Tại sao bà Merkel bị chỉ trích nặng nề sau vụ tấn công Munich?

Vụ tấn công Munich có thể sẽ ảnh hưởng tới tình hình chính trị ở Đức, tiếp tục chuỗi chỉ trích dành cho các chính sách của Thủ tướng Angela Merkel. Liệu điều này có nghĩa là bà Merkel sẽ mất cơ hội trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2017 tới?

Vụ xả súng kinh hoàng tại Munich đã cướp đi mạng sống của 10 người và làm 27 người khác bị thương. Ban đầu giới chức cho rằng phải có ít nhất 3 thủ phạm nhưng cuối cùng kẻ xả súng lại chỉ là một thanh niên 18 tuổi người Đức gốc Iran, và tên này hành động một mình.

Tờ Deutsche Welle hôm qua (23/7), cho biết: “Cảnh sát thông báo nghi phạm đã tự sát và họ khẳng định người này hành động một mình. Không có bằng chứng cho thấy có những đồng phạm khác”.

Trong buổi họp báo vào hôm qua, cảnh sát trưởng thành phố Munich Hubertus Andrae cho hay: “Kẻ xả súng 18 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Munich. Anh ta là sinh viên. Chúng tôi đã tiến hành lục soát căn hộ của người này và không tìm thấy một mối liên hệ nào với tổ chức khủng bố IS”.

Cùng lúc đó, nhiều nghi vấn dấy lên rằng kẻ tấn công Munich có thể đã “lấy cảm hứng” từ tên cực đoan Anders Breivik, người đã tiến hành vụ tấn công khủng bố tại Oslo và đảo Utoya đúng 5 năm về trước, vào ngày 22/7/2011, giết chết 77 người.

Deutsche Welle cho rằng, cho dù động cơ của kẻ thủ ác là gì, vấn đề là “nỗi sợ hãi đã lan tỏa ra khắp nước Đức, khắp mọi thành phố”. “Khủng bố chính là sự sợ hãi, và sự sợ hãi đã đến nước Đức. Nỗi sợ này đã bao trùm Na Uy 5 năm trước, khi Anders Behring Breivik gây ra vụ thảm sát ở Oslo và đảo Utoya. Và nỗi sợ một tuần trước đã đến Nice, nơi mạng sống của 84 người đã bị cướp đi trong tích tắc khi họ đang ăn mừng ngày Quốc khánh Pháp”, Deutsche Welle viết.

Bài báo cũng nhấn mạnh một sự thật rằng chỉ vài ngày trước một thanh niên trẻ tị nạn người Afghanistan cũng đã dùng dao và búa tấn công vào các khách du lịch trên một chuyến tàu gần Würzburg, cũng ở Bavaria.

Sự nghiệp chính trị của bà Merkel lao đao sau vụ tấn công Munich.

Bi kịch ở Munich đã trở thành vụ tấn công thứ ba nhằm vào người dân thường ở Đông Âu chỉ trong 8 ngày. Vụ tấn công này đã làm dấy lên một làn sóng không hài lòng khi một số người dân Đức đổ lỗi cho Thủ tướng Angela Merkel và chính sách mở cửa với người tị nạn của bà.

Markus Frohnmaier, chính trị gia người Đức và là thành viên của đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) phân tích: “Chưa có thông tin chi tiết về vụ tấn công cho đến nay, tuy nhiên, cảnh sát cũng cho rằng đây là một loại hình tấn công khủng bố kiểu mới. Rõ ràng rằng những gì đang diễn ra tại Đức là kết quả của chính sách mở cửa cho người tị nạn của bà Merkel”.

Chuyên gia Alexander Rahr, giám đốc nghiên cứu Diễn đàn Đức – Nga, cho rằng: “Kẻ phạm tội bắn vào người dân ở khu trung tâm thương mại tại Munich mới chỉ 18 tuổi. Anh ta là con cháu trong một gia đình gốc Iran và được nuôi dưỡng ở Đức, là đại diện cho thế hệ thứ hai của người nhập cư từ một quốc gia Trung Đông. Có thể thấy, đó là hành động trả thù của một thanh niên khi không thể hòa nhập được vào xã hội ở Đức. Cần phải thừa nhận rằng có vấn đề với việc hòa nhập xã hội của người nước ngoài tại Đức”.

Mặc dù động cơ không mang tính chính trị, song theo ông Rahr, đây sẽ là cái cớ để các đảng cánh hữu “nhảy vào” cuộc tranh luận nhằm tấn công chính sách nhập cư của bà Merkel. Đó có thể trở thành một thách thức nghiêm trọng cho các đảng trung tâm.

The Daily Express cũng cho biết bà Merkel đã phải đối mặt với “sự chỉ trích đầy tức giận” từ sau thảm kịch tại Munich. “Khi những cảnh tượng kinh hoàng tại thành phố lớn thứ ba nước Đức lan truyền khắp thế giới, rất nhiều người đã đổ lỗi trực tiếp cho người lãnh đạo đất nước và chính sách của bà”, Daily Express viết.

Tờ báo này cũng cho biết đảng cầm quyền của bà Merkel đã phải chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng trước đảng AfD trong cuộc bầu cử tại địa phương trong năm nay, ngoài ra các cuộc khảo sát cũng cho thấy bà Merkel rất có thể sẽ thất bại trong cuộc bầu cử liên bang vào năm tới.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.

Tuệ Minh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tai-sao-ba-merkel-bi-chi-trich-nang-ne-sau-vu-tan-cong-munich-post204502.info