Tại sao đảo Guam của Mỹ bị Triều Tiên dọa tấn công đầu tiên?

"Lực lượng chiến lược của quân đội Triều Tiên đang xem xét kỹ lưỡng kế hoạch để biến đảo Guam và khu vực xung quanh thành biển lửa với tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung và tầm xa Hwasong-12", người phát ngôn quân đội Triều Tiên cho biết.

Triều Tiên tuyên bố đang chuẩn bị kế hoạch biến đảo Guam thành biển lửa

Trong một tuyên bố trên hãng thông tấn nhà nước KCNA hôm 8/8, người phát ngôn quân đội Triều Tiên nói rằng kế hoạch tấn công sẽ được triển khai vào bất cứ lúc nào, một khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un ra quyết định.

"Lực lượng chiến lược của quân đội Triều Tiên đang xem xét kỹ lưỡng kế hoạch để biến đảo Guam và khu vực xung quanh thành biển lửa với tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung và tầm xa Hwasong-12", người phát ngôn cho biết.

Vụ thử tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên hôm 15/5.

Lý do khiến Guam vào “tầm ngắm” của tên lửa Bình Nhưỡng là bởi đây là nơi đặt các căn cứ quân sự lớn của Mỹ, trong đó có căn cứ không quân Anderson, nơi đồn trú của nhiều máy bay ném bom chiến lược. Kế hoạch này sẽ được trình lên lãnh đạo Kim Jong Un, song không rõ vào thời điểm cụ thể nào.

Trước đó ngày 7/8, Mỹ đã cho hai máy bay B-1 bay quanh bán đảo Triều Tiên, động thái này thường làm Bình Nhưỡng tức giận. Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng cảnh báo mạnh mẽ rằng Bình Nhưỡng phải ngừng đe dọa tấn công Mỹ nếu không muốn hứng chịu "lửa và giận dữ mà thế giới chưa từng thấy".

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh Washington sẽ cảnh giác với Triều Tiên vì mối đe dọa có thể ập tới bất kì lúc nào. Ông Kim Jong-un từng đe dọa Mỹ sẽ phải trả cái giá “sòng phẳng” vì lệnh trừng phạt mới nhất nhắm vào Bình Nhưỡng.

Giới chức Mỹ nhiều lần cảnh báo sẵn sàng dùng biện pháp quân sự với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi. Trong khi đó, Bình Nhưỡng tuyên bố không bao giờ đặt chương trình hạt nhân và tên lửa của mình lên bàn đàm phán.

Triều Tiên đã sản xuất được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ?

Cộng đồng tình báo nghĩ rằng Triều Tiên có "vũ khí hạt nhân để đưa lên tên lửa đạn đạo", trong đó có các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Washington Post hôm 8/8 dẫn một phần phân tích của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ.

Kết luận này được hai quan chức Mỹ am hiểu bản phân tích xác nhận. Đây cũng là lý do khiến ông Trump tuyên bố cứng rắn: "Triều Tiên tốt nhất không nên có thêm đe doạ nào nữa với Mỹ. Họ sẽ vấp phải hoả lực, cơn thịnh nộ và sức mạnh mà thế giới chưa từng thấy".

Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng dội "biển lửa" vào Triều Tiên.

Hiện chưa rõ Triều Tiên đã thử thành công thiết kế đầu đạn nhỏ hơn hay chưa, nhưng Bình Nhưỡng năm ngoái tuyên bố đã làm điều này. Tình báo cũng đánh giá Triều Tiên hiện có tới 60 vũ khí hạt nhân, nhiều hơn so với con số giới chức từng xác định.

Một quan chức Mỹ am hiểu về chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên cảnh báo Washington cần lưu ý những điều nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói về chương trình vũ khí của nước này để chuẩn bị đối phó.

Tiến độ của chương trình phát triển tên lửa Triều Tiên từng gây báo động cộng đồng quốc tế và hồi tháng 7, lãnh đạo Kim Jong-un hai lần cho thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là lần đầu tiên nước này thể hiện được năng lực của ICBM được cho là có thể vươn tới bang Alaska. Tên lửa thứ hai được thử hồi tuần trước thậm chí còn bay xa hơn và một số chuyên gia gợi ý New York có thể nằm trong tầm phóng.

Tú An (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/quan-su/tai-sao-dao-guam-cua-my-bi-trieu-tien-doa-tan-cong-dau-tien