Tai nạn giao thông ở nông thôn gia tăng

Do đặc thù của vùng sông nước nên các tuyến đường giao thông ở nông thôn ĐBSCL thường nhỏ, hẹp, có nhiều cầu cống, cộng thêm sự "bùng nổ" số lượng xe máy mà người điều khiển lại không am hiểu pháp luật, dẫn đến tình hình tai nạn giao thông gia tăng một cách đáng lo ngại.

Xe máy chạy ẩu gây tai nạn giao thông ở Cần Thơ. (LĐCT) - Ra đường là... run Ai đã từng tham gia giao thông trên các tuyến đường nông thôn ĐBSCL từ tỉnh lộ, huyện lộ đến đường liên huyện, liên xã, cũng phải hơn một lần giật mình, run bắn người khi có những chiếc xe máy phóng ào ào từ phía sau. Điều khiển những chiếc xe này thường là những người nông dân, chưa hề được học qua Luật Giao thông đường bộ, không có giấy phép lái xe và thường là có rượu, bia trong người. Đây là nguyên nhân chính thường gây ra TNGT. Hậu Giang là tỉnh mới chia tách, hạ tầng giao thông nông còn nhiều bất cập, ý thức của người dân đối với an toàn giao thông chưa tốt nên TNGT xảy ra thường xuyên. Mới đây, vào khoảng 18h30 phút ngày 4.10, tại ấp 3, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, xảy ra một vụ TNGT thương tâm làm 1 người chết và 1 người bị thương. Vào thời điểm trên, sau khi nhậu "quắc cần câu" từ một đám cưới, Đặng Văn Út (SN 1970) điều khiển xe máy mang biển số 95 F6-3725 chở Đặng Văn Chính (SN 1961) phóng nhanh trên đường. Khi đến cầu 11.500, do không làm chủ tốc độ, Út đã lao cả xe lẫn người xuống sông. Hậu quả Đặng Văn Út tử vong, Đặng Văn Chính bị thương nặng. Cùng ngày, tại cầu này, cũng có 2 thanh niên khác điều khiển xe máy lao xuống sông, nhưng may mắn được người dân cứu sống. Tại Cần Thơ, một trong những địa phương có hệ thống giao thông nông thôn khá nhất ĐBSCL, tình hình TNGT vẫn xảy ra khá nghiêm trọng. Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ TP, trong 10 tháng đầu năm đã xảy ra 102 vụ TNGT làm 116 người chết và 56 người bị thương. Trong đó, số vụ TNGT xảy ra trên tỉnh lộ, nội thị... chiếm hơn 33%; số vụ TNGT do xe máy gây ra chiếm hơn 75%. Huyện Đông Hải là địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 80km. Con đường tỉnh lộ Giá Rai - Gành Hào dài hơn 23km vốn hẹp, nhiều năm qua chưa được nâng cấp, là đường độc đạo dẫn đến trung tâm huyện nên TNGT xảy ra thường xuyên. Còn đoạn đường Gò Cát - Gành Hào có khúc cua cũng thường xảy ra TNGT. Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng khúc cua này đã xảy ra 7 vụ làm chết 4 người, bị thương 5 người. Ngoài con đường này ra, hầu hết các con đường khác trong huyện đều chật hẹp. Có đường đã được láng nhựa, nhưng TNGT vẫn xảy ra thường xuyên. Tại xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, dù không có đường huyện lộ đi qua, từ đầu năm đến nay cũng đã xảy ra hơn 10 vụ TNGT. Theo thống kê chưa đầy đủ của Công an huyện, 10 tháng đầu năm đã xảy ra 30 vụ TNGT làm chết 6 người, thiệt hại tài sản hơn 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Duẫn - Phó trưởng Công an huyện Đông Hải - cho biết thêm: "So với các địa phương khác, Đông Hải có số vụ TNGT ít hơn, tuy nhiên tình trạng va quệt với mức độ thương tích thấp không khai báo với CSGT rất nhiều". Làm gì để kiềm chế? Nhìn chung, nguyên nhân gia tăng TNGT ở nông thôn ĐBSCL là do số lượng xe máy tăng nhanh trong khi ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân và năng lực quản lý giao thông của chính quyền còn hạn chế, đường giao thông nông thôn dù có cải thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ. Ở nhiều địa phương, đường liên ấp, liên xã đã được trải nhựa hoặc bêtông hóa, song hầu hết thường là rất hẹp, chỉ 2-3m và chỉ mới được chú trọng cải thiện mặt đường giúp xe chạy nhanh hơn, ít chú ý đến các yếu tố bảo đảm ATGT như đặt các biển báo, làm gờ giảm tốc ở những nút giao nguy hiểm, lắp thêm thiết bị chiếu sáng... Để kiềm chế TNGT ở nông thôn ĐBSCL, trước hết chính quyền địa phương cần quan tâm đến công tác quy hoạch giao thông, từng bước "chuẩn hóa" cơ sở hạ tầng, nhất là các tiêu chí bảo đảm ATGT; đồng thời huy động sức dân cải tạo đường giao thông nông thôn, tránh tình trạng làng có nhiều nhà xây, nhiều xe máy mà đường sá lầy lội, ngổn ngang những ổ trâu, ổ gà. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để người dân nông thôn được học và thi lấy giấy phép lái xe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, dòng họ, nhà trường, đoàn thể và chính quyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về công tác bảo đảm ATGT đang là việc cần làm. Nhóm PV ĐBSCL

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/tai-nan-giao-thong-o-nong-thon-gia-tang/200911/162243.laodong