Tài liệu công khai của phường không có giá trị pháp lý?

Để thực hiện dự án đường 2,5 UBND phường Định Công đã công khai quy hoạch tại trụ sở và cắm biển công bố dự án ngay trên phố Định Công.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, phường Định Công và quận Hoàng Mai cung cấp một số tài liệu liên quan đến dự án, tuy nhiên, ông Vũ Khắc Mẫn - Một công dân đang sinh sống tại đây lại xem đó là “tài liệu giả”, không có giá trị pháp lý.

Ảnh minh họa

Ông Vũ Khắc Mẫn cho biết:

Hồ sơ định vị ranh giới thửa đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của Sở Địa chính nhà đất (thời điểm đó chưa lập Sở Tài nguyên Môi trường) có ghi ngay tại dòng đầu “Căn cứ quyết định 6682/QĐ-UB ngày 1/10/2002 của UBND thành phố..”, theo ông Mẫn, cần phải căn cứ vào quyết định 104/QĐ-UB ngày 24/7/2002 (quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ) thì mới đúng.

Lý do rất đơn giản, quyết định 104/QĐ-UB mới có tọa độ, còn quyết định 6682/QĐ-UB là quyết định thu hồi đất, chỉ có diện tích tính bằng mét vuông mà không có tọa độ, không thể dùng để định vị được. Nếu căn cứ vào quyết định 6682/QĐ-UB thì muốn vẽ con đường đi qua đâu cũng được, giải phóng mặt bằng ở bằng chỗ nào cũng được, kể cả diện tích nằm ngoài quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Hồ sơ dịnh vị thửa đất nói trên chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên không có giá trị pháp lý. Ở cuối hồ sơ, trong phần đại diện Sở Địa chính nhà đất chỉ có chữ ký mà không có dấu đỏ của Sở(?). Ông Mẫn đặt câu hỏi, không có dấu thế thì gọi bất kỳ một ông ở ngoài đường vào ký cũng được hay sao? Theo công văn 8622/UBND-TNMT ngày 7/9/2009 thì hồ sơ định vị ranh giới thửa đất đã bị hủy, có nghĩa là toàn bộ tọa độ ở hồ sơ này bị hủy theo, không thể căn cứ vào hồ sơ trên để thực hiện định vị.

Tại buổi tiếp xúc với phóng viên ông Mẫn cho chúng tôi xem Bản thuyết minh tổng hợp quyển 2/2 định hướng quy hoạch. Bản này ghi đậm Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Theo quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Ngay tại trang đầu có dấu chữ nhật cơ quan thẩm định Bộ Xây dựng đề Thẩm định quy hoạch số 42 ngày 1/9/2011. Điều bất hợp lý ở chỗ, Bộ Xây dựng là cơ quan cấp dưới của Chính phủ, phải báo cáo thẩm định rồi Thủ tướng mới phê duyệt. Thế nhưng ở đây trật tự thời gian bị ngược, Thủ tướng phê duyệt ngày 26/7/2011, gần hai tháng sau Bộ Xây dựng mới “thẩm định quy hoạch”(?). Điều này tự tố cáo rằng bản quy hoạch chung đưa ra không phải là quy hoạch mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã phê duyệt.

Ông Mẫn kể: Ngày 19/6/2013, khi cán bộ Công ty TNHH địa chính MTV Hà Nội đến giao mốc đường 2,5 ở trước cửa Công ty Bánh kẹo Hữu Nghị phố Định Công thì ông hỏi, đây là mốc nào? Trả lời: Mốc theo chủ đầu tư. Ông Mẫn hỏi lại: Thế mốc quy hoạch nằm ở đâu? Câu này cán bộ công ty không trả lời được, lúc đó ông Nguyễn Thăng Long đang là phó chủ tịch phường chứng kiến và cũng không trả lời được. Ông Mẫn đề nghị phường, quận, Sở Quy hoạch kiến trúc cử cán bộ đến thực địa để ông chỉ ra đường đã bị nắn cong như thế nào nhưng các cơ quan nói trên không đáp ứng.

Sáng 28/7/2017 các ông Nguyễn Tiến Việt, Vũ Khắc Mẫn, bà Vũ Thị Xuân, Trần Thị Trụ cùng với một người phường Thịnh Liệt khi đối thoại với ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đã đề nghị quận cung cấp hồ sơ quy hoạch đường 2,5 đoạn từ Đầm Hồng ra Quốc lộ 1A. Ông Hiếu nói đã giao hồ sơ cho phường rồi, cứ đến phường mà lấy. Ngày hôm sau, các hộ dân gặp phường, ông Nguyễn Thăng Long nhất định không cung cấp hồ sơ theo yêu cầu.

Trong bài trước báo có nêu theo các hộ dân UBND quận Hoàng Mai đã gửi công văn số 1161/UBND-QLĐT đề nghị Sở Quy hoạch kiến trúc cung cấp hồ sơ đường 2,5 nhưng Sở không cung cấp cho quận. Để làm rõ sự việc này, ngày 3/8/2017 phóng viên báo đã làm việc với Sở Quy hoạch kiến trúc. Ông Phó văn phòng Sở cho biết, Sở Quy hoạch kiến trúc có nhận được công văn số 1161/UBND-QLĐT ngày 12/5/2017 của UBND quận Hoàng Mai yêu cầu cung cấp bản vẽ và quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 29/5/2017 Sở Quy hoạch kiến trúc đã làm thủ tục cung cấp quyết định 108/1998/QĐ-TTg và bản vẽ quy hoạch giao thông, tờ số 10-11 (liên quan đến tuyến đường Đầm Hồng - Giáp Bát - Lĩnh Nam) và tờ số 12 (khung tên và ký hiệu bản vẽ) cho UBND quận Hoàng Mai theo đúng quy định. Các tài liệu khác vì quận không yêu cầu nên Sở Quy hoạch kiến trúc không cung cấp. Ông Phó vắng phòng cho biết, khi quận Hoàng Mai thực hiện dự án thì phải có đủ hồ sơ tài liệu, nếu thiếu tài liệu nào quận có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cung cấp cho quận.

Về phía Sở Quy hoạch kiến trúc, nếu quận yêu cầu cung cấp tài liệu thuộc phạm vi trách nhiệm của Sở quản lý thì Sở luôn cung cấp đúng yêu cầu, đúng thời gian, hoàn toàn không có việc Sở chậm cung cấp cho quận. Tiện thể, phóng viên báo hỏi ông Phó văn phòng: Báo có nêu ngày 6/9/2011, Thanh tra Bộ Xây dựng có công văn 438/TTr-TH gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị cung cấp hai tài liệu gốc và thành phố đã giao việc này cho Sở nhưng vì sao Sở không cung cấp cho Thanh tra? Ông Phó văn phòng nói: Việc này từ năm 2011, quá lâu rồi, chúng tôi sẽ rà soát và trả lời sau.

Vậy là việc khiếu nại của các hộ dân Định Công đang dẫn đến nội dung quyết định 108/1998/QĐ-TTg và bản vẽ quy hoạch giao thông QH6A, tờ số 10-11; chỉ cần công khai các tài liệu này chúng ta sẽ biết các hộ dân khiếu sai sai hay UBND quận Hoàng Mai vi phạm quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Phan Lam

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/tai-lieu-cong-khai-cua-phuong-khong-co-gia-tri-phap-ly-p52983.html