Tại sao hỏi đường ở Hà Nội dễ bị chỉ sai?

Có không ít người phàn nàn mỗi lần đến Hà Nội còn lạ lẫm với những con đường, góc phố nên phải hỏi đường. Nhưng thay vì nhận được sự trợ giúp từ người hỏi thì họ càng phải đi lòng vòng hơn mới đến được đúng nơi cần đến.

Một chị phụ nữ ngoại tỉnh đang ở ga Hà Nội trên phố Lê Duẩn hỏi đường về phố Đại Cồ Việt ở đâu, thế mà không hiểu có phải do nghe nhầm không mà đoạn phố không xa này được chỉ vắt vẻo khiến người đi phải qua La Thành, Cầu Giấy… và cuối cùng là phố Hoàng Quốc Việt!. Rút kinh nghiệm từ lần trước, chị đi chậm, hỏi kỹ để đi đúng con phố cần đến mới vỡ lẽ từ phố Lê Duẩn tới phố Đại Cồ Việt cũng khá gần.

Có một bạn viết văn trẻ từ phương Nam ra Hà Nội đúng dịp mùa thu đã không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp của Hồ Gươm. Và không để lỡ dịp thưởng thức hương vị thu Hà Nội với cốm gói lá sen, bạn trẻ hồ hởi hỏi địa chỉ để đến mua nhưng người được hỏi lắc đầu xác nhận một cách chắc chắn, cốm chỉ có lúc sáng sớm thôi, còn giờ này chỉ còn bánh cốm ở phố Hàng Than. Bạn trẻ nghĩ không có cốm ăn bánh cốm cũng được nên đã không ngần ngại hỏi phố Hàng Than. Thế mà không rõ người chỉ thế nào mà từ Hồ Gươm lên Hàng Than xa xôi đến ba mươi phút. Chỉ đến lúc về người bán hàng nói cứ đi thẳng là lại ra Hồ Gươm mới ngẩn người sao lúc nãy mình lại đi như thế nhỉ, sao lúc nãy người chỉ đường cho mình lại chỉ như vậy nhỉ?

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, nguyên nhân dẫn đến việc chỉ sai đường: Một là do Hà Nội có rất nhiều nhập cư nên rất có thể người được hỏi không phải người bản địa và không thông thuộc đường phố Hà Nội. Tuy nhiên, dù không thông thuộc đường Hà Nội nhưng họ lại ngại nói ra là tôi không biết, tôi cũng ở quê lên… Vì thế khi được hỏi đường họ chỉ bừa.

Hai là cũng cần xem lại thái độ của người hỏi đường, bởi có không ít trường hợp người hỏi đường nhưng vẫn ngồi trên xe máy, đầu đội mũ bảo hiểm, miệng bịt khẩu trang kín mít, hất hàm hỏi đường, nhìn rất phản cảm. Với trường hợp này, thì ngay cả với người được hỏi đường dù họ có biết cũng cố tình không trả lời đúng để cho “bõ ghét” vì không lịch sự, tôn trọng khi hỏi đường.

Tuy nhiên, còn nguyên nhân nữa mà chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn đó là do ý thức, mà phần nhiều ở đây là những người trẻ. Họ không muốn giúp đỡ người khác, cố tình chỉ sai đường để trở thành trò tiêu khiển cá nhân.

Tôi đã từng chứng kiến trước cổng một trường học phổ thông, vì trường học gần với khu vui chơi giải trí nên có người dừng lại hỏi thăm. Thái độ hỏi thăm cũng rất nhã nhặn, lịch sự nhưng một học sinh hồn nhiên chỉ xuống phía dưới và không quên dặn đi khoảng gần một cây nữa rồi sẽ đến. Học sinh và nhóm bạn đợi cho người hỏi đường đi khuất rồi cùng ngả nghiêng lăn ra cười như một hoạt cảnh mình vừa diễn xong rất xuất sắc. Tôi hỏi vì sao học sinh lại cố tình chỉ sai như vậy thì nhận được câu trả lời: Giờ này bọn cháu phải đi học mà họ lại được vui chơi nên cháu chỉ sai cho đỡ ấm ức. Một lý do không gì có thể khác hơn, không gì có thể bao biện hơn ngoài sự ích kỷ, cợt nhả, thiếu ý thức cộng đồng…

Tôi hỏi lại học sinh đó, thế liệu rồi đến một ngày nào bị lạc đường, bị mất phương hướng… phải hỏi đường cũng bị chỉ sai như thế thì sao. Và giả sử, tất cả những người cháu hỏi đường đều chỉ sai thì cháu có đến được nơi cần đến, có về được nhà không?. Rồi ai cũng như cháu thì người ta sẽ nghĩ thế nào về lớp trẻ hôm nay? Nghe câu hỏi xong, học sinh đó im lặng không trả lời.

Ảnh minh họa. Nguồn phapluatxahoi.vn

Văn hóa giao thông được được những nhà nghiên cứu cho rằng, đó là một tập hợp những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra theo lý tưởng chân thiện mỹ trên lĩnh vực giao thông. Và văn hóa giao thông cụ thể hơn là cái phải, cái thiện, cái đẹp của con người trong quá trình xây dựng, sử dụng các công trình, phương tiện giao thông, trong xây dựng và thực thi pháp luật về giao thông và trong tham gia giao thông. Văn hóa giao thông vừa là động lực, vừa là mục tiêu tạo nên một hệ thống giao thông hiện đại, văn minh, hiệu quả, một môi trường giao thông an toàn, nhân ái và thân thiên…

Nếu chỉ nói văn hóa giao thông về mặt lý thuyết như trên, có thể với nhiều người sẽ cho rằng văn hóa giao thông là cái gì có vẻ cao siêu, khó khăn… nhưng có khi văn hóa giao thông lại bắt đầu từ những điều nhỏ nhất mà đôi khi chúng ta lãng quên, đôi khi chúng ta cho rằng nó nhỏ nhặt, hay bỏ quên, coi là bình thường, không quan trọng, dễ dàng đi qua. Có ai biết rằng, có những tòa nhà lộng lẫy, có những lâu đài vĩnh cửu được xây bằng từng viên gạch nhỏ bé. Những viên gạch nhỏ bé này nếu không được kết dính thì mãi mãi chỉ là gạch, sẽ dễ dàng bị lẫn dưới chân người, dưới con đường trải dài và dưới vô vàn những thứ đẹp đẽ lung linh và to lớn khác.

Vì thế, mỗi người tham gia giao thông, dù là người hỏi đường, hay người được hỏi đường hãy nở một nụ cười thân thiện để nhận lại lời cảm ơn cho con đường dưới chân và con đường của lòng người thật gần gũi, ấm áp.

Hiền Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/tai-sao-hoi-duong-o-ha-noi-de-bi-chi-sai-213862.html