Tài sản công phải được coi là nguồn lực

Không chỉ chặt chẽ, hiệu quả, yêu cầu đặt ra đối với quản lý, sử dụng tài sản công theo tinh thần Luật Quản lý, sử dụng tài sản công tới đây là phải coi tài sản công (TSC) là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước.

Trả lời câu hỏi của PLVN tại cuộc họp báo chuyên đề về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chiều qua (27/9), Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính, ông Trần Đức Thắng cho biết, hiện số thu ngân sách từ TSC là gần 100 nghìn tỷ đồng trong tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), nếu thực hiện nghiên túc đồng bộ theo tinh thần Luật Quản lý, sử dụng TSC, con số này chắc chắn sẽ lớn hơn…

Ông Trần Đức Thắng giải đáp các thắc mắc của phóng viên trong buổi họp.

Khẩn trương hoàn thiện dự thảo

Thay vì tên gọi “Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)”, để phù hợp với Điều 53 Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự 2015, Chính phủ đã trình Quốc hội cho đổi tên của dự án Luật là “Luật Quản lý, sử dụng TSC”.

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng TSC gồm 10 chương, 137 điều, trong đó: 5 chương quy định về các vấn đề chung (Chương I, II, VIII, IX, X); 5 chương quy định chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại TSC (Chương III, IV, V, VI, VII).

Theo Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng, phạm vi của luật mới này đã rộng hơn rất nhiều so với luật cũ (Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước 2008), từ 39 điều của Luật cũ lên 137 điều và vẫn đang trong quá trình soạn thảo.

Mục đích xây dựng một văn bản luật khá đồ sộ này, theo ông Thắng là nhằm tạo lập cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm TSC; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm TSC; khai thác TSC hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội để cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác TSC để tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu NSNN; từng bước chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý TSC, phát triển dịch vụ về TSC theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Theo lộ trình, Dự án Luật Quản lý sử dụng TSC sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10 tới và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2017, dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2018. “Chúng tôi đang rất tích cực xây dựng các văn bản dưới luật để Luật không có độ trễ vì khi Luật có hiệu lực phải có 10 nghị định hướng dẫn…” - ông Thắng cho biết.

Khai thác nguồn lực tài sản công

Một trong những điểm nhấn của dự luật quản lý, sự dụng TSC là không chỉ quản lý, sử dụng TSC chặt chẽ, hiệu quả như tinh thần luật trước đây, yêu cầu đặt ra đối với quản lý, sử dụng TSC theo tình thần Luật mới là phải coi TSC là nguồn lực quan trọng để phát triển KT-XH, tái cơ cấu NSNN…

Theo Cục trưởng Trần Đức Thắng, tinh thần đó nằm rải rác trong các quy định của dự luật, như: xác định nguồn lực TSC; đưa ra nguyên tắc khai thác hợp lý TSC theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch; sau khi trừ chi phí đảm bảo có hiệu quả; đảm bảo môi trường; quy định cụ thể các hình thức khai thác, giao quyền cho thuê, liên doanh góp vốn…

Ông Thắng cũng cho biết, dự luật lần này cũng quy định chặt chẽ hơn về chế tài xử lý như người nào có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC gây thiệt hại cho Nhà nước thì đầu tiên phải bồi thường, sau đó tùy theo mức độ sẽ bị xử lý (hành chính, hình sự) theo quy định của các luật liên quan.

Không những thế, người có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm sẽ phải chịu trách nhiêm liên đới... “Chúng tôi đang nghiên cứu, có thể đưa vào văn bản dưới luật...”- Cục trưởng Thắng cho biết.

Trả lời câu hỏi của PLVN, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản cho biết, hiện tổng giá trị tài sản nhà nước (theo tinh thần luật cũ gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc..., có giá trị trên 500 triệu đồng) là khoảng 1.040 nghìn tỷ đồng, tương đương 50 tỷ USD, trị giá này chưa bao gồm hạ tầng, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi vùng biển, vùng trời, các loại tài nguyên thiên nhiên khác... như tinh thần Điều 53 của Hiến pháp 2013.

Tuy nhiên, tới đây theo tinh thần Luật mới, trong đó có quy định TSC bao gồm cả các tài sản theo Điều 53 của Hiến pháp 2013 thì con số này chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều.

Ông Thắng cũng cho biết, hiện số thu NSNN từ TSC là gần 100 nghìn tỷ đồng trong tổng thu NSNN, nếu thực hiện nghiên túc đồng bộ theo tinh thần Luật mới, con số này chắc chắn sẽ lớn hơn, nhất là khi TSC được quản lý và sử dụng như là nguồn lực để phát triển...

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/tai-san-cong-phai-duoc-coi-la-nguon-luc-d25355.html