Tại sao ông Trump từ chối nhận báo cáo tình báo hàng ngày?

Từ khi giành chiến thắng đến nay, Tổng thống đắc cử Donald Trump mới chỉ nhận báo cáo tình báo hai lần. Điều gì ẩn sau sự “thờ ơ” của ông Trump đối với công việc của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ như vậy? Ông Trump thực sự coi họ là vô dụng hay ông đang quá bận rộn với các công việc chuyển giao khác?

Theo Sputnik, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho đến nay đã từ chối nhận bất kỳ thông báo tóm tắt tình hình tình báo của Mỹ nào dù sau khi trúng cử, ông có quyền tiếp cận với một trong những tài liệu tối mật nhất của Mỹ, còn gọi là Bản tóm tắt hàng ngày của Tổng thống (PDB).

PDB là bản tóm tắt tổng hợp các thông tin phát hiện trong ngày của toàn bộ 16 cơ quan tình báo Mỹ, bao gồm các thông tin thuộc hàng tuyệt mật liên quan đến các vụ tấn công bằng máy bay không người lái, liên lạc của các lãnh đạo nước ngoài, và thậm chí còn có thể có các hoạt động ám sát hay hành động lén lút như thường thấy trong các bộ phim điệp viên.

Tài liệu này được chuyển đến Tổng thống, một số ít quan chức chính phủ hàng đầu và Tổng thống đắc cử, vì vậy nhà lãnh đạo mới có thể nhanh chóng nắm bắt tình hình mới nhất của đất nước dễ dàng hơn. Mặt khác, các ứng viên Tổng thống thì không được phép tiếp cận với bản thông tin đầy đủ.

Từ khi đắc cử, ông Trump mới chỉ nhận các tin tức tình báo hàng ngày có hai lần.

Tuy nhiên, ông Trump, người thường xuyên chỉ trích hệ thống tình báo Mỹ, thẳng thắn thách thức các quan điểm của lực lượng này về Nga, Syria và một số vấn đề khác, mới chỉ nhận 2 bản báo cáo như vậy từ khi ông đắc cử. Truyền thông Mỹ cho biết các quan chức tình báo dường như rất bối rối trước phản ứng và hành động của Tổng thống đắc cử.

“Tổng thống đắc cử đang bỏ qua cơ hội vàng để tìm hiểu và nắm bắt các mối đe dọa an ninh quốc gia cũng như những thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt”, Michael Morell, cựu Phó giám đốc CIA, người ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong suốt chiến dịch.

Ông Morell nói thêm: “Ba Tổng thống đắc cử trước đó đã sử dụng các bản báo cáo tình báo trong quá trình chuyển giao để nghiên cứu các vấn đề an ninh quốc gia mà họ sẽ phải đối mặt và tìm hiểu các lãnh đạo thế giới mà họ sẽ phải liên hệ và có tác động nhất định khi họ trở thành Tổng thống”.

Tuy nhiên, cả hai tờ báo lớn là Independent và Washington Post đều nhấn mạnh rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận bởi có thể ông Trump chỉ đang quá bận rộn với các công việc chuyển giao quyền lực của mình. “An ninh quốc gia đối với ông Trump là ưu tiên số một và tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ thực hiện điều đó một cách rất nghiêm túc”, Devin Nunes, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện và là thành viên cấp cao trong nhóm chuyển giao của ông Trump, cho biết.

“Hãy xem ông ấy đã gặp rất nhiều lãnh đạo, đã thực hiện rất nhiều cuộc điện đàm, những vị trí mà ông đang xem xét bổ nhiệm. Ai cũng chỉ có từng đấy thời gian mà thôi và mọi người cũng cần phải sống nữa”, ông nói thêm.

Những chuyên gia khác thì cho rằng không có gì bất thường trong cách hành xử của ông Trump nếu so sánh với các Tổng thống Mỹ khác trên diện rộng. Mặc dù có một vài Tổng thống đắc cử gần đây hứng thú với các bản báo cáo tình báo trong quá trình chuyển giao thì cũng có những người khác trước đó không dành quá nhiều chú ý.

“Việc làm của ông Trump không quá giống với các Tổng thống đắc cử gần đây nhưng đó cũng không phải là hành động chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ”, David Priess, cựu quan chức CIA và người lập PDB dưới thời chính quyền George W. Bush.

Tổng thống Richard Nixon là Tổng thống Mỹ đầu tiên được nhận PDB và có thể là nhà lãnh đạo “gây thù chuốc oán” nhiều nhất với cộng đồng tình báo. Theo ông Priess, ông Nixon đã từ chối gặp gỡ những người thực hiện báo cáo PDB của CIA trong thời gian chuyển giao quyền lực và các quan chức tình báo đã gửi bản báo cáo thông qua thư ký của Tổng thống.

Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ gần đây đã trở thành mối lo ngại quốc gia khi liên tiếp gặp phải nhiều vụ bê bối tiết lộ thông tin mật. Nhiều nhân viên tình báo cho biết họ cảm thấy bất an về tương lai dưới chính quyền của ông Trump. Có những thông tin cho rằng các quan chức tình báo thân thiết với cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ từ chức. Trong khi đó, vẫn có người tin rằng hệ thống tình báo Mỹ vẫn có thể chống chọi được cả những “rung chấn” mạnh hơn.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tai-sao-ong-trump-tu-choi-nhan-bao-cao-tinh-bao-hang-ngay-post214596.info