Tài khoản khách hàng mất 26 tỷ đồng, VPBank không chối trách nhiệm

Trong vụ khách hàng mất 26 tỷ đồng ở VPBank, ngân hàng khẳng định không chối bỏ trách nhiệm của mình nếu kết quả điều tra của cơ quan điều tra cho thấy có sự thông đồng của nhân viên ngân hàng.

Bà Trần Thị Thanh Xuân (giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Quang Huân) cho biết đã mất 26 tỷ đồng trong tài khoản gửi tại VPBank. Bà Xuân nhận mình là nạn nhân trong vụ mất tiền này và khẳng định có sự câu kết của nhân viên VPBank với nhân viên Công ty Quang Huân nhưng ngân hàng cố tình đùn đẩy trách nhiệm.

Thông tin quan trọng từ “người trong cuộc”

Một số tờ báo đã liên lạc với ông Phạm Văn Trinh, nguyên kế toán trưởng công ty Quang Huân. Trước cáo buộc của bà Xuân, cho rằng ông câu kết với nhân viên ngân hàng tên Đoàn Thị Thúy Hằng thực hiện giả mạo hồ sơ mở tài khoản cho công ty Quang Huân và rút số tiền hơn 11 tỷ đồng, ông Trinh thừa nhận chữ ký trên bộ hồ sơ mở tài khoản cho Công ty Quang Huân tại VPBank là của mình, do bà Xuân "nhờ ký thay cho tiện".

Trả lời báo chí, ông Trinh khẳng định tất cả lần rút tiền đều theo chỉ đạo của bà Xuân và giao tiền cho bà Xuân dưới sự chứng kiến của những người khác. Ông Trinh cũng khẳng định người giữ dấu của Công ty Quang Huân là bà Xuân. Theo trần tình của ông này thì khi mở tài khoản, bà Xuân yêu cầu qua điện thoại và nhờ ông Trinh ký hộ. Con dấu khi ấy được giao cho con bà Xuân cầm, cùng ông Trinh tới ngân hàng.

VPBank sẽ không chối bỏ trách nhiệm của mình nếu kết quả điều tra của cơ quan điều tra cho thấy có sự thông đồng của nhân viên ngân hàng

Thực tế, ngay sau khi có đơn tố cáo của bà Xuân, ngân hàng VPBank đã từng mời ông Phạm Văn Trinh lên làm việc, cùng với luật sư của ông Trinh. Biên bản làm việc ghi rõ: mỗi lần rút tiền tại VPBank đều có 4-5 nhân viên công ty đi cùng, trong đó có cả con trai hoặc con gái của bà Xuân. Và các món tiền sau đó được ông này chuyển lại cho bà Xuân (ông Trinh có các chứng cứ, cũng như có lần bà Xuân gọi ông đến nhà để lấy séc đi rút tiền)…

VPBank cho biết đã chuyển cơ quan điều tra biên bản làm việc với ông Trinh và cơ quan công an đang điều tra, làm rõ.

VPBank cũng đã cung cấp hồ sơ cho cơ quan công an và tái 8 định đây là hồ sơ mở tài khoản đầy đủ, hợp lệ, có chữ ký của chủ tài khoản, có dấu của công ty theo quy định. Kể từ khi được mở tháng 3 đến tháng 7/2015, tài khoản này vẫn có các giao dịch nhận và thanh toán bình thường, với số tiền hàng tỷ đồng.

Về vai trò của nhân viên VPBank , Đoàn Thị Thúy Hằng, theo tố cáo của bà Xuân, bà Hằng đã cùng chồng và kế toán Phạm Văn Trinh thông đồng để thực hiện hành vi giả mạo giấy tờ và rút tiền.

Tuy nhiên, hôm nay ông Trinh giải thích lý do nhờ bà Hằng lấy hộ séc là “bởi tôi có việc phải đi. Sau khi nhận séc, bà Xuân yêu cầu tôi ký tất cả vào 2 quyển tại trụ sở công ty ở Đề Thám (TP HCM) và giữ lại. Thời điểm bà Xuân nhờ tôi ký không có mặt của nhân viên ngân hàng là Hằng", ông Trinh nói.

Theo quy định của pháp luật, quyển séc chỉ có giá trị rút tiền khi có chữ ký của chủ tài khoản và con dấu đã đăng ký với ngân hàng. Vì vậy, việc mua bán séc giữa ngân hàng và khách hàng không quan trọng mà việc séc đó được giao dịch như thế nào mới là vấn đề.

Thực tế, các ngân hàng bán séc theo tập. Mỗi khi cần rút tiền mặt ra khỏi ngân hàng, chủ tài khoản phải điền các thông tin như tên công ty, chữ ký chủ tài khoản, dấu công ty, tên người chỉ định rút tiền, chứng minh nhân dân của người đó.

VPBank sẽ không chối trách nhiệm

Thông tin quan trọng từ ông Trinh cùng hồ sơ VPBank chuyển cơ quan điều tra cho thấy đang có nhiều mâu thuẫn trong lời khai của các bên. Bà Xuân tố cáo phát hiện tài khoản bị mất tiền là tháng 7/2015, nhưng theo thông tin của VPBank, đến tận ngày 19/10/2015, tức là khoảng 3 tháng sau khi xảy ra vụ việc, ngân hàng này mới nhận được đơn tố cáo của bà Xuân. Nội dung tố cáo của bà Xuân cho rằng ông Phạm Văn Trinh và một số cán bộ, nhân viên của VPBank câu kết, thông đồng làm thiệt hại của công ty Quang Huân số tiền là 11,3 tỷ đồng. Đến nay, sau một thời gian khá dài, thông tin bà Xuân phản ánh trên báo lại là 26 tỷ đồng?

Đáng lưu ý, VPBank từng mời bà Xuân lên đối chất với ông Trinh để làm rõ song bà Xuân đã không hợp tác, không đối chất. Bà Xuân cũng phản ánh trên báo chí là không hề nhận được bất kỳ tin nhắn nào về các giao dịch rút và chuyển tiền liên quan. Trong khi đó, VPBank cho biết hệ thống dữ liệu đã sao lưu chi tiết tất cả các tin nhắn.

Những nghi vấn này cho thấy cơ quan công an cần nhanh chóng làm sáng tỏ. Như một thông cáo phát đi từ Ngân hàng VPBank thì, khi đó “sẽ sáng tỏ được các nghi vấn về chữ ký chủ tài khoản, con dấu Công ty Quang Huân sử dụng để đăng ký Mở tài khoản và thực hiện các giao dịch Mở tài khoản, trên SÉC, chứng từ giao dịch … cũng như việc nhận SMS liên quan đến giao dịch tài khoản”.

Đại diện VPBank khẳng định ngân hàng này bảo đảm tuân thủ các qui định pháp luật, luôn tăng cường hệ thống kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm an toàn cho giao dịch, tài sản, tiền gửi của khách hàng, luôn bảo đảm đến cùng quyền lợi của Khách hàng theo đúng qui định pháp luật.

Đồng thời VPBank khẳng định: “Không chối bỏ trách nhiệm của mình nếu kết quả điều tra của cơ quan điều tra cho thấy có sự thông đồng của nhân viên ngân hàng”.

Thanh Hà

Bình luận

Nguồn VTC: http://vtc.vn/tai-khoan-khach-hang-mat-26-ty-dong-vpbank-khong-choi-trach-nhiem-d273210.html