Tai nạn thảm khốc đèo Prenn: Lặng lẽ tìm nhặt từng phần thi thể nạn nhân

Nén cảm xúc, các cán bộ, chiến sĩ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tìm cách đưa nạn nhân ra khỏi xe càng nhanh cành tốt. Chiến sĩ Trần Văn Thùy lặng lẽ tìm nhặt những phần thi thể các nạn nhân.

Đưa thi thể các nạn nhân xấu số ra khỏi xe gặp nạnẢNH: GIA BÌNH

Khủng khiếp!

Đại tá Đào Ngọc Cần, Giám đốc Cảnh sát PPCCC- cứu hộ, cứu nạn (CHCN) tỉnh Lâm Đồng, cho biết sáng 19.6, ông đang trực. Lúc 10 giờ 10, ông nhận được tin báo có vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đèo Prenn.

“Tôi huy động ngay lực lượng cùng phương tiện đến ngay hiện trường. Một cảnh tượng khủng khiếp và quá thương tâm, lần đầu tôi chứng kiến. Tôi đã gọi điện báo cáo ngay cho Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến về vụ tai nạn rất nghiêm trọng này”, ông Cần kể.

Tiếp đó, tổng cộng 42 cán bộ, chiến sĩ cùng 6 ô tô của Cảnh sát PCCC được huy động, trong đó có 2 xe chữa cháy, 1 xe cứu thương có mặt tại hiện trường.

Việc đầu tiên các chiến sĩ PCCC - CHCN triển khai là tìm cách phá cửa xe chui vào 2 xe khách bị tai nạn để đưa người bị thương ra khỏi xe; huy động các xe đang lưu thông trên đường chở người đến bệnh viện cấp cứu. Số khác thu gom, bảo vệ tài sản, hành lý của hành khách đi trên hai xe.

Tiếp đó, công việc khó nhất và gay go nhất là đưa 6 người tử vong đang mắc kẹt trên ô tô BS 86B-007.25 của Công ty TNHH vận tải thương mại Thanh Lịch (TP.Phan Thiết, Bình Thuận) ra khỏi xe.

Tình người

Thượng úy Nguyễn Chí Thủy, Phụ trách Đội CHCN - Phòng Cảnh sát PCCC số 1 (Lâm Đồng), cho biết cảnh tượng hàng loạt người tử vong mắc kẹt trong xe rất thương tâm. Ngay lập tức, anh cùng 3 chiến sĩ trẻ, gồm: thượng sĩ Trần Văn Thùy (23 tuổi), Nguyễn Đình Chung (23 tuổi), Nguyễn Hoàng Khương (25 tuổi) xung phong leo lên ô tô tìm cách đưa các nạn nhân ra khỏi xe.

Trưa 20.6, nhiều chiến sĩ tham gia cứu hộ vẫn còn thấm mệt, không muốn ăn cơm sau khi tham gia CHCN vụ tai nạn thảm khốc. Chiến sĩ Nguyễn Hoàng Khương cho biết việc cứu nạn rất khó khăn vì các nạn nhân bị mắc kẹt giữa các hàng ghế, nên phải cạy bung ghế mới có thể bế nạn nhân ra khỏi chỗ ngồi, chuyển qua cửa sổ của xe ra băng ca bên ngoài.

Chiến sĩ Nguyễn Đình Chung kể: “Hầu hết thi thể các nạn nhân không còn nguyên vẹn. Rất đau lòng! Vì nhiệm vụ và vì tình người chúng tôi nén cảm xúc để tìm cách đưa nạn nhân ra khỏi xe càng nhanh cành tốt”.

Riêng chiến sĩ Trần Văn Thùy lại lặng lẽ tìm nhặt những phần thi thể các nạn nhân vương vãi trên xe.

Thượng úy Phạm Hoài Phương (Đội phó đội chữa cháy) nói: "Tôi đã từng trực tiếp cứu hộ nhiều vụ tai nạn hoặc chết đuối như vụ 3 du khách người Anh tại thác Datanla, vụ 3 thanh niên tử vong khi chơi thác Ankoret… nhưng chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp và đau thương như vụ tai nạn ở đèo Prenn”.

Thượng úy Thủy cho biết lực lượng PCCC có găng tay loại chống nóng chống trơn trượt chứ không có găng tay, khẩu trang y tế chuyên dụng, mãi khi xe cấp cứu của bệnh viện tới các chiến sĩ mới xin găng y tế đeo vào để làm nhiệm vụ. Dù thiếu phương tiện, vật dụng nhưng các chiến sĩ vẫn bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đại tá Đào Ngọc Cần (bên phài) thăm các nạn nhân bị thương ẢNH: LÂM VIÊN

Đại tá Đào Ngọc Cần cho biết thêm: “Khi đến hiện trường, không chỉ các chiến sĩ PCCC, cứu hộ, cứu nạn mà các cán bộ, những người lái xe cũng xắn tay áo tham gia cứu người bị nạn không chút nề hà vì bên cạnh nhiệm vụ còn là tình người, tình đồng loại".

Chính vì thế, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đánh giá cao sự ý thức trách nhiệm, sự phối hợp nhịp nhàng của lực lượng PCCC - CHCN.

Lâm Viên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/tai-nan-tham-khoc-deo-prenn-lang-le-tim-nhat-tung-phan-thi-the-nan-nhan-715418.html