Tại sao đại gia 'tháo chạy' khỏi bất động sản Bình Dương?

Bình Dương là một tỉnh có khá nhiều lợi thế về hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, tốc độ tăng trưởng chung ổn định. Tuy nhiên, nhiều đại gia bất động sản như: Nam Tiến, Đất Xanh, Tấc Đất Tấc Vàng… vẫn lần lượt ‘tháo chạy’ khỏi thị trường này. Đâu là nguyên nhân của nghịch lý này?

Để thuyết phục khách hàng “xuống tiền”, môi giới nhà đất Bình Dương đưa ra 3 yếu tố lợi thế của địa phương này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần phân tích sâu hơn, để thấy có hay không, cơ hội kiếm lợi nhuận từ bất động sản, dựa trên 3 lợi thế đó.

Thứ nhất, theo môi giới nhà đất Bình Dương, địa phương này có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh và đang tiếp tục được đầu tư mạnh với hàng loạt công trình giao thông như quốc lộ 13, quốc lộ 14, đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch, các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, hệ thống metro... Nhờ đó, Bình Dương dễ dàng kết nối với các khu vực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh...

Các chuyên gia cho rằng, hạ tầng hoàn chỉnh là một lợi thế cho địa phương. Tuy nhiên, khi hạ tầng đã hoàn chỉnh thì biên độ tăng giá của bất động sản sẽ không còn hấp dẫn so với thời điểm đón đầu.

Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng giao thông kể trên không phải là dự án mới, nên không phải là động lực mới cho bất động sản Bình Dương. Mặt khác, nhiều dự án hạ tầng giao thông hiện nay đang trong tình trạng “đói vốn” nên chưa biết bao giờ mới hoàn thành.

Nhiều khu đô thị mới ở Bình Dương thành nơi chăn thả trâu bò

Thứ hai, theo môi giới nhà đất Bình Dương, địa phương này có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và thu hút vốn đầu tư cao. Năm 2016, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8,5% so với năm 2015. Riêng 5 tháng đầu năm 2017, Bình Dương đã thu hút gần 1,5 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ sau TPHCM. Phần lớn các dự án FDI đều do các tập đoàn lớn làm chủ đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ cao cấp và bất động sản.

Theo các chuyên gia, nếu nhìn bề ngoài thì có vẻ như tăng trưởng kinh tế, vốn FDI sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, giá bất động sản do cung cầu quyết định. Các yếu tố tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8,5%, vốn FDI đăng ký 1,5 tỉ USD không có nghĩa là nhu cầu nhà ở (chỉ xét nhu cầu nhà ở của người có khả năng thanh toán) và giá bất động sản tăng lên tương ứng.

Thực tế, ở Bình Dương, thành phần công nhân thu nhập thấp chiếm tỷ lệ rất lớn. Họ thiếu nhà ở, nhưng lại không đủ tiền mua. Việc tăng nguồn cung bất động sản ở Bình Dương rất dễ dàng vì đất rộng bao la, nhưng tăng nhu cầu nhà ở là chuyện khó khăn. Đó là lý do khiến giá bất động sản khó tăng như những khu vực khác.

Thứ ba, theo môi giới nhà đất Bình Dương: “Cơ cấu kinh tế của địa phương này đang dịch chuyển thành công theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn là động lực làm gia tăng giá trị của bất động sản.

Chưa dừng lại ở đó, hiện nay Bình Dương vẫn đang tiếp tục tái cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ thông qua việc thu hút, mời gọi thêm các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến mở cơ sở kinh doanh.

Thực tế, Bình Dương hiện không thiếu bất kỳ dịch vụ đẳng cấp nào, từ các trung tâm thương mại như Aeon Mall, Lotte Mart, Metro, điện máy Thiên Hòa, điện máy Xanh, đại học quốc tế, bệnh viện quốc tế, cho đến khách sạn 5 sao, khu du lịch sinh thái, trường đua ngựa… đáp ứng mọi nhu cầu của hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng chục ngàn doanh nhân và chuyên gia đang sinh sống, làm ăn tại đây.

Ở một góc nhìn khác, mỗi năm Bình Dương cần thêm khoảng từ 30.000 - 40.000 lao động là các chuyên gia, kỹ sư và công nhân kỹ thuật cao. Lực lượng lao động này không chỉ giúp Bình Dương phát huy hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có, mà còn kéo theo sự phát triển mạnh của lĩnh vực thương mại - dịch vụ và gia tăng nhu cầu về bất động sản”.

Theo các chuyên gia, những yếu tố lợi thế này đã duy trì nhiều năm nay. Do vậy, nếu kỳ vọng bất động sản Bình Dương có sự đột biến tăng trưởng, nhờ những yếu tố đã ổn định thì rất khó khả thi.

Ở một góc nhìn khác, nếu mỗi năm Bình Dương có thêm khoảng từ 30.000 - 40.000 lao động là các chuyên gia, kỹ sư và công nhân kỹ thuật cao, thì liệu có đủ tạo nên nguồn cầu đủ lớn, so với lượng bất động sản bỏ hoang khổng lồ từ các năm trước? Chưa kể, một lượng lớn chuyên gia làm việc tại Bình Dương nhưng lại sống ở TP.HCM để hưởng tiện ích đầy đủ và có xe đưa đón đến chỗ làm.

Cũng cần nói thêm, một “căn bệnh” nan giải của bất động sản Bình Dương chính là người mua đầu tư chiếm tỉ lệ lớn, người ở thực lại không nhiều. Điều này khiến nhiều khu đô thị thiếu sức sống, một yếu tố quan trọng để tăng giá trị.

Các chuyên gia cho rằng, giữa hàng loạt khó khăn như phân tích, để bán được bất động sản đang "nguội lạnh" ở Bình Dương, cần phải dựa vào hiệu ứng tâm lý đám đông. Đây là các mà nhiều công ty môi giới đã áp dụng rất thành thạo. Nếu 1 môi giới dẫn 1 khách hàng xuống xem đất, thì khả năng bán được mảnh đất sẽ rất thấp, nếu xung quanh là cảnh “đồng không mông quạnh”. Tuy nhiên, nếu gom được nhiều khách hàng, cùng đội ngũ “chân gỗ”, tạo cảnh tranh mua tranh bán, khuyến mại tặng vàng chỉ trong ngày mở bán, thì khả năng chốt khách tại sự kiện sẽ rất cao.

Diệu Thủy - Khắc Thành

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/bat-dong-san/tai-sao-dai-gia-thao-chay-khoi-bat-dong-san-binh-duong-188091/