Tại sao vé tàu khan hiếm nhưng 'cò vé' vẫn bao sân?

Những ngày cao điểm vé tàu Tết được nhân viên ga Sài Gòn khẳng định vé khan hiếm, nhưng cò vé tại ga vẫn 'bao sân' với tiền công 300.000 đồng/1vé.

Cò vé T. chào mời, giới thiệu vé tàu đi ngày nào cũng có.

Cò vé T. chào mời, giới thiệu vé tàu đi ngày nào cũng có.

300.000 đồng tiền hoa hồng có vé ngay

Trước tình trạng vé tàu Tết khan hiếm, PV Tạp chí GTVT đã vào vai một hành khách đến ga Sài Gòn mua vé. Vừa chạy xe tới cổng ga, hàng chục đối tượng cò đã chèo kéo chào mời, một phụ nữ ngoài 40 tuổi tiếp cận đon đả “vé đi đâu, giá vé có sẵn bao tiền công 1 vé 300.000 đồng”. Khi PV chê giá hơi chát, người phụ nữ này giải thích, giảm 50.000 đồng có vé khác tên. PV đặt câu hỏi, vé khác tên lên tàu được không? người phụ nữ khẳng định “tao bao sân cho mày đi luôn, mày mua vé đến ngày đi lên đây alo tao dẫn mày lên tàu, đúng toa, đúng ghế. Nếu muốn chắc chắn mày lấy vé đúng tên, đúng người”.

Để tìm hiểu thêm về tình trạng “cò vé” chúng tôi lên quầy vé trong ga hỏi mua chuyến Sài Gòn - Thanh Hóa đi ngày 23 tháng chạp. Sau khi nhập thông tin kiểm tra, nhân viên thông báo ngày 23,24,25 tháng chạp ghế cứng, ghế mềm các tàu đã kín chỗ, chỉ còn ghế phụ, nếu lùi xuống vài ngày mới có vé.

Khi PV vừa bước xuống sảnh dưới nhà ga, một nam thanh niên tên T. tiếp cận chào mời “mua vé tàu Tết không anh”. PV hỏi vé ngày 23 tháng chạp Sài Gòn - Thanh Hóa còn không? T. tiếp lời, ngày 23 tháng chạp có vé, "tiền công" 300.000 đồng/1vé, nếu mua 5 hoặc 6 vé tôi giảm xuống còn 250.000 đồng/1 vé. Anh mua ở đây, tôi đưa mã vé anh lên quầy đưa CMND đúng tên rồi trả tiền cho nhà ga, xong tôi mới nhận tiền công.

PV thắc mắc, “tôi mới lên quầy vé nhân viên khẳng định không còn vé về Thanh Hóa ngày 23,24,25 tháng chạp sao anh có vé được? T. tự tin nói, “nếu anh lên quầy mà mua được vé ngày 23 tháng chạp Sài Gon đi Thanh Hóa tôi trả thêm tiền”. Nếu anh muốn mua vé nhân viên cũng có, "tiền công" chỉ 200.000 đồng/1vé rẻ hơn vì tôi không phải chi tiền hoa hồng, bởi nhân viên bán được vé là có tiền rồi. Tôi bao giá cho anh cả khu vực ga Sài Gòn không có ai giá vé rẻ hơn tôi”.

Sau khi đặt chỗ thành công "cò vé " đưa mã cho hành khách đến quầy nhân viên in thẻ lên tàu.

“Từ ngày triển khai bán vé Tết chúng tôi đã có một đội túc trực trên mạng đặt giữ chỗ trên hệ thống. Do đó, tụi này đặt chỗ hàng loạt và lúc gần đến thời gian thanh toán (hết 72 giờ) sẽ bỏ chỗ rồi tiếp tục đặt lại với thông tin cá nhân của người mua khác. Nếu chưa có người mua sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại thao tác trên để giữ chỗ khi nào có khách đến mua sẽ nhập thông tin và xuất vé”, cò vé T. tiết lộ.

Để tìm hiểu và chứng minh những gì “cò vé T.” nói, chúng tôi đã quyết định chi tiền mua một vé Sài Gòn - Thanh Hóa đi ngày 23 tháng chạp. T. yêu cầu đưa CMND gốc để nhập thông tin lấy vé, T. cầm CMND đưa cho một người đàn ông lớn tuổi ngồi kế bên (Theo T. đây là một tay cò lão làng tại ga Sài Gòn) người này bốc máy điện thoại đặt chỗ (chưa tới 5 phút) đã có mã vé được viết ra một mảnh giấy nhỏ, nói chúng tôi vào quầy vé tại tầng trệt ga Sài Gòn in vé.

T. dặn “Anh cứ vào trong bảo nhân viên, vé bị thất lạc yêu cầu in lại thẻ lên tàu, chúng tôi đã thanh toán tiền qua thẻ, anh không phải đóng bất cứ khoản tiền nào”. Anh có thể vào in vé hoặc tôi vào lấy cũng được. Để kiểm chứng những điều T. quảng cáo, chúng tôi ngỏ ý muốn trực tiếp vào trong lấy vé, T. dẫn tới trước sảnh ga rồi hướng vào quầy. Khi PV đưa CMND và mã vé ghi trên tờ giấy nhỏ yêu cầu nhân viên ga in lại vé, không một chút do dự nhân viên nhập mã vé rồi in lại thẻ lên tàu cho hành khách.

Vé tàu PV mua từ "cò vé" được xuất ra chưa đầy 5 phút.

Cầm được vé trên tay, chúng tôi ra gặp T. trả 1.316.000 đồng tiền vé và 300.000 "tiền công" như đã thống nhất. Nhận xong tiền của khách, T. không quên quảng cáo “Tụi tôi làm ở đây cả chục năm, khách muốn lấy vé ngày nào cũng có. Nếu bạn bè, người thân có nhu cầu anh alo báo trước tôi nhập thông tin ra đây sẽ có vé ngay”.

Vé sai thông tin sẽ không được lên tàu

Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn khẳng định: “Tình trạng “cò vé” hoạt động tại ga hiện nay vẫn tồn tại nhưng đã giảm đáng kể so với các năm trước đây bởi lượng hành khách đến ga mua vé thông qua cò ít dần”.

Theo ông Văn chiêu thức hoạt động của “cò vé” hiện nay là lên mạng đặt vé, giữ chỗ. Khi hết ngày đặt chỗ vé được thả ra và cò vé biết thông tin mã chỗ họ tiếp tục đặt lại nếu hành khách có nhu cầu mua vé các đối tượng cò sẽ yêu cầu cung cấp CMND để nhập tên đăng ký mua vé. Từ ngày 1/10 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức bán vé trên mạng công khai toàn bộ nên ai cũng có thể vào đặt chỗ mua vé vì vậy Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cũng không thể giữ được vé. Để hạn chế việc chống động cơ vé của cò chúng tôi đã làm việc với FPT (đơn vị cung cấp hệ thống bán vé điện tử) triển khai việc nhả vé ngẫu nhiên để các đối tượng cò khó vào đặt lại vé. Khi có người trả vé hay hết hạn thanh toán, vé sẽ không đưa lên hệ thống ngay mà một thời gian bất kỳ sau đó mới đưa lên hệ thống bán vé. “Khi vé được đưa lại lên hệ thống, không chỉ riêng “cò” mà ai cũng có thể đặt mua vé này. Có thể “cò” đặt lại được vé nhưng xác suất không cao”.

Ngoài ra các đối tượng còn dùng chiêu thức cạo sửa vé sai thông tin để bán vé cho hành khách. Vì vậy từ ngày 17 - 25/1/2017 (tức ngày 20 – 28 tháng chạp) chúng tôi sẽ tổ chức kiểm soát thẻ lên tàu, giấy tờ tùy thân tại cửa ra tàu đối với tàu số chẵn (Sài Gòn đi Hà Nội). Nếu phát hiện vé cạo sửa, sai thông tin hành khách sẽ không được lên tàu, ông Văn cho biết thêm.

Trước khi triển khai bán vé tàu Tết chúng tôi đã hướng dẫn, chỉ đạo nhân viên tuyệt đối không tiếp tay cho “cò vé”, nếu phát hiện chúng tôi sẽ có hình thức xử phạt nghiêm khắc, người đứng đầu Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cương quyết.

Vé tàu PV mua từ cò vé kiểm tra hoàn toàn hợp lệ.

FPT (đơn vị cung cấp hệ thống bán vé điện tử) thông tin về lịch sử giữ vé của mã vé 40618193 mà PV mua từ “cò vé”:

Đúng 13h56 phút ngày 27/10, vé được xin (đưa) lên tại màn hình bán vé của thư ký cửa vé SGO15 nhưng khách không mua vé nên thư ký trừ vé. Thời điểm 11h54 phút ngày 28/10, vé được xin lên tại màn hình bán vé của cửa vé DL8, sau đó cũng trừ vé. 13h48 phút ngày 28/10 vé được giữ 2 ngày bởi mã được một hành khách tên Lan đặt chỗ trả sau RAIS3Z

13h48 phút ngày 30/10, vé được nhả lock và được một khách khác chọn vào giỏ vé, tuy nhiên sau đó khách lại ko lấy vé. 14h11 phút ngày 30/10, vé được xin lên tại màn hình bán vé của thư ký cửa vé SGO15, nhưng khách không mua vé nên thư ký trừ vé. Đúng vào 14h59 phút ngày 30/10, vé được bán tại cửa vé SGO33 (thời điểm phóng viên liên hệ có mã mua vé tàu thành công).

Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn khuyến cáo, người dân đi tàu nếu không mua được vé từ nhà ga hoặc các đại lý thì cũng không nên mua vé từ cò mồi, chợ đen vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, có khi mất tiền mà không được lên tàu.

Văn Quyết

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/tai-sao-ve-tau-khan-hiem-nhung-co-ve-van-bao-san-d34158.html