Tái tạo sức mạnh công ty tài chính

Bán cổ phần công ty tài chính (CTTC) cho đối tác chiến lược nước ngoài là xu hướng các NH hướng tới, sau khi mua lại và tái cơ cấu các CTTC yếu kém để gia tăng cơ hội chiếm lĩnh thị phần trên thị trường cho vay tiêu dùng.

Mua về và bán lại

Nhìn vào thị trường có thể thấy, các CTTC sau khi được NHTM mua lại và sở hữu 100% vốn cho đến nay vẫn chưa có sự đột phá nào trên thị trường tài chính tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, thành công của HDBank khi bán cổ phần của CTTC tiêu dùng cho nước ngoài cũng được xem là một phần động lực cho các NH hướng đến việc liên doanh hợp tác.

Hồi tháng 3, MB chính thức sáp nhập CTTC Cổ phần Sông Đà (SDFC) và đã được NHNN cấp phép thành lập công ty con CTTC TNHH MTV MB (MFinance) với mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Sự kiện này đánh dấu mốc MB chính thức bước vào thị trường tài chính tiêu dùng. Trước thương vụ này, đã có 5 thương vụ mua lại CTTC được tiến hành, bởi cuối năm 2014 NHNN ra dự thảo yêu cầu NHTM có nhu cầu cấp tín dụng tiêu dùng cho những đối tượng khách hàng phi chuẩn phải thành lập CTTC để tách biệt và hạn chế rủi ro. Sau khi triển khai tái cơ cấu thành công CTTC Cổ phần Sông Đà, MCredit là CTTC tiêu dùng do MB sở hữu 100% vốn. Theo thỏa thuận, MB sẽ chuyển nhượng 49% vốn góp tại MCredit cho Shinsei Bank và kỳ vọng sẽ hoàn thành mô hình liên doanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng trong năm 2017 với tên gọi Công ty TNHH Tài chính tiêu dùng MB Shinsei.

Thực ra CTTC cho vay tín chấp các khoản vay nhỏ, với lãi suất rất cao, không bị ràng buộc bởi nhiều quy chuẩn... Đó là lý do nhiều NH mua lại CTTC để nối dài cánh tay đến thị trường bán lẻ và tài chính vi mô. Tuy nhiên, do không được huy động từ dân cư, khó vay liên NH vì thiếu tài sản đảm bảo, hoạt động phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi cũng khó khăn nên hoạt động của các CTTC chủ yếu trông chờ vào nguồn vốn tự có. Trên thị trường tài chính tiêu dùng, ai có vốn mạnh sẽ dễ chiếm được thị phần lớn, nhưng hiện nay các quy định mới đều siết lại vấn đề NH mẹ tìm cách đẩy vốn cho công ty con, nên CTTC phải tìm các nguồn có chi phí cao. Đó cũng chính là lý do khiến xu hướng tìm đối tác nước ngoài để chuyển nhượng vốn tại CTTC xuất hiện ngay sau khi các NH tham gia mua CTTC.

Còn nhớ khi thành lập MFinance, MB đã cho biết đang tìm kiếm đối tác chiến lược nhằm tạo điều kiện gia tăng sự hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm, công nghệ… của các tổ chức có kinh nghiệm trong hoạt động tín dụng tiêu dùng. Hay sau khi mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam của Tập đoàn Than - Khoáng sản, VPBank cho biết đã chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng sang CTTC mới với tên gọi VPBFC. Cuối năm 2015, NH này cũng đã có công bố văn bản lấy ý kiến cổ đông về việc chào bán 49% cổ phần chiến lược cho nhà đầu tư nước ngoài và tìm kiếm thêm một nhà đầu tư là doanh nghiệp trong nước góp vốn tối thiểu 1% tại VPBFC (theo quy định về loại hình hoạt động liên doanh). Mới đây, với sự kiện SHB được NHNN chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập CTTC Vinaconex Vietel (VVF) vào SHB và thành lập SHB Finance với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB, cho biết một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề được hợp tác với SHB để thúc đẩy hoạt động của CTTC tiêu dùng.

HDSaison là mô hình thành công CTTC liên kết với đối tác nước ngoài.

Đôi bên có lợi

Theo thống kê của Stoxplus, quy mô cho vay tiêu dùng năm 2015 đạt 15,1 tỷ USD, bằng 10,2% tổng mức tiêu dùng và 7,9% GDP, tăng 44% so với năm 2014. Đại diện một số hiệp hội DN nước ngoài cho biết gần đây lượng nhà đầu tư tìm hiểu về lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo Thông tư 30/2015 của NHNN quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của TCTD phi NH, NH nước ngoài muốn thành lập CTTC, công ty cho thuê tài chính phải đáp ứng một số điều kiện, như có tổng tài sản trên 10 tỷ USD vào cuối năm liền kề trước năm nộp hồ sơ xin cấp giấy phép, thời hạn hoạt động của CTTC/công ty cho thuê tài chính tối đa không quá 50 năm.

Do đó, việc liên doanh với một CTTC tại Việt Nam sẽ giúp dễ dàng thâm nhập thị trường hơn. Bên cạnh đó còn có thể tận dụng ngay mạng lưới cùng sự am hiểu thị trường để phát triển kinh doanh, thay vì phải mất đến vài năm để tìm hiểu và thiết lập mạng lưới. Ngược lại, sự có mặt của cổ đông ngoại không chỉ bổ sung vốn mà còn hỗ trợ về trình độ chuyên môn, công nghệ. Do đó, nhiều NH vẫn đang kỳ vọng tìm được đối tác để hỗ trợ mọi mặt từ tài chính đến công nghệ cho CTTC nhằm hiện thực hóa mục tiêu hướng tới vị trí hàng đầu trong lĩnh vực tài chính bán lẻ trong nước. Rõ ràng đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Trở lại với trường hợp MB, giới phân tích nhận định, mục tiêu của NH này là mở rộng mảng tài chính tiêu dùng, mảng kinh doanh đang phát triển nhanh nhất, thu hút nhiều sự quan tâm và cạnh tranh trong ngành NH tại Việt Nam. Trong khi đó, ngành tài chính tiêu dùng của Nhật Bản rất phát triển và liên doanh mới sẽ được tiếp cận đáng kể với nền tảng chuyên môn về quy trình và sản phẩm. Riêng Shinsei Bank hiện là NH đang đứng thứ 3 về cho vay tiêu dùng tại Nhật Bản. Kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng hơn 50 năm sẽ hỗ trợ đáng kể cho mảng cho vay tiêu dùng của MB. Do vậy, sự hợp tác này sẽ tạo ra lợi thế để giành thị phần trước các đối thủ khác.

Theo ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch HĐQT MB, Shinsei có công ty chuyên thiết kế phần mềm cho các NH lớn tại Nhật Bản và với việc đầu tư vào MCredit, hệ thống công nghệ này cũng sẽ được chuyển giao cho MCredit để tăng sức cạnh tranh. Công nghệ hiện đại, kèm theo năng lực vốn và kinh nghiệm của 2 NH sẽ phục vụ cho việc tạo ra sản phẩm khác biệt, để tiến tới hoàn thiện mô hình tập đoàn tài chính đa năng.

ĐỖ LINH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161126/tai-tao-suc-manh-cong-ty-tai-chinh.aspx