Tai nạn giao thông do bia rượu đang gia tăng

Gần 40% số vụ tai nạn giao thông do bia rượu gây ra, nhưng con số này trong thực tế có thể cao hơn nhiều lần.

Nhiều nạn nhân thương vong vì TNGT do bia rượu gây ra - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, mỗi ngày, tại Việt Nam có 24 người chết và 60 người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT). Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban ATGT quốc gia và Tổ chức y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh, thành cách đây vài năm cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiến khoảng 39,6%. Nếu tính con số trung bình, năm 2016 xảy ra gần 21.500 vụ TNGT với 8.700 người chết vì TNGT, thì số vụ TNGT do bia rượu đã xấp xỉ 9.000 vụ.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, con số này trong thực tế có thể cao hơn nhiều và vẫn gia tăng theo các năm. Minh chứng là kết quả điều tra thực tế đối với 195/326 bệnh nhân là nạn nhân của các vụ TNGT được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bến Tre trong 6 tháng đầu năm 2016 do Ủy ban ATGT quốc gia thực hiện. Theo đó, cả 195 người, tức 100% số người được kiểm tra đều có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép. Lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia cũng cho biết sẽ đề nghị Bộ Y tế tổ chức kiểm tra nồng độ cồn đối với các nạn nhân nhập viện vì TNGT để có con số thống kê đầy đủ nhất.

Ông Hùng cho rằng, sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm thực hiện thành công các giải pháp của Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Uống có trách nhiệm

Ngày 7.6, Ủy ban ATGT quốc gia và Hiệp hội các doanh nghiệp rượu châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) đã ký kết chương trình hợp tác thực hiện chuỗi hoạt động “Uống có trách nhiệm và ATGT” năm 2017.

Chương trình được xây dựng nhằm cải thiện tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tại Việt Nam với sự phối hợp tích cực của các cơ quan Chính phủ, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp đồ uống có cồn; góp phần đảm bảo tính hiệu quả, tính bền vững và hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa của Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Chương trình hợp tác năm 2017 bao gồm 12 khóa đào tạo cho khoảng 500 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông và các lực lượng cảnh sát khác tại 12 tỉnh do Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an) trực tiếp phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện và chuỗi hoạt động truyền thông nâng cao về uống có trách nhiệm vì ATGT, vì gia đình hạnh phúc thông qua việc phát huy ảnh hưởng của phụ nữ đến tầng lớp thanh thiếu niên trong gia đình và xã hội do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện.

Ông Cyril Sayag, Giám đốc Hiệp hội các doanh nghiệp rượu châu Á - Thái Bình Dương khẳng định cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các mục tiêu nâng cao văn hóa uống có trách nhiệm nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cộng đồng, giảm thiểu tác hại của những hành vi thiếu lành mạnh liên quan đến việc sử dụng đồ uống có cồn.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, rượu bia sẽ ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông. Dù chỉ với nồng độ cồn ở mức 0,05 mg/l khí thở, người sử dụng rượu bia đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ. Nếu nồng độ 0,2 mg/l khí thở, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể bị ức chế, giận dữ. Nếu ở mức độ cao hơn, người uống có thể không tự chủ được hành vi cá nhân và gây tai nạn cho bản thân hoặc thương tích cho người khác.

Nguồn: Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/tai-nan-giao-thong-do-bia-ruou-dang-gia-tang-844738.html