Tái khởi động khai thác bể than Sông Hồng?

Theo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), cuối năm nay tập đoàn này tiếp tục trình Chính phủ đề án quy hoạch khai thác than khu vực bể than Đồng bằng sông Hồng nhằm giải quyết bài toán nhập khẩu than cũng như bài toán cung cấp than cho điện.

Các nhà khoa học lo ngại về vấn đề môi trường khi khai thác bể than Sông Hồng Ảnh: THANH TÙNG Nhiều tiềm năng khai thác Từ năm 2009, ý định sẽ khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đã được TKV đưa ra. Theo đánh giá của tập đoàn này, bể than Đồng Bằng Sông Hồng có diện tích trên 3500km2 nằm trong miền võng Hà Nội trải dài từ Việt Trì-Phú Thọ đến Tiền Hải-Thái Bình và độ chứa than của khu vực này tính đến độ sâu -3500m có khoảng 210 tỷ tấn. Than vùng đồng bằng sông Hồng thuộc loại than năng lượng – than á – bitum, khá đồng nhất về thành phần vật chất cũng như các tính chất hóa học, công nghệ. Than có hàm lượng chất bốc cao, ít lưu huỳnh, độ tro thấp, nhiệt lượng tương đối cao - đây là những tính chất có lợi cho công nghệ chế biến, hóa chất, làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng. Tuy nhiên, điều kiện địa chất, điều kiện khai thác ở đây rất phức tạp có nhiều nước ngầm, đất đá bao quanh vỉa than không ổn định... hơn nữa trên bề mặt là nơi trồng lúa của tỉnh Thái Bình, Hưng Yên. Tập đoàn cũng đề nghị, ngay sau khi Bộ Tài nguyên – Môi trường điều tra, đánh giá hiện trạng sẽ cho thăm dò luôn, không nhất thiết phải đợi đánh giá toàn vùng. Bất cập về môi trường Trả lời câu hỏi, việc khai thác bể than sông Hồng để mang lại an ninh năng lượng nhưng TKV có tính đến những bất cập về môi trường không? Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam nhận định: Với những tính toán về nhu cầu thì vào năm 2013, Việt Nam đã phải nhập khẩu than và dự báo đến 2020, lượng than phải nhập khẩu sẽ lên đến trên 100 triệu tấn. Trong khi hiện nay than khai thác chủ yếu tập trung ở bể than Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Tài nguyên vùng Đông Bắc không lớn khoảng 10 tỉ tấn. “Để ngành than Việt Nam phát triển ổn định, lâu dài, bền vững và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thì việc nghiên cứu khai thác than đồng bằng sông Hồng là rất cần thiết” – ông Hùng nói. Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ là vấn đề quan trọng. Trong kế hoạch đưa bể than đồng bằng sông Hồng vào khai thác, các nhà đầu tư đã đưa ra những định hướng phát triển như: Không áp dụng công nghệ khai thác than lộ thiên. Bên cạnh đó, việc khai thác phải hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của việc khai thác than đến môi trường kinh tế xã hội trên địa bàn và về cơ bản phải bảo toàn các khu dân cư, các công trình công nghiệp trên mặt đất và không gây các hiệu ứng lún sụt lớn trên mặt đất ảnh hưởng đến đất canh tác nông nghiệp TKV đang chuẩn bị mọi thủ tục để cuối năm nay sẽ trình Chính phủ quy hoạch thăm dò khai thác bể than sông Hồng, tập trung chủ yếu là tìm kiếm đánh giá về kỹ thuật cũng như thử nghiệm công nghệ. Công nghệ dự kiến được lựa chọn là khai thác hầm lò và khí hóa than. Theo ông Hùng, ở thời điểm hiện tại, chưa thể ước lượng được số lượng đầu tư là bao nhiêu. Nhưng ông Hùng cũng khẳng định, ở ĐBSH, than nằm rất sâu, nên để khai thác được cần chi phí rất lớn. Phương Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=17644&menu=1364&style=1