Tài khoản mới ngân hàng Thụy Sĩ: Hầm vàng bí mật

(ĐTTCO) - Những quy định mới làm tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ không còn bí mật như trước, và lựa chọn thay thế của giới nhà giàu là trữ vàng.

Theo dữ liệu của Bloomberg, có nhiều lý do chính đáng để đầu tư vàng. Giá vàng đã tăng 25% kể từ cuối năm 2015, tài sản vàng tại các quỹ ETF đã tăng 39% trong năm nay. Giới nhà giàu trữ vàng ở Thụy Sĩ không chỉ để chống bất ổn và để đầu tư, mà còn là một cách tránh sự giám sát ngày càng chặt của cơ quan thuế với tài khoản ngân hàng. Hoa Kỳ, Pháp, Đức đã truy tố nhiều công dân có tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ không khai báo. Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ cho biết, trong khoảng 1.000 boongke quân sự cũ còn trên khắp Thụy Sĩ, vài trăm boongke đã được bán lại trong những năm gần đây, và khoảng chục boongke trở thành hầm trữ vàng cũng như hầm để máy chủ lưu dữ liệu máy tính.

Không như các ngân hàng, hoạt động trữ vàng không phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho cơ quan quản lý Thụy Sĩ. Trong lúc đó, Đạo luật Tuân thủ thuế với tài khoản nước ngoài của Hoa Kỳ (FATCA) không yêu cầu công dân Hoa Kỳ khai báo vàng giữ bên ngoài các tổ chức tài chính.

Nằm sâu trong dãy Alps của Thụy Sĩ, cạnh một đường băng cũ phù hợp cho máy bay Gulfstream và Falcon, là một hầm trữ vàng lớn, chủ nhân ở đây tuyên bố là kho vàng lớn nhất cho khách hàng tư nhân và hầm trữ vàng lớn thứ 7 thế giới. Lối vào hầm có bảo vệ mặc áo chống đạn, cánh cửa thép ở một mặt núi đá mở vào một con đường hẹp, đến 2 cánh cổng kim loại 3,5 tấn chỉ mở sau khi nhập mật mã, quét võng mạc và nhận dạng khuôn mặt. Bên trong là mê cung đường hầm từng được quân đội Thụy Sĩ sử dụng. Gần đường băng là phòng chờ VIP và 2 căn hộ sang trọng đầy đủ tiện nghi dành cho khách hàng ở lại vì nhiều người không muốn lưu dấu vết hộ chiếu, giấy tờ, thẻ tín dụng tại khách sạn và nhà hàng. Chủ nhân hầm vàng, không tiết lộ danh tính và tên công ty vì sợ ảnh hưởng an ninh, cho biết khách hàng tìm đến đây để có nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của họ.

Mê cung dẫn đến hầm vàng.

Cách đó vài km là hầm của Công ty Swiss Data Safe (SDS), giữ vàng cho khách hàng trong một boongke ở sườn núi bên ngoài ấp Amsteg. Dolf Wipfli, người sáng lập và CEO của SDS, là một trong số ít nhà điều hành hầm trữ vàng nói về dịch vụ này. Wipfli không tiết lộ vị trí trữ vàng và chi phí trữ vàng mà đưa khách tham quan một căn phòng đặt các máy chủ cho dịch vụ còn lại của SDS là lưu trữ dữ liệu máy tính. Wipfli cho biết: "Có sự tăng trưởng trữ vàng. Từ năm 2008 đã có sự quan tâm trong lựa chọn thay thế tiền gửi ngân hàng. SDS đã nắm bắt nhu cầu đó. SDS hoạt động độc lập với hệ thống ngân hàng và bất kỳ tổ chức hay nhóm lợi ích khác". Trang web SDS đã có các thứ tiếng Hoa và Nga. Wipfli cho biết, công ty và các đối thủ cạnh tranh không bị Cơ quan Quản lý thị trường tài chính Thụy Sĩ (Finma) kiểm soát. Các công ty này cũng không phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho Văn phòng Báo cáo hoạt động rửa tiền Thụy Sĩ (MROS).

Theo Hải quan Thụy Sĩ, trong nửa đầu năm 2016, có 1.357 tấn vàng trị giá khoảng 40 tỷ USD đã được nhập vào Thụy Sĩ, dự báo năm nay sẽ đạt cao nhất từ mức kỷ lục trong năm 2013. John Cassara, một cựu đặc nhiệm của Bộ Tài chính Hoa Kỳ và là tác giả nhiều cuốn sách về rửa tiền, cho biết: "Giao dịch vàng là một phần rất lớn trong nền kinh tế Thụy Sĩ. Tôi không ngạc nhiên khi Thụy Sĩ không có nỗ lực để tăng cường giám sát việc lợi dụng giao dịch vàng. Chính quyền không muốn chống lại nó".

HẢI ANH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161005/ham-vang-bi-mat.aspx