôn viết nhầm chữ cái p với b, h với y, dấu huyền với dấu sắc... Thành thử hễ cả lớp quay phải thì mình lại quay trái. Thi thoảng lại thấy tiếng nhắc của Áo vàng nhẹ như gió thoảng: Quay sang đây cơ mà, ông Khốt. Mình lật bật định quay sang thì thấy cả lớp đã đổi tư thế. Thế là lại một mình mình một hướng. Aizza, mệt thật.

Mình chưa quen động tác nên thành ra cứ vừa tập vừa phải nhìn chăm chăm vào thầy. Mà thầy thì lại ở xa, thầy lại còn rất đen nữa nhìn khó lắm. Nên mình đành phải chăm chăm nhìn vào mấy cháu gái trăng trắng ở ngay đằng trước để dễ làm theo hơn. Khốn nỗi có những động tác đòi hỏi các tư thế “tế nhị” ghê lắm mà mình cứ nhìn thau tháu vào các vị trí nhạy cảm của người ta kể cũng khó coi. Những lúc ấy lại còn phải liếc sang thăm dò Áo vàng để tránh cái ý nghĩ “đen tối”: Ông Khốt ơi! Ông đi tập yoga hay đi tắm biển thế hả. Thật là khổ quá đi mà.

Mỗi lúc cả lớp tắt điện để nằm thiền thì thôi rồi là tĩnh lặng. Thi thoảng mình vờ như ngủ và ngáy o o. Ban đầu ngáy nho nhỏ sau tăng dần lên. Tiếng ngáy của mình như một chất gây cười. Ban đầu các bà các cô còn rúc rích, sau cười ré lên. Mất toi công sức thầy giáo Ấn Độ khi cố tạo ra không khí trang nghiêm mà lại gặp phải một học sinh già “cá biệt” như mình.

Có hôm mình thấy một cô bạn tập cạnh mình cứ nhìn sang Áo vàng cười khùng khục. Lúc về mình hỏi: Hai người nói xấu gì tôi phỏng. Áo vàng bảo, không, cô ấy nói người ta tập yoga thì nhẹ nhàng thẽ thàng còn anh thì tập không khác gì đấu vật, cứ huỳnh huỵch huỳnh huỵch ngay bên cạnh, cô ấy buồn cười quá không tập được.

Biết thế nên buổi sau, hễ thấy bóng cô “thẽ thàng” ấy ở đâu là mình lẩn ra thật xa, để cô ấy có thể chuyên tâm vào bài tập. Mình thì lúc nào cũng “dễ thương” như vậy đấy, các bạn thấy thế nào? Aizzaaa.

Lớp tập yoga ở ngay cạnh phòng tập gym. Đi ngang qua mới thấy mọi người hăng hái trong tập luyện đến mức độ nào.

Ai nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhượi, nhảy nhót liên hồi trên một tấm bục hoặc nâng tạ, hoặc hít đất trong tiếng gào thét lạc giọng của huấn luyện viên và tiếng nhạc chát chúa. Có buổi tập họ còn mở nhạc kiểu: Thế nên bây giờ điều quan tâm nhất là /Anh kia cặp với chị này /Anh kia lừa dối chị này /Anh kia đập đánh chị này /Thông tin miệng đói cồn cào /Ba hoa lời ra lời vào /Một ngày mới nhốn nháo, nhốn nháo, nhốn nháo áo áo áo...”. Nghe vui đáo để!

Tập thế này thì không những sức khỏe nâng cao mà cả độ chịu đựng âm thanh cũng cao chót vót.

Nói chung đi tập yoga cũng thấy có chút yêu đời hơn. Vì quan trọng nhất đó là khoảng thời gian ở bên Áo vàng mà không bị nghe cằn nhằn (nhạc to thế, cằn nhằn ai nghe được).

Đã thế lại còn có khoản ẩm thực sau khi tập nữa chứ. Thi thoảng mình rủ Áo vàng lên tầng trên ăn uống cho đổi gió. Nói chung tập một tiếng hoặc ba mươi phút mà ăn nửa bát miến thì chừng... ba tiếng. Vất vả lắm.

Tập yoga cũng giúp mình sống chậm lại, yêu bản thân mình hơn. Và đôi khi được mơ màng nghĩ đến lúc có thể nhẹ gánh trần ai mà vui hưởng tuổi già. Nên mới có “răng thờ”:

Mình sẽ đi cùng nhau
Trên đường dài phía trước
Trái tim hình giọt nước
Mang theo muôn nụ cười

Em như đóa xuân ngời
Anh là nhành cỏ úa
Mình về nơi sóng lúa
Trong trập trùng yêu thương

Anh vẫn cứ tơ vương
Em thì hoài thơ bé
Cho cuộc đời nắng hé
Dẫu miên man muộn phiền

Mình tập sống an nhiên
Tập quên điều bất trắc
Cầm tay em anh nhắc
“Cười lên nào, bình minh!”.

Đấy, đi tập yoga có khác, thơ thẩn tự nhiên thấy vui tươi hẳn.

Đỗ Xuân Thảo

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/gia-dinh/tam-su/tam-an-thien-dinh-d103979.html