Tại sao Nhật Bản không có Donald Trump?

Không giống như Mỹ (ông Trump) hoặc Vương quốc Anh (tiến trình Brexit), Nhật Bản vắng mặt sự hiện diện của phong trào dân túy mạnh mẽ.

Chủ nghĩa dân túy đang phát triển mạnh ở các nền kinh tế tiên tiến, nhưng không phải ở Nhật Bản. Ở đây, đảng liên minh cầm quyền đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè này. Trong khi các tiếng nói dân túy như ông Trump hay phe ủng hộ Brexit tại các quốc gia khác đang gia tăng thì tại sao một sự hài hòa vẫn hiện hữu rõ ràng ở Nhật Bản?

Thành công của Trump trong cuộc đua tới ghế Tổng thống Mỹ cho tới nay đã là "một hiện tượng" của chính trường thế giới. (Nguồn: IB Times)

Hội nhập hài hòa

Một lý do là vấn đề nhập cư ở Nhật Bản không gây ra nhiều quan ngại đối với những tiếng nói dân túy- một chủ đề lớn đang dấy lên nhiều bất ổn đối tại các quốc gia khác. Tại châu Âu, Anh và Hoa Kỳ, người lao động địa phương lo ngại người nhập cư nước ngoài sẽ giành mất công ăn việc làm của họ, sợ rằng người nhập cư sẽ chỉ làm giàu cho giới thượng lưu hay “sinh ra” các chính trị gia cơ hội, gia tăng sự chia rẽ, tội phạm nhập cư, mở rộng chủ nghĩa khủng bố hay làm mất bản sắc văn hóa quốc gia.

Tại Nhật Bản, chưa tới 2% dân số là người nước ngoài. Trong số những người nhập cư tới đây, 90% là người châu Á, 2/3 trong đó đến từ các nền văn hóa chữ Hán như Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông – dễ dàng và nhanh chóng hơn trong việc học tiếng Nhật (cũng sử dụng chữ Hán). Cùng là người châu Á và có tiến trình hòa nhập nhanh chóng do đó không có nhiều tiếng nói phàn nàn về vấn đề nhập cư tại Nhật.

Thông thường sự phân cực xã hội thường gắn với sự bất bình đẳng thu nhập. Nhật Bản có tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao, xếp thứ 7 trong số 35 quốc gia OECD. Tuy nhiên, tỷ lệ tội phạm và giết người vô cùng thấp trong khi tỉ lệ thất nghiệp chung – 3% là con số thấp nhất trong các nước OECD.

Kinh tế Nhật Bản có thể còn tốt hơn so với nhiều suy đoán hiện nay. Trong cuốn sách của mình, David Pilling, cựu biên tập viên mục châu Á của tờ Financial Times dẫn lời một chính khách từ miền Bắc nước Anh tới thăm Nhật Bản. Khi nhìn thấy những cột đèn sáng và hoạt động nhộn nhịp của Tokyo, người này nhận xét rằng, "Nếu đây là một cuộc suy thoái, tôi muốn được như vậy." Dựa trên tất cả các chỉ số, cuộc sống ở Nhật Bản có thể được coi là tốt hơn so với nhiều quốc gia khác.

Sức nặng của chính phủ

Một lý do nữa để Nhật Bản thiếu vắng phong trào dân túy như ở Anh (Brexit) hay ở Hoa Kỳ (Trump) là chính phủ có rất nhiều ảnh hưởng đến dư luận và có thể ngăn chặn sự phát triển của các tiếng nói dân túy, phản đối chính phủ thông qua các câu lạc bộ kisha (báo chí).

Các câu lạc bộ Kisha kiểm soát sự tiếp cận của giới báo chí tới các chính trị gia. Để trở thành một thành viên câu lạc bộ, các công ty truyền thông phải đăng tải tin tức theo định hướng của chính phủ. Ảnh hưởng của chính phủ đối với công luận được thừa hưởng từ thị phần lớn của báo chí chính thống Nhật Bản.

Ông Noble cũng nhấn mạnh hệ thống bầu cử của Nhật Bản, phân chia nhiều chính đảng đối lập sẽ giúp ngăn ngừa sự thách thức mạnh mẽ đối với chính đảng cầm quyền đương nhiệm.

Hệ thống bầu cử của Nhật Bản, cải cách vào năm 1994, kết hợp cả hai hình thức bỏ phiếu là người thắng có tất với đại diện tỷ lệ. Đại diện tỷ lệ cho phép các đảng nhỏ giành được ghế cho mình – điều khác biệt với Vương quốc Anh và Mỹ - người thắng có tất đã tạo ra hệ thống chính trị lưỡng đảng.

Tuy nhiên, theo hệ thống bầu cử hỗn hợp của Nhật Bản, có nhiều đảng chính trị tham gia cạnh tranh với nhau như Đảng Dân chủ Tự do đương nhiệm (LDP), Đảng Dân chủ đối lập (DP) (), Đảng Công minh mới Komeito và Đảng Cộng sản.

Đảng bảo thủ LDP hiện nay đang mở rộng thành phần đảng, bao gồm đối tác liên minh Komeito, bao gồm cả những người nhập cư gần đây, phụ nữ, các cử tri nông thôn nghèo, và các phe phái tôn giáo vốn thường bỏ phiếu cho phe đối lập.

So với các nước dân chủ tiên tiến khác, ông Noble tin rằng Nhật Bản có thể là một xã hội ổn định hơn. "Một Donald Trump không thể thách thức đảng Cộng hòa như ông ấy đã làm tại Hoa Kỳ. Bạn không thể làm điều đó ở đây", ông nói.

(Theo The Diplomat)

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/tai-sao-nhat-ban-khong-co-donald-trump-213612.html